Tỉnh Thừa Thiên Huế là quê cha đất tổ của Nguyễn Tri Phương (sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tỉnh Thừa Thiên mang tên tỉnh Nguyễn Tri Phương), còn thành phố Đà Nẵng là nơi Nguyễn Tri Phương lưu danh thiên cổ về tài năng và nghệ thuật quân sự của mình. Vì thế, cùng với người Thừa Thiên Huế, người Đà Nẵng luôn tự hào về Nguyễn Tri Phương, luôn dành cho ông sự tôn kính và ngưỡng mộ.
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng (phải) tặng hoa cho ông Nguyễn Tri Việt - hậu duệ đời thứ 5 của danh tướng Nguyễn Tri Phương tại Hội thảo khoa học “Vai trò Nguyễn Tri Phương trên mặt trận Đà Nẵng trong kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha 1858-1860” tổ chức ngày 28-9-2013 ở Đà Nẵng. Ảnh: P.V |
Nguyễn Tri Phương trở thành người đứng đầu hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi lúc ông vừa bước sang tuổi tứ tuần - ông sinh năm Canh Thân 1800 và giữ chức Tuần phủ Nam Ngãi năm Canh Tý 1840. Nhiệm vụ chính mà triều đình Huế giao cho Tuần phủ Nguyễn Tri Phương ở địa bàn chiến lược Nam Ngãi lúc này là trông coi việc bố phòng cửa biển Đà Nẵng - cửa biển ngoại giao và ngoại thương duy nhất của nước ta từ thời nhà Nguyễn. Thời gian ở Nam Ngãi, Nguyễn Tri Phương luôn khắc cốt ghi tâm lời vua Minh Mạng căn dặn lúc ông lên đường nhận nhiệm vụ mới: “Trong tỉnh Quảng Nam có cửa bể Đà Nẵng nên đắp thêm đồn lũy và làm nhà đặt súng để phòng bị, khanh vào đó nhớ quan tâm việc ấy trước nhất”.
Chính nhờ được người đứng đầu đất nước là vua Minh Mạng cho luân chuyển để đào tạo - nói theo ngôn ngữ công tác cán bộ bây giờ - mà Nguyễn Tri Phương có điều kiện thâm nhập thực tế chiến trường Đà Nẵng từ trước chiến tranh. Trên cương vị Tuần phủ Nam Ngãi, Nguyễn Tri Phương có điều kiện để có cái nhìn toàn cục về hệ thống phòng thủ cửa Hàn, không chỉ am hiểu từng pháo đài đồn lũy mà còn trực tiếp chỉ đạo xây dựng pháo đài Phòng Hải ở đảo Mỏ Diều.
Điều quan trọng hơn là nhờ sớm thâm nhập thực tế chiến trường Đà Nẵng - một lợi thế so với các vị tư lệnh chiến trường tiền nhiệm như Lê Đình Lý, Chu Phước Minh… - nên khi trở lại mặt trận Đà Nẵng vào tháng 10-1858, thời điểm cả phòng tuyến Điện Hải và An Hải đều bị vỡ, Nguyễn Tri Phương có thể nhanh chóng cho xây dựng phòng tuyến Liên Trì nhằm thực hiện thành công kế sách “lấy thủ làm chiến, xây dựng thêm đồn lũy để dần dần tiến bức địch”. Và quả thực, Pháp bị đội quân của Nguyễn Tri Phương “cầm chân” đến mức rơi vào bế tắc và chấp nhận rút toàn bộ quân đội viễn chinh khỏi Đà Nẵng vào 23-3-1860.
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo khoa học “Vai trò Nguyễn Tri Phương trên mặt trận Đà Nẵng trong kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha 1858-1860”, người viết bài này từng nhấn mạnh: “Nguyễn Tri Phương là danh tướng triều Nguyễn. Cuộc đời xông pha trận mạc của ông trải dài khắp đất nước, nào là chỉ huy chiến đấu bảo vệ Sài Gòn từ năm 1860 đến năm 1861, nào là chỉ huy chiến đấu tử thủ Hà Nội năm 1873…
Nhưng có lẽ cuộc kháng chiến chống Liên quân Pháp-Tây Ban Nha từ năm 1858 đến năm 1860 trên mặt trận Đà Nẵng mới thực sự làm cho tên tuổi Nguyễn Tri Phương lưu danh thiên cổ, mới thực sự khẳng định tài năng và nghệ thuật quân sự của ông (...) Tỉnh Thừa Thiên Huế là quê cha đất tổ của Nguyễn Tri Phương (sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tỉnh Thừa Thiên được mang tên là tỉnh Nguyễn Tri Phương), còn thành phố Đà Nẵng là nơi Nguyễn Tri Phương lưu danh thiên cổ về tài năng và nghệ thuật quân sự của mình. Chính vì thế, cùng với người Thừa Thiên Huế, người Đà Nẵng luôn tự hào về Nguyễn Tri Phương, luôn dành cho ông sự tôn kính và ngưỡng mộ”.
Người Đà Nẵng sớm đặt tên Nguyễn Tri Phương cho tuyến đường song song với tuyến đường Phan Châu Trinh - Lê Lợi. Trước đây, tuyến đường nối từ đường Hàm Nghi (nay là đường Lê Hồng Phong) và tuyến đường Lý Thường Kiệt mang tên hai danh nhân: Nguyễn Tri Phương (nối đường Hàm Nghi với đường Quang Trung) và Duy Tân (nối đường Quang Trung với đường Lý Thường Kiệt). Sau năm 1975, cả đường Nguyễn Tri Phương và đường Duy Tân lần lượt đổi tên thành đường Nguyễn Chí Thanh.
Mãi đến năm 1994, Đà Nẵng mới đặt lại tên đường Duy Tân cho con đường nối đường Núi Thành và đường Trưng Nữ Vương (nay nối dài đến Trạm thu phí Sân bay Đà Nẵng) và tên đường Nguyễn Tri Phương cho con đường nối đường Điện Biên Phủ và đường Trưng Nữ Vương. Ngoài ra, ở Đà Nẵng còn có cầu Nguyễn Tri Phương khánh thành vào ngày 30-4-2013 nhưng được đặt tên từ cuối năm 2012; có chợ Nguyễn Tri Phương; có nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương và có tượng Nguyễn Tri Phương trong khuôn viên Thành Điện Hải.
Trước năm 1975, trụ sở Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 và Quân khu 1 của quân đội Sài Gòn nằm ở góc đường Duy Tân và đường Võ Tánh/ Núi Thành (từ cuối tháng 3-1975 đến nay là Trụ sở Bộ Tư lệnh Quân khu 5 của Quân đội nhân dân Việt Nam) cũng từng mang tên là Trại Nguyễn Tri Phương.
Vì vậy, vào đầu năm 1973, một trường trung học đối diện với Trại Nguyễn Tri Phương trên đường Võ Tánh/ Núi Thành chính thức được thành lập và mang tên Trường Trung học Nguyễn Tri Phương theo Nghị định số 119-GD/KH/PC/GD ngày 10-1-1973 của chính quyền Sài Gòn (một thời gian sau đó, Trường Trung học Nguyễn Tri Phương được đổi tên thành Trường Trung học Nguyễn Trường Tộ và nay là Trường THCS Tây Sơn). Hiện nay, Đà Nẵng chỉ còn Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương ở tuyến đường Lê Tấn Trung (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) và Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) đang mang tên vị Tổng tư lệnh mặt trận Đà Nẵng - người giữ thành Điện Hải năm 1858.
Có thể nói, ngay từ khi Nguyễn Tri Phương tham gia chính sự tham dự chính trường, các vua Nguyễn - và cả bản thân người võ tướng xuất thân quan văn này - đã sớm nhận ra sở trường võ bị của ông và do vậy Nguyễn Tri Phương được tạo điều kiện để toàn tâm toàn ý chuyên chú vào võ nghiệp. Và cũng do vậy mà tên thật của Nguyễn Tri Phương là Nguyễn Văn Chương nhưng đến nay hậu thế vẫn không được đọc các tác phẩm thể hiện tài năng văn chương của ông.
Tháng 6-1889, Trương Vĩnh Ký từng sưu tầm và cho đăng trên tập Sử loại thông khảo/ Thông loại khóa trình số 2 nhằm giới thiệu với độc giả cả nước toàn văn bài hịch kêu gọi nhân dân chống Pháp đứng tên Nguyễn Tri Phương. Thực ra vào khoảng năm 1860, khi đang chỉ huy giữ thành Gia Định, Nguyễn Tri Phương đã nhờ Đốc học tỉnh Định Tường Mạc Như Đông nhân danh ông để thảo bài hịch vận động quần chúng này. Có khả năng lúc ấy Nguyễn Tri Phương đưa ra một số gợi ý quan trọng nhằm định hướng cho ngòi bút Mạc Như Đông, nhưng khó có thể nói ông là đồng tác giả.
Nguyễn Tri Phương cũng có duyên nợ với văn chương nghệ thuật. Nguyễn Tri Phương từng trở thành nguồn cảm hứng nghệ thuật của tác giả kịch bản - Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Sĩ Chức và đạo diễn Đặng Bá Tài trong vở tuồng Nguyễn Tri Phương công diễn trên sân khấu Nhà hát Tuồng Việt Nam vào năm 2013. Tuy nhiên, tác giả kịch bản - Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Sĩ Chức chỉ tái hiện hình tượng nhân vật Nguyễn Tri Phương với tư cách Tổng đốc - người giữ thành Hà Nội năm 1873, dù sức cùng lực kiệt nhưng vẫn giữ được khí thế lẫm liệt trong giây phút cuối đời. Có thể nói đến nay vẫn chưa có một tác phẩm nghệ thuật sân khấu nào tái hiện hình tượng nhân vật Nguyễn Tri Phương với tư cách tổng tư lệnh mặt trận Đà Nẵng - người giữ thành Điện Hải năm 1858 và cũng có nghĩa là với tư cách người chiến thắng. |
BÙI VĂN TIẾNG