Đà Nẵng cuối tuần
Thời khắc ta đang sống
Tôi có người bạn thân ở phương xa ngày nào cũng chuyện trò với nhau trên Zalo. Chủ đề không có gì mới mẻ, xoay quanh chuyện chợ búa, chồng con, văn chương, thị trường chứng khoán và mớ cảm xúc hỗn độn của đàn bà tuổi ngoài ba mươi. Bạn thường nhắc về người mẹ đã khuất của mình với tình yêu thương, sự day dứt chưa bao giờ nguôi ngoai. Bạn nói, có những mất mát khiến con người ta thấy không có niềm vui nào trọn vẹn.
Ngay những lúc tưởng chừng rất hạnh phúc, lòng sẽ nhớ về mất mát ấy, tâm trạng chùng xuống ít nhiều. Bạn thường gặp mẹ trong những giấc mơ, màu áo cũ, khuôn mặt nhiều lo toan nhàu nhĩ. Tỉnh dậy, bạn thấy nước mắt mình chảy trên mặt. Lời mẹ nói trong giấc mơ vẫn còn vọng bên tai. Bạn mang tâm trạng buồn bã ấy đi chuẩn bị bữa sáng cho chồng con.
Tôi hỏi đã bao giờ bạn nghĩ chồng con mình có một bữa sáng thế nào? Đó có phải là món ăn hạnh phúc được nêm nếm bởi gia vị yêu thương? Khoảnh khắc ngày mới thường quan trọng nhất trong ngày; nếu đứa trẻ có một buổi sáng tuyệt vời, chúng sẽ mang niềm vui ấy lan tỏa đến thế giới xung quanh...
Tôi cũng thuộc tuýp người ưa hoài niệm. Có khi ngồi dưới khoảng sân tắm những tia nắng chan hòa cuối xuân mà tâm trí hướng về quá khứ. Cứ mải đắm chìm trong những ngày tháng cũ, khuôn mặt cũ, đến lúc bừng tỉnh thì sự ấm áp của từng tia nắng cũng rời bỏ bờ vai. Để rồi, tôi nhận ra mình đã không nghe thấy tiếng hót lảnh lót của bầy chim trên vòm lá, không nhìn thấy sự lấp lánh của từng chùm nắng reo vui trong mắt con mình. Tiếng cơm sôi hiện tại khác với tiếng cơm sôi của ngày mai. Bởi lẽ, vạn vật trong vũ trụ vận động không ngừng, từng hơi thở trong thực tại này, phút giây này lập tức đã trở thành quá khứ.
Tôi thích những buổi chiều đầu hạ. Sau những giờ làm việc mệt mỏi, tôi thường rủ các con lên sân thượng. Lúc ấy, tôi cố gắng để tâm trí không bận bịu nghĩ suy, hít căng lồng ngực với luồng gió mát lành từ cánh đồng thổi tới, rồi đi thăm bông hoa mới nở, chạm vào chiếc lá vừa héo úa, tưới nước cho những chậu cây mơn mởn non xanh.
Tôi đứng quay lưng vào tường trông chừng tụi nhỏ chạy chơi, mắt lăn theo hòn bi mà ngón tay bé nhỏ của con vừa búng mạnh. Từng tiếng cười trong trẻo ngấm vào tâm hồn tôi để lại tiếng vang dài. Trời tối dần, tôi xoay người lại ngắm đèn đường vừa bật lên, nhấp nháy. Nhìn từng dòng người vội vã trôi đi, tụi nhỏ thường hỏi nhau: Có phải họ đang trở về nhà, như bố mình sau mỗi ngày tan ca? Chỉ giản dị thế thôi, mà tôi yêu những phút giây như thế quá đỗi.
Tôi nhận ra khi tập trung làm bất cứ việc gì thì mình dễ có được nguồn năng lượng và niềm vui trọn vẹn. Tôi mang ý nghĩ ấy đi tắm cho con, chợt thấy từng giọt nước trên da thịt con cũng biết reo vui. Vậy mà mọi hôm, vì bận buồn phiền những điều đã qua, bận lo toan bao điều chưa tới mà tôi thường trách mắng con mình. Tôi nghiệm ra rằng trẻ con luôn hạnh phúc bởi vì chúng luôn sống trọn vẹn cảm xúc trong thực tại.
Khi nhắc đến cụm từ “an trú trong thực tại”, tôi nghĩ đến thiền sư Thích Nhật Hạnh. Thiền sư đã để lại nhiều thông điệp sâu sắc về việc sống thức tỉnh trong từng phút giây. Trong tác phẩm 365 ngày an lạc, Thiền sư chia sẻ: “Mình chưa có hạnh phúc vì mình luôn có tâm trạng chờ đợi, ngóng trông. Sự chờ đợi, ngóng trông cản trở mình tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống đang có trong giây phút hiện tại. Có thể nói, cuộc đời mình bị đánh cắp bởi những chuỗi ngày đợi chờ. Thật uổng phí”.
Trong cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại - Nhà giả kim của Paulo Coelho cũng viết: “Tôi vẫn sống như từ trước tới giờ, nghĩa là khi ăn, tôi không làm gì khác hơn là ăn. Khi chạy, tôi không làm gì khác ngoài chạy… Tôi không sống trong quá khứ hay tương lai. Tôi chỉ có hiện tại và chỉ quan tâm đến hiện tại… Như thế cuộc đời sẽ trở thành một ngày hội lớn, một buổi lễ lớn, vì đời bao giờ cũng chỉ là khoảnh khắc ta hiện đang sống”.
VŨ THỊ HUYỀN TRANG