Đà Nẵng cuối tuần

Về bài thơ "Em bảo anh đi đi"

15:37, 07/05/2022 (GMT+7)

* Hôm rồi khi nghe Bài không tên số 50 của Vũ Thành An, một người bạn nói rằng không biết tên tác giả và dịch giả bài thơ có tựa Em bảo anh đi đi mà nhạc sĩ dựa vào đó để viết thành ca khúc. Rất mong quý chuyên mục giải đáp giúp thắc mắc này.(Trịnh Thanh Tâm, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng)

Nhà thơ Silva Kaputikian. Ảnh: Wikipedia
Nhà thơ Silva Kaputikian. Ảnh: Wikipedia

- Đây bài thơ 8 câu nguyên văn tiếng Nga. Theo bài viết có tựa rất dài “Ai là dịch giả bài thơ lạ lùng “Em bảo anh đi đi. Sao anh không đứng lại” từng một thời nổi tiếng trên internet?” đăng trên Báo Doanh nhân Cuối tuần (doanhnhancuoituan.net), bài thơ này có nhiều bản dịch của các dịch giả Nguyễn Viết Thắng, Huyền Anh, Thái Bá Tân. Tuy nhiên, bản dịch hay nhất thuộc về một dịch giả khuyết danh như sau:

Em bảo anh đi đi/ Sao anh không đứng lại/ Em bảo anh đừng đợi/ Sao anh vội về ngay…

Lời nói gió thoảng bay/ Đôi mắt huyền đẫm lệ/ Sao mà anh ngốc thế/ Chẳng nhìn vào mắt em!

Bài thơ này quá nổi tiếng, nhiều người có thể đọc nó làu làu. Giọng điệu của bài thơ cho thấy tác giả là một nhà thơ nữ. Tuy nhiên, một thời gian, người ta cho đó là tác phẩm của những nhà thơ nam như Evgueni Evtushenko, hay lạ lùng hơn là Aleksandr Sergeyevich Pushkin. Theo tác giả bài đã dẫn, sau một hồi tra cứu, có thể xác nhận bài thơ này là của Silva Kaputikian, nữ thi sĩ người Armenia rất nổi tiếng ở quốc gia Tây Nam Á này.

Bà Silva Kaputikian sinh ngày 5-1-1919 trong một gia đình giáo viên, bắt đầu in thơ từ năm 1933 và là tác giả của hơn 60 tập sách/thơ, được xuất bản bởi tiếng Nga lẫn tiếng Armenia và từng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Thơ của bà được đưa vào chương trình giáo dục tại Armenia. Ở thành phố Yerevan - nơi bà sinh ra, có trường học và đường mang tên bà. Để ghi nhận những thành tựu của bà trong văn chương lẫn xã hội, Armenia đã phát hành con tem có hình bà.

Bình về bài thơ nổi tiếng của Silva Kaputikian, nhà báo, nhà thơ Dương Kỳ Anh, trong một bài viết đăng trên Báo Phụ nữ Thủ đô ngày 13-5-2013, đã dành những dòng đầy cảm xúc: “Nữ thi sĩ S. Kaputikyan thật tài tình. Bà đã nắm bắt được cái tâm trạng “phức tạp” ấy của người thiếu nữ lúc đang yêu. Bảo rằng thế này nhưng lại là thế khác! Nếu chàng trai không tinh ý, thật “như đếm” sẽ bỏ lỡ một tình yêu đẹp, sẽ phải ân hận cả một đời. Bởi người thiếu nữ đang yêu nói “không” nghĩa là có, bảo đừng đợi thì anh cũng chớ “vội về ngay”… Bởi vì, cái bởi vì này mới là đích thực: Lời nói gió thoảng bay/ Đôi mắt huyền đẫm lệ/ Sao mà anh ngốc thế/ Chẳng nhìn vào mắt em. Tình yêu đích thực đâu cần lời nói. Tình yêu đích thực ở chính đôi mắt kia đã nói lên tất cả”.

Bài báo này cho rằng, bản dịch bài thơ đã được nhạc sĩ Vũ Thành An phổ nhạc là Xuân Diệu. Tuy nhiên, có người không đồng ý vì một cái tên lừng lẫy như Xuân Diệu, bài thơ vừa dịch thì đương thời đã lập tức lan tỏa ngay và làm sao có thể tự dưng bỏ mất cái tên của “Ông hoàng thơ tình” ở phần dịch thơ được!

ĐNCT

.