Đà Nẵng cuối tuần

Phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

06:22, 21/08/2022 (GMT+7)

Sau 2 năm thực hiện Chương trình số 33-CTr/HU ngày 31-3-2020 của Huyện ủy Hòa Vang về đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với xây dựng nông thôn mới, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản trên địa bàn huyện tăng 4,46%/năm, sản lượng lương thực duy trì ở mức 29.500 - 32.500 tấn, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 55,05 triệu đồng/người/năm, tăng 5,7% so với cuối năm 2020.

Mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với hoạt động trải nghiệm được UBND huyện Hòa Vang khuyến khích phát triển. TRONG ẢNH: Một buổi trải nghiệm của học sinh Trường THPT Tôn Thất Tùng (quận Sơn Trà) tại Tâm An Farm, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. Ảnh: T.Y
Mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với hoạt động trải nghiệm được UBND huyện Hòa Vang khuyến khích phát triển. TRONG ẢNH: Một buổi trải nghiệm của học sinh Trường THPT Tôn Thất Tùng (quận Sơn Trà) tại Tâm An Farm, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. Ảnh: T.Y

Ông Phan Duy Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, UBND huyện đang tiếp tục rà soát, đề xuất thành phố đầu tư công 2 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rộng 20,9ha tại xã Hòa Phú và 16,2ha tại các xã Hòa Phong, Hòa Khương; đồng thời kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất; phấn đấu năm 2025 có 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó ít nhất 45% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…

* Hiện nay, huyện Hòa Vang phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nào để phù hợp với mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, thưa ông?

- Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhất là Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình số 42-CT/TU ngày 5-2-2020 của Thành ủy Đà Nẵng về đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn xây dựng nông thôn mới, huyện Hòa Vang tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Đến nay, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng 4,46%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 55,05 triệu đồng/người/năm (tăng 5,7% so với năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới của thành phố còn 1,85% (giảm 1,21% so với cuối năm 2020)…

Để 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thu nhập bình quân 85 triệu đồng/người/năm vào năm 2025, Huyện ủy, UBND huyện Hòa Vang tập trung quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ; duy trì, nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; cân đối ngân sách thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đề xuất thành phố đầu tư công 2 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Phú (20,9ha), xã Hòa Phong và Hòa Khương (16,2 ha). Từng bước hỗ trợ hình thành, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết hợp tham quan du lịch.

Tính đến năm 2021, huyện Hòa Vang có 12 sản phẩm OCOP, trong đó 5 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao gồm: rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong), bưởi da xanh của Hợp tác xã (HTX) rau hoa củ quả Hòa Ninh (xã Hòa Ninh), rau ăn lá và dưa lưới của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Afarm (xã Hòa Phú) và kiệu hương xã Hòa Nhơn. Dự kiến trong năm 2022, huyện tiếp tục hoàn thiện 8 sản phẩm OCOP và công nhận 15 nhãn hiệu hàng hóa đối với sản phẩm lúa gạo hữu cơ Hòa Vang, trứng cút Hòa Phước, rau sạch Cẩm Nê, rượu cần Phú Túc, ớt Bồ Bản, cây mía Hòa Bắc...

* Ông có thể nói rõ hơn thế mạnh của huyện Hòa Vang trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn hiện nay?

- Đất nông nghiệp ở Hòa Vang khoảng 62.635ha (chiếm 85,7% tổng diện tích đất), trong đó đất trồng cây hằng năm 4.739ha; đất trồng cây lâu năm 1.036ha; đất lâm nghiệp có rừng 56.660ha; đất nuôi trồng thủy sản 129ha; đất nông nghiệp khác 71ha; đất phi nông nghiệp 10.136ha và đất chưa sử dụng 546ha, tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, thổ nhưỡng Hòa Vang phù hợp trồng lúa, hoa quả, rau màu khu vực đồng bằng và cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày, dược liệu, chăn nuôi khu vực đồi núi.

Bên cạnh nguồn lao động dồi dào, mạng lưới giao thông thuận lợi, thành phố cũng dành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ở huyện Hòa Vang, như chính sách hỗ trợ lãi suất vay thương mại đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích hỗ trợ hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tập trung, chuyên canh (rau, củ, quả, hoa, cây cảnh); hỗ trợ sản xuất nấm thương phẩm, nấm dược liệu... Đây được xem là những lợi thế giúp kinh tế nông thôn Hòa Vang tiếp tục phát triển thời gian tới.

* Vậy người nông dân được hưởng những lợi ích gì từ những mô hình kinh tế này?

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Hòa Vang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, song vẫn đạt một số kết quả nhất định. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất tăng 4,77%/năm, trong đó sản xuất dịch vụ tăng 4,11%/năm; sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 5,28%/năm; sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng 4,46%/năm.

Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp có bước phát triển khá (đạt 4,46%/năm), sản lượng lương thực duy trì ở mức 29.500 - 32.500 tấn nhờ áp dụng các biện pháp tăng năng suất cho cây trồng, nhất là khâu lựa chọn giống, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Địa phương tập trung mở rộng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào vùng sản xuất tập trung như vùng sản xuất lúa giống; 42,6ha chuyên canh rau; 22ha chuyên canh hoa. Có 3 sản phẩm gồm cao nấm linh chi của HTX nấm Nhơn Phước (xã Hòa Phước), bánh tráng Đại Cường và bún tươi đóng gói của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đại Cường (xã Hòa Phú) được tặng thưởng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố năm 2021; vùng nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất an toàn sinh học.

Có thể nói, người dân Hòa Vang đã hưởng lợi trực tiếp từ các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, từ các mô hình phát triển kinh tế - xã hội cũng như từ cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn mới, giúp đời sống ngày càng cải thiện.

* Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025”. Vậy địa phương có những giải pháp nào nhằm hỗ trợ người dân phát huy các giá trị kinh tế khác ngoài nông sản?

- Loại hình du lịch sinh thái giúp huyện Hòa Vang có thêm hướng đi mới trong sản xuất, phát triển kinh doanh, khuyến khích người dân giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường… Đây là mục tiêu mà huyện Hòa Vang đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thời gian tới.

Vì thế, huyện đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đầu tư hoàn thành các di tích lịch sử như Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy (nhà trưng bày, nhà tưởng niệm, nhà điều hành, nhà dâng hương); Công viên văn hóa khu chiến tích Gò Hà (bia chiến tích, sân hành lễ, vườn dạo), kết hợp phát triển du lịch sinh thái với tìm hiểu lịch sử.

Đưa vào khai thác điểm du lịch sinh thái cộng đồng Thái Lai (xã Hòa Nhơn); thống nhất chủ trương cho Công ty TNHH Đầu tư SSF nghiên cứu, đầu tư dự án Hệ sinh thái tổ hợp tại hồ Đồng Xanh - Đồng Nghệ nhằm hình thành điểm đến du lịch sinh thái nổi tiếng trong nước và quốc tế. UBND huyện cũng khuyến khích người dân mở rộng, phát triển điểm du lịch sinh thái, cộng đồng tại các xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Liên, cũng như kết hợp quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch cộng đồng huyện Hòa Vang trên các kênh truyền thông du lịch của thành phố.

Để bảo đảm mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng ở Hòa Vang phát triển đúng hướng, UBND huyện đã tham mưu, đề xuất thành phố ban hành Nghị quyết số 82/2021/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 của HĐND thành phố về thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện; đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, bảng chấm điểm xét chọn nhà đầu tư, thành lập tổ thẩm định, tiếp nhận và xét chọn hồ sơ đăng kí tham gia thí điểm.

UBND huyện đang rà soát kỹ các dự án nhằm bảo đảm các điều kiện theo quy định, từng bước xây dựng đội ngũ người làm du lịch cộng đồng chuyên nghiệp, có kỹ năng quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người, văn hóa, truyền thống của Hòa Vang; làm tốt công tác quy hoạch, quản lý theo hướng đồng bộ, gắn phát triển kinh tế nông thôn với xây dựng nông thôn mới nâng cao nhưng phải bảo đảm gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, truyền thống tại địa phương.

TIỂU YẾN

.