Đà Nẵng cuối tuần

ĐỌC SÁCH

Những hoài tưởng mê say

14:33, 05/03/2022 (GMT+7)

Với ngày như lá tháng như mây..., tác giả Phạm Công Luận muốn nhắn nhủ rằng, tháng ngày tưởng nhiều nhưng rồi cũng trôi đi nhẹ nhàng như một cái chớp mắt. Nơi duy nhất mà cảnh cũ tồn tại chính là trong trí nhớ của người xưa. Vậy nên, ta hãy yêu nhà ngay cả khi đang ở nhà, hãy níu ngày khi đang ở trong ngày…

Với nhà báo, nhà văn Phạm Công Luận, tình yêu quê hương không chỉ là một dạng cảm xúc cá nhân mà còn được thể hiện thành những trang viết hoài cổ, chan chứa, ấm nồng. Với ngày như lá tháng như mây... (NXB Thế giới) ra mắt vào đầu năm 2022 một lần nữa tiếp nối, thể hiện mạch nguồn tình cảm tha thiết của tác giả luôn dành trọn cho Sài Gòn - nơi mà ông đã sinh ra, lớn lên và gắn bó cuộc đời trong đời sống cũng như trên trang viết.

Với 30 tản văn, tùy bút được in chung trong tập sách, tác giả đưa mọi người lên một chuyến tàu tâm tưởng, bắt đầu ngược bến, du hành về thời xa vắng của mảnh đất Sài Gòn - Gia Định cách đây nửa thế kỷ trước. Ở từng bến, từng bến, độc giả cùng người viết chậm rãi quan sát, trải nghiệm những không gian, thói quen sinh hoạt, nết ăn ở của đời sống cư dân xưa.

Để dìu bạn đọc ngược không gian và thời gian một cách hân hoan, hồ hởi nhất, Phạm Công Luận phải tự mình đào xới nhiều sử liệu quý, chạm đến những rung cảm thầm kín và chân thành nhất. Khi đã có đủ hai điều đó, tác giả lại đan cài chúng một cách mềm mại, hiệu quả. Ông quan sát tỉ mỉ nhưng không hồi tưởng vụn vặn, cảm xúc cá nhân chất chứa nhưng lại biết tinh lọc, chưng cất những kỷ niệm riêng tư thành một vùng sáng ký ức của cộng đồng.

Trong những bài viết Thầy cô của ngày xưa, Tết của một thời, Xe thổ mộ và cái móng ngựa rỉ sét, Xóm gà tan giấc, Ký ức chợ ga Phú Nhuận…, người đọc không chỉ bắt gặp những kỷ niệm ấm êm trong ngôi nhà cũ cùng cha mẹ, mái trường yêu dấu cùng hình bóng cũ, những thú vui, tháng ngày tuổi trẻ, bé thơ, mà thông qua đó còn khắc họa những bài học tinh thần, những phong cách sinh hoạt thấm đẫm giá trị văn hóa của một vùng đất với những nguyên sơ xưa, những ấm êm vốn có.

Phạm Công Luận viết văn như cách những người cao tuổi nuối tiếc, lưu giữ những món quà thời gian. Với ông, cái gì xưa cũ mới là vàng ròng. Ông chấp bút trong lời đề bạt của cuốn sách: “Khi đọc lại bản thảo cuốn sách này, tôi nhớ nhiều nhất về những năm tuổi ba mươi của mình. Đó là thập niên 1990 đầy hạnh phúc, khi bản thân còn đang căng tràn tuổi trẻ, sức lực và niềm vui sống. Đó là những năm không phải lúc nào mọi điều cũng suôn sẻ nhưng chỉ cần một chuyến đi xa, một tình bạn đơn sơ, một cuốn sách thú vị hay một ca khúc trữ tình cũng đủ giúp tôi lướt qua những điều không vui gặp phải trên đường đời”. Ông nhấn mạnh lời của tiểu thuyết gia William Faulkner: “Tôi luôn cảm thấy quá khứ không bao giờ chết, nó thậm chí còn chưa trôi qua kia”.

Với ngày như lá tháng như mây... - một tiêu đề ngôn từ bềnh bồng nhiều sức gợi, điều Phạm Công Luận muốn nhắn nhủ có lẽ vốn dĩ đã nằm trong tiềm thức của nhiều người: Tháng ngày tưởng nhiều nhưng rồi cũng trôi đi nhẹ nhàng như một cái chớp mắt. Nơi duy nhất mà cảnh cũ tồn tại chính là trong trí nhớ của người xưa. Vậy nên, ta hãy yêu nhà ngay cả khi đang ở nhà, hãy níu ngày khi đang ở trong ngày…

Được mệnh danh là “người lưu giữ ký ức phố thị”, Phạm Công Luận luôn lồng vào tác phẩm những chiêm nghiệm hữu ích xuất phát từ một tâm hồn từng trải. Là tùy bút, tản văn nhưng mỗi bài là một câu chuyện có thông điệp, giàu tính khai mở. Ở đó không chỉ là cảm xúc mà còn có thông tin, không chỉ có thông tin mà còn có sự cân nhắc, so sánh đầy thận trọng và thấu đáo.

Với những người như Phạm Công Luận, có lẽ quá khứ sẽ chẳng có điều gì đáng bị lãng quên. Nó luôn sống động và thật đẹp, vẻ đẹp ấy được nhìn từ tim.

MINH THI

.