Đà Nẵng cuối tuần
Về thành ngữ "Sư tử Hà Đông"
* Hôm rồi nghe bài hát “Áo lụa Hà Đông” của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyên Sa, có người nói nửa đùa nửa thật rằng đất Hà Đông này còn nổi tiếng về việc các bà vợ được ví như sư tử bởi tính hay ghen tuông và hung dữ. Vậy, “Sư tử Hà Đông” có liên quan gì đến vùng đất Hà Đông nổi tiếng với áo lụa không? (Mỹ Uyên, quận Sơn Trà, Đà Nẵng)
- Hà Đông (của Việt Nam) trong bài hát “Áo lụa Hà Đông” không liên quan gì đến Hà Đông trong thành ngữ “Sư tử Hà Đông”.
“Từ điển Thành ngữ điển cố Trung Quốc” (Lê Huy Tiêu dịch, NXB Khoa học Xã hội, 1993) giải thích: “Sư tử Hà Đông” bắt nguồn từ một chuyện tích đời Tống bên Trung Quốc.
Theo đó, vùng đất Vĩnh Gia có chàng Trần Tháo, hiệu là Long Khâu, thích hát xướng. Lúc nhỏ, Trần Tháo thích chơi trò đấu kiếm, lớn lên thường lân la tìm gặp các khách giang hồ học võ nghệ. Khi bước sang tuổi trung niên, chàng bỗng thay đổi tính nết, chán cuộc sống giang hồ và muốn bước vào chốn văn chương, chữ nghĩa. Thế nhưng, do tài non trí đoản nên chẳng đâu vào đâu, quá nửa đời người mà chàng vẫn công chưa thành, danh chưa toại.
Trần Tháo nản chí, quay về sống ẩn dật rồi lấy vợ, sớm hôm vui thú ruộng vườn. Thế nhưng, các huynh đệ, chiến hữu cũ vẫn thường xuyên lui tới lưu cùng giải khuây bên chén rượu cuộc trà. Dần dà, các cuộc vui như thế có sự xuất hiện của các ca nương xinh tươi, hát hay, múa đẹp. Trần Tháo và bạn bè khó tránh khỏi việc liếc mắt đưa tình với các cô nương đương thì xuân sắc.
Thấy vậy, vợ Trần Tháo là Liễu Thị rất ấm ức, cơn ghen nổi lên. Liễu thầm nghĩ: “Biết đâu trong số những cô vũ nữ cầm ca xinh đẹp, tài ba kia, lại chẳng có kẻ tà tâm, muốn chiếm đoạt chồng mình?!”. Lần nọ, Liễu Thị đứng phắt dậy cầm gậy vụt lấy vụt để vào tường, vừa vụt vừa kêu la, quát tháo ầm ĩ. Thực khách cùng hết thảy ca nữ kẻ thì ngại ngùng, kẻ thì e sợ điều kia tiếng nọ nên ba chân bốn cẳng chạy tháo thân.
Trần Tháo biết vậy là bất nhã lắm, nhưng vốn sợ vợ nên chỉ biết đứng im một chỗ, vẻ mặt đầy sợ hãi trước cặp mắt hung dữ và khuôn mặt đỏ phừng đang trong cơn “bốc lửa tam bành” của vợ.
Nghe tin, Tô Đông Pha làm bài thơ đùa: “Long Khâu cư sĩ diệc khả liên/ Đàm không, thuyết hữu, dạ bất miên/ Hốt văn Hà Đông sư tử hống/ Trụ trượng lạc thủ, tâm mang nhiên” (dịch nghĩa: Cư sĩ Long Khâu thật đáng thương/ Đêm chẳng ngủ, nói có, nói không/ Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống/ Gậy chống rời tay, lòng hoang mang).
Bài thơ hay vì có mấy chữ rất đắt: Hà Đông và Liễu xuất xứ từ câu thơ của Đỗ Phủ “Hà Đông nữ nhi thân tính Liễu” (Cô gái Hà Đông người họ Liễu). Liễu Thị - vợ Trần Tháo - cũng quê ở Hà Đông. “Sư tử hống” là chữ của nhà Phật, ví giọng thuyết pháp sang sảng của Đức Phật như tiếng rống của sư tử khiến các loài thú khác phải im lặng. Trần Tháo rất mộ đạo Phật nên thi sĩ họ Tô dùng chữ ấy để trêu. Ngoài ra, nhà thơ còn có ý đối sư tử với rồng: Long Khâu (hiệu của Trần Tháo) có nghĩa là Gò Rồng. Vị cư sĩ náu mình ở Gò Rồng mà lại được nghe tiếng sư tử gầm thì còn gì... thú vị bằng.
Đời sau dùng “Hà Đông sư tử hống” (sư tử Hà Đông gào rống), tiếng Việt có thành ngữ “Sư tử Hà Đông”, để chỉ người vợ hay ghen, đanh đá, hung dữ.
ĐNCT