Đà Nẵng cuối tuần
Nỗi đau Mỹ Lược
Ban đầu, chợ Mỹ Lược thuộc xã Xuyên Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Đà. Rồi địa danh từ xã đến tỉnh cũng thay đổi theo từng chặng thời gian; đến nay, chợ Mỹ Lược thuộc thôn Mỹ Hòa, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Bia ghi thời gian các vụ thảm sát tại chợ Mỹ Lược. Ảnh: THÁI MỸ |
1. Bên con đường làng rợp bóng tre xanh sát bờ sông Thu Bồn từ lâu có một mái chợ quê, người dân địa phương gọi là chợ Mỹ Lược, cùng tên làng. Chợ Mỹ Lược bao đời nay chỉ là mấy túp lều đơn sơ nhưng đã chứng kiến bao sóng gió, thăng trầm lịch sử. Các cụ cao niên cho biết, chợ Mỹ Lược hình thành từ thời phong kiến. Đồn điền, đất đai nằm trong tay địa chủ nên chợ này chỉ là chỗ cho dân cày thuê, cuốc mướn tụ tập vào buổi sáng sớm bán, mua bó rau, ký cám, con gà…
Trong kháng chiến vệ quốc, mỗi khi giặc càn về làng, chợ Mỹ Lược bốc cháy ngùn ngụt. Giặc rút lui, chợ Mỹ Lược lại được dựng lên bằng tranh tre, dân làng lại kĩu kịt các gánh rau, trái bí về đây. Bên cạnh các mẹ, các chị đến chợ để trao đổi hàng hóa cho nhu cầu bữa cơm hằng ngày thì cũng lắm người cắp rổ tới chợ không mua, chẳng bán. Họ là những cơ sở bí mật của cách mạng, kiên quyết cùng người dân bám đất, giữ làng. Họ tới chợ là để tìm cách nhắn gửi tình hình cho lực lượng an ninh, du kích, cán bộ địa phương. Địch biết chợ Mỹ Lược là nơi gặp gỡ của lực lượng quần chúng được hậu thuẫn tại chỗ nên mỗi lần chúng tràn qua thì chợ chỉ còn đống tro tàn.
Vào những năm 1965-1970, tại chợ Mỹ Lược cũng như các xã vùng tây huyện Duy Xuyên, địch liên tục mở rộng các cuộc hành quân, bắn phá với chiến dịch “Bình định nông thôn, tìm và diệt”, lùa xúc nhân dân vào bên trong các ấp chiến lược của chúng để thực hiện chiêu bài “tát nước bắt cá”, làm dân làng không còn đường nuôi giấu cán bộ, du kích. Thế nhưng, bà con làng Mỹ Lược cũng như xã Xuyên Hòa kiên quyết không ly khai với đồng ruộng, xóm thôn. Đến hẹn, chợ vẫn đông nên xuất hiện câu hát ngợi ca ý chí, lòng dạ sắt son với cách mạng: “Chợ ta không phố, không lều/ Đông trên đổ nát, đông theo chiến hào”.
2. Làng Mỹ Lược được đưa vào tầm ngắm, địch quyết biến vùng đất này thành vườn không, nhà trống. Rạng sáng 1-4-1967, Trung đoàn 5 lính thủy đánh bộ địch từ căn cứ quân sự An Hòa, Đức Dục, hai xã Xuyên Thu, Xuyên Phú mở trận càn quy mô lớn để tìm kiếm các hầm bí mật trong lòng đất và truy bắt các cơ sở đang hoạt động hợp pháp dưới dạng dân thường. Nhận được tin chúng sẽ tàn sát đẫm máu nên lực lượng an ninh, du kích xã Xuyên Hòa đã chặn đánh quyết liệt, tiêu diệt tại trận hàng chục tên. Tuy nhiên, cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra được vài giờ thì chúng tràn vào làng, châm lửa đốt nhà, ném lựu đạn gây sập nhiều hầm trú ẩn của bà con, rồi bắt trói 20 người dân lùa ra tập trung tại chợ Mỹ Lược nổ súng sát hại, làm 14 người chết; 6 người còn lại bị thương nhưng nằm im, chúng tưởng đã chết nên bỏ đi.
Sau Tết Kỷ Dậu 1969, địch từ nổng Bà Tình, cách chợ Mỹ Lược hơn 3km ở phía đông kéo về đốt phá xóm làng, làm 5 người chết và 10 người bị thương. Quyết biến làng Mỹ Lược, Xuyên Hòa trở thành vùng trắng, ngày 10-1-1970, Thiếu tá Lê Huy Bửu, Quận trưởng quận Đức Dục, trực tiếp chỉ huy một tiểu đoàn lính bộ binh đa chủng loại mở cuộc tấn công. Trước khi hành quân, pháo hạng nặng ở đồn An Hòa nã tới tấp vào xã Xuyên Phú, Xuyên Hòa, làm tê liệt các mục tiêu kháng cự của ta. Giữa lúc làng mạc ngập chìm trong lửa đạn, chúng từ cánh đồng tràn vào trong làng.
Du kích xã phục sẵn tại các vườn cây, bờ ruộng nổ súng phản công, loại khỏi vòng chiến đấu quận trưởng cùng hàng chục binh lính, bắt sống 1 cố vấn quân sự rồi rút qua bờ bắc sông Thu Bồn.
Bị đánh đau, địch lùng sục bắt giữ 22 người, toàn người già, phụ nữ, trẻ em, đưa tới chợ Mỹ Lược xả súng, làm chết tại chỗ 14 người; 8 người khác bị thương nhưng cố nằm im bất động, chờ chúng bỏ đi mới được sống sót.
Tội ác do Mỹ - ngụy gây là vô cùng đau thương nhưng từ đó làm tăng thêm lòng yêu nước, sôi sục căm thù quân giặc, tạo sức mạnh làm nên chiến thắng cho quân và dân địa phương.
Bây giờ, chợ quê Mỹ Lược vẫn nhỏ nhoi, khiêm tốn như thuở ban đầu, còn hàng hóa dồi dào đã có chợ Kiểm Lâm cách đó không xa. Cái chợ giản dị, chỉ ồn ào, nhộn nhịp lúc tinh mơ rồi lại lặng lẽ, trầm ngâm cùng năm tháng...
Đảng ủy, UBND xã Duy Hòa (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) và bà con thôn Mỹ Lược đã xây dựng bia tưởng niệm những nạn nhân của các vụ thảm sát. Bia tưởng niệm là công trình kiến trúc mang tính lịch sử - tâm linh, đặt trên nền bê-tông cao ráo, khang trang sát cạnh phía đông chợ Mỹ Lược. Nội dung bia ghi: “Nơi đây, vào những ngày 1 tháng 4 năm 1967; ngày 27 tháng 2 năm 1969 và ngày 10 tháng 1 năm 1970, Trung đoàn 5 lính thủy đánh bộ Mỹ và quân ngụy đã mở các cuộc càn quét, tàn sát dân vô tội, làm 33 người chết, 16 người bị thương”. Mặt sau bia ghi tên những nạn nhân bị giết hại. Phía trước bia là lư hương để người dân làng và khách thập phương dâng hương tưởng niệm. Di tích được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 558/QĐ-UBND/2007 ngày 8-2-2007 xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. |
THÁI MỸ