Đà Nẵng cuối tuần
Trở lại Hầm Bứa
Sau ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), Đà Nẵng vốn có rất ít công viên thì Hầm Bứa - Công viên 29-3 là một nét son về đô thị xanh - sạch - đẹp trong tương lai.
Hầm Bứa ngày nay là Công viên 29-3, được ngợi ca là “lá phổi xanh giữa lòng thành phố”. Ảnh: T.Đ.T |
1. Tôi chính thức ra định cư ở Đà Nẵng vào đầu năm 1965, sau trận lụt lịch sử năm Giáp Thìn. Trên chuyến xe ba lua chở tài sản gia đình tôi đi tản cư ra phố, có một người hàng xóm dẫn theo đứa con nhỏ. Xe chạy đến ngã ba Huế, ông dặn người lái xe: “Chú nhớ dừng lại cho cha con tui xuống chỗ Hầm Bứa nghe!”.
Lần đầu tôi nghe địa danh lạ lẫm đó…
Xe chạy thêm khoảng 5km thì dừng lại để cha con ông xuống. Trời đã quá chạng vạng. Vài ngọn đèn đường vàng vọt gần đó không đủ soi sáng những lối đi, dù là cửa ngõ vào thành phố. Tôi nghe bên ngoài có mùi gì hôi xộc vào mũi. Cha tôi nói với bác tài: “Thôi chạy lịa đi, cái chỗ “xa lộ ruồi” ni kinh quá!”. Tôi hiểu dần ra, Hầm Bứa và “xa lộ ruồi” chắc có gì đó liên quan nhau?
Rồi thời gian qua nhanh. Tôi học lớp đệ Thất, thời gian còn lại giúp việc gia đình, phụ việc bán phở cho vợ chồng người chú họ ở ngã tư Bến xe trước chợ Cồn nên quên bẵng chuyện cũ.
Một hôm bắt đầu nghỉ hè, đứa bạn học rủ lên Hầm Bứa coi xe rác Mỹ. Tôi chợt nhớ lại ngày đầu ra thành phố vào một đêm tối trời năm trước với địa danh dừng xe lại mà cha tôi đã nói thêm là “xa lộ ruồi”!
Hai chúng tôi đi bộ đến Hầm Bứa lúc trời vừa tắt nắng…
2. Dân cư quanh Hầm Bứa, phía kiệt Tiến Thành, chợ Tân Lập đa số là dân tản cư từ Điện Bàn, Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) ra. Có một vài gia đình từ Huế vô. Người ta thuê đất của những người ở Đà Nẵng lâu năm có vườn rộng để làm nhà. Mỗi căn chỉ rộng độ 5-60m2. Ban ngày, người tản cư đi làm đủ thứ nghề, đạp xích lô, buôn bán hàng rong, thợ nề, thợ mộc, có người đi thuê đất ở phía Hòa Mỹ, Thủy Tú để tiếp tục nghề nông... Con cái họ lại tiếp tục đi học, nhưng nhiều đứa thì bỏ học đi bán cà rem hoặc ở nhà đi lượm rác ngoài Hầm Bứa.
Lúc tôi và đứa bạn lên đến nơi thì thấy một đám nhóc con bu quanh chiếc GMC nhà binh. Chiếc xe vừa đổ rác xuống Hầm Bứa. Bọn nhỏ được các anh lính phát cho nào là kẹo cao su, thịt hộp, các gói lương khô dành cho lính đi hành quân còn thừa, trong đó có những gói thuốc lá loại 10 điếu mang các nhãn hiệu Winston, Camel, Kool, Marlboro…
Phía bãi rác còn có chiếc xe khác mới chạy vào, cả trẻ con và người lớn chen nhau đến, nào gỗ ván, thùng carton, thùng sắt, dụng cụ nhà bếp đã hư hỏng và cả vài thùng thức ăn thừa, bánh mì gối. Có gì nhặt lấy. Người ta nói có nhiều gia đình lấy bãi rác Hầm Bứa làm nơi kiếm sống trong những ngày tản cư. Nơi đây cũng là chỗ đổ các loại rác y tế từ phía bệnh viện quân sự Duy Tân gần đó, thường rất hôi thối.
Con đường chạy dọc phía tây Hầm Bứa nối từ phía nhà máy điện và cổng sân bay ra phía đường chạy từ ngã ba Huế vào thành phố khi đó thường có nhiều người đi nhặt rác, người đến mua bán các loại phế liệu. Thỉnh thoảng có những chiếc xe GMC, xe Jeep hoặc xe cứu thương quân đội chạy qua giữa những đám ruồi nhặng từ bãi rác. Dân gốc Đà Nẵng thường gói đây là “xa lộ ruồi” là vì vậy…
Những năm cuối thập niên 1960, khu vực Hầm Bứa còn hoang vu. Những ao bèo, ruộng sâu trồng rau muống ken dày hai bên con đường cấp phối chạy vào phía sân bay và bệnh viện. Trên con đường từ Bến xe chợ Cồn lên ngã ba Huế mới có vài cây xăng Esso hoặc Shell dựng lên để cung cấp nhiên liệu cho xe chạy đường dài. Những đám đất trống ngoài hàng rào sân bay, mà sau 1975 người ta đưa Bến xe liên tỉnh lên đó, trước 1965 là khu dân cư thuộc khu phố Núi Cùng bị giải tỏa, có một sân đá banh toàn đất cát quy tụ nhiều đội banh chân đất chiều chiều ra tranh hùng tung bụi mù trời…
Chúng tôi nghỉ học suốt mùa hè, chỉ một lần đến Hầm Bứa và đôi lần lên đá banh ở những khoảng đất trống như vừa kể dưới tiếng gầm thét của những máy bay phản lực lúc cất hoặc hạ cánh. Một khu ngoại ô thành phố và một sân bay của thời chiến…
3. Tết năm 1974, tôi từ Sài Gòn về Đà Nẵng, khu vực Hầm Bứa vẫn chưa có gì thay đổi. Người ta dành một khoảng đất trống phía gần ngã ba Cai Lang làm bến xe cho các xe khách đường dài đi Huế, Đông Hà hoặc vào các tỉnh phía Nam đến tận Sài Gòn. Phía trên một quãng, chỗ cổng Công viên 29-3 ngày nay là các dãy nhà lắp ghép lợp tôn làm kho gạo dự trữ, dự phòng cho chiến sự xảy ra cắt đứt mọi đường tiếp tế...
Mấy tháng sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tôi rời trường đại học về nhà, sau đó được nhà thơ Phan Duy Nhân đưa vào các lớp học thanh vận và cử vào Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên - Sinh viên Quảng Đà với vai trò Ủy viên Công tác xã hội. Tôi được giao việc lên kế hoạch vận động thanh niên, sinh viên làm sạch các khu bờ sông Bạch Đằng và thu dọn rác ở Hầm Bứa sau đó.
Các kho gạo tan hoang nhưng vẫn còn mái che được sử dụng làm nơi tập trung lực lượng và nơi nghỉ, nơi ăn trưa trong hơn một tháng sau đó. Hầm Bứa lúc ấy là một bãi rác khổng lồ và hỗn tạp. Lẫn lộn trong hỗn mang rác ấy có cả những khẩu súng bị bẻ gãy, áo giày lính và những băng đạn chưa nổ. Những băng bông, ống truyền máu, kim tiêm, bình serum rỗng và các loại rác thải y tế khác…
Trong hơn một tháng, cùng sự hỗ trợ của thanh niên các địa phương lân cận, Hầm Bứa sạch sẽ dần. Mùi hôi thối của rác đã bị đẩy lùi và “xa lộ ruồi” dần đi vào quên lãng. Một công viên được xây dựng mang tên 29-3 với diện tích khoảng hai chục hecta và sau này được ngợi ca là “lá phổi xanh giữa lòng thành phố”.
Công viên 29-3 cũng là nơi tổ chức các sinh hoạt văn hóa, vui xuân hằng năm, thu hút cả khách đến từ các huyện thị ở Quảng Nam.
Bây giờ có dịp đến Công viên 29-3, tôi lại nhớ chuyến xe đưa tôi về thành phố gần 60 năm trước, nhớ cái tên cũ Hầm Bứa nhiều kỷ niệm. Nhưng vui nhất là bức tượng của vợ chồng hai bạn Tôn Thất Việt - Hằng vẫn sừng sững trước cổng vào công viên, như biểu tượng của hòa bình và hạnh phúc. Sau chừng ấy năm, một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa vẫn được giữ lại…
Và tôi nghĩ thêm: Sau chiến tranh, thành phố Đà Nẵng vốn rất ít công viên, thì Hầm Bứa - Công viên 29-3 như một nét son về đô thị xanh - sạch - đẹp” cho tương lai.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG