Đà Nẵng cuối tuần
Chim phụng gãy cánh
Dương Hiển Tiến là thí sinh đỗ phó bảng trong khoa thi được người Quảng vinh danh là khoa “Ngũ phụng tề phi” vào năm Thành Thái thứ hai (1898). Ông qua đời lúc 41 tuổi (năm 1907). Đời sau thương tiếc gọi ông là “con chim phụng gãy cánh”.
Mộ Dương Hiển Tiến tại thôn Cẩm Lậu, xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: L.T |
Ngày nay, về vùng Gò Nổi (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) gặp các cụ cao niên vẫn được nghe kể một giai thoại lý thú về gia cảnh và tinh thần hiếu học thời trẻ của vị phó bảng Dương Hiển Tiến. Thời còn để chỏm, Dương Hiển Tiến được một thầy đồ trong làng nhận khai tâm mở trí. Nhưng gia cảnh quá nghèo, cha mẹ ông cố gắng hết sức vẫn không thể cho con ăn học đến nơi đến chốn. Dù đang tuổi ăn tuổi chơi, Dương Hiển Tiến cũng nhận ra hoàn cảnh nghèo túng của gia đình mình. Ông đề nghị cha cho nghỉ học và nhờ cha xin cho sang “ở đợ” nhà thầy đồ để hằng ngày lo việc quét dọn nhà cửa, trà nước hầu hạ cụ tú họ Đoàn.
Vế đối “đổi đời” cậu học trò nghèo
Được cụ Tú nhận lời, cha con Dương Hiển Tiến rất mừng. Ông làm việc siêng năng, chăm chỉ. Sáng nào ông cũng thức dậy sớm, quét dọn nhà cửa sạch sẽ, sắp xếp sách vở của thầy ngay ngắn trên án thư, rồi rót nước pha trà hầu thầy. Xong công việc, ông thường quanh quẩn bên lớp học để được nghe thầy giảng bài cho các anh chị học trò may mắn hơn ông. Việc “học lóm” của ông không được thầy và các bạn lưu ý. Đến một hôm, cụ tú Đoàn ra một vế đối cho cả lớp: “Ngói đỏ lợp nhà Nghè”. Cả lớp suy nghĩ nhưng không có người nào làm được câu đối chỉnh. Đang trong lúc bực mình, cụ Tú rời lớp, ra vườn thư giãn. Gặp dịp, Dương Hiển Tiến liền mời thầy tách trà và xin thầy cho mình được đọc vế đối: Câu của thầy là “Ngói đỏ lợp nhà Nghè”; con xin đối lại: “Đá xanh xây cầu Cống”!
Cụ tú Đoàn ngạc nhiên. Cậu bé giúp việc lại hơn hẳn học trò “chính quy” của mình. Vế đối quá sức chỉnh, lại thể hiện khí khái đáng trọng. Thầy hỏi chuyện mới biết cậu bé giúp việc thông minh và hiếu học lâu nay vẫn “học lóm” những điều ông dạy.
Sau buổi đó, cụ tú họ Đoàn cho mời cha Dương Hiển Tiến sang nhà. Cha Dương Hiển Tiến xin cụ Tú Đoàn nhận con trai mình làm con nuôi để ngày ngày lên lớp học với thầy, thời gian rảnh giúp đỡ công việc nhà cho thầy.
Từ đó, Dương Hiển Tiến mới có thể hoàn toàn chuyên tâm học hành mà không phải lo nghĩ chuyện áo cơm. Ông nổi tiếng là học sinh chăm chỉ, sáng dạ ở trường cụ Tú Đoàn, rồi trường Giáo Điện Bàn và trường Đốc Thanh Chiêm. Ông luôn được Đốc học Trần Đình Phong khen ngợi và giúp đỡ.
Vị phó bảng yểu mệnh
Dương Hiển Tiến sinh năm Canh Dần (1866) tại làng Cẩm Lậu, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay là thôn Cẩm Phú, xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn). Quê ông, vùng Gò Nổi vốn là vùng đất “địa linh nhân kiệt” của Điện Bàn. Khi được cụ Tú Đoàn nhận làm con nuôi, không phụ ơn thầy, ông ngày đêm đèn sách. Năm 1892, ông đỗ cử nhân tại trường thi Thừa Thiên vị thứ 9/27.
Năm 1898, Dương Hiển Tiến đỗ phó bảng trong khoa Ngũ phụng tề phi của Quảng Nam. Khoa này có một Hoàng giáp (Đào Nguyên Phổ), 7 Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân và 9 phó bảng. Dương Hiển Tiến là vị phó bảng cuối cùng của khoa. Theo Phạm Ngô Minh và Trương Duy Hy trong Khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn (NXB Văn nghệ, 2007), sau khi vinh quy bái tổ, Tổng đốc Nam - Ngãi (Quảng Nam và Quảng Ngãi) Đào Tấn tổ chức tiệc chiêu đãi các vị tân khoa tại Khán hoa đình (ngôi nhà nghỉ mát của Đào Tấn ở bờ Nam sông Vĩnh Điện), Dương Hiển Tiến và Ngô Chuân được Đào Tấn xuất khẩu tặng một bài tứ tuyệt: Giang sơn thanh thục dị tài hoa/ Tam quế tề khai nhất dạng ba/ Cảnh hữu Quảng Hàn cung đợi khách/ Du tương thể bút tả Hằng Nga. Dịch: Non sông hun đúc lắm tài hoa/ Một loạt ba bông nở đậm đà/ Cung Quảng ngoài hiên còn đợi khách/ Trộm đem bút mực vẽ Hằng Nga (Trần Gia Thoại).
Không có tài liệu nào nói về hành trạng làm quan của Dương Hiển Tiến. Quốc triều Hương khoa lục cũng chỉ ghi quê quán và vị thứ của ông trong khoa thi mà thôi. Tác giả Dương Thị Lý trong bài Danh nhân họ Dương cho biết, sau khi thi đỗ, ông được bổ làm Huấn đạo (không rõ thuộc huyện, tỉnh nào). Cũng theo tác giả này, làm quan được một năm, chán cảnh quan trường, ông cáo quan về quê mở trường dạy học. Học trò theo học rất đông, không chỉ học trò ở vùng Gò Nổi mà nhiều nơi khác của Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc… cũng đến xin thọ giáo.
Năm 1907, Dương Hiển Tiến bị bệnh thương hàn và qua đời đột ngột khi mới 41 tuổi. Gia cảnh ông vốn khó khăn. Đồng môn, học trò và làng xã phải cùng chung tay lo tang lễ cho ông!
Tại Quảng Nam trước đây có người cho rằng khi đón tiếp các vị tân khoa tại Khán Hoa đình bên bờ sông Vĩnh Điện, cụ Đào Tấn có cho thêu một bức trướng (thục) hình năm con chim phụng, 3 con đang bay lớn hơn ở phía trước tượng trưng cho 3 tiến sĩ, 2 con nhỏ hơn trong tư thế xếp cánh ở phía sau tượng trưng cho 2 phó bảng Dương Hiển Tiến và Ngô Chuân. Người ta cho rằng, đây là “điềm gở” đối với hai vị phó bảng, đó là những con “chim phụng gãy cánh”. Điều này vận vào hai ông: Chim phụng một khi đã xếp cánh thì làm sao có thể bay xa được! Nhưng chuyện dân gian không biết thực hư thế nào!
Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, người viết bài này thấy một bức tranh hình 5 con chim phụng, 3 con lớn hơn xòe cánh bay phía trước và hai con xếp cánh bay phía sau tại trụ sở Hội Khuyến học Quảng Nam - Đà Nẵng (đường Lê Thánh Tôn, Đà Nẵng). Thầy Phan Khôi, Phó Chủ tịch Hội lúc bấy giờ, cho biết: Bức tranh vẽ theo bức phù điêu bằng đá Non Nước gắn trước Tòa Hành chánh tỉnh Quảng Nam (nay là Khách sạn Hội An) do Tỉnh trưởng Quảng Nam Nguyễn Hữu Chì cho khắc lại dựa vào bức trướng ở nhà TS. Phạm Liệu - một trong 5 con chim phụng ngày ấy.
|
LÊ THÍ