Đà Nẵng cuối tuần
Khởi sắc trên các vùng rau
Sau hơn hai năm đình trệ do Covid-19, từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã về huyện Hòa Vang khảo sát, tìm cơ hội đầu tư, phát triển các vùng rau an toàn, rau hữu cơ, rau công nghệ cao; kết hợp vừa làm nông nghiệp, vừa làm du lịch theo định hướng phát triển của huyện và thành phố.
Các kỹ sư, nông dân của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Afarm (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) thu hoạch rau. Ảnh: THANH TÌNH |
Đây là tín hiệu đáng mừng để các vùng rau tại huyện Hòa Vang nâng tầm thương hiệu, đồng thời là cơ hội để người dân địa phương có việc làm, thu nhập ổn định.
Sôi động trở lại
Về thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương một ngày giữa tháng 8, các nông dân thuộc Hợp tác xã (HTX) OLAI đang tất bật chuẩn bị đất trồng, giá thể, nguyên vật liệu, cây giống cho mùa vụ mới. Anh Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX OLAI hào hứng khoe, HTX đang khẩn trương chuẩn bị xuống giống sản xuất rau vào đầu tháng 9 để phục vụ người dân Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Trước đây, khu đất này do doanh nghiệp khác đến đầu tư, xây dựng và sản xuất rau an toàn. Nhưng trong thời điểm dịch, doanh nghiệp đã ngừng sản xuất, trả mặt bằng nên gần 2 năm nay, nhiều diện tích đất trong khu này bị bỏ hoang.
Chỉ tay ra mảnh đất cỏ mọc um tùm đang được các nông dân dọn dẹp, bà Nguyễn Thị Hoài Linh (70 tuổi, tên thường gọi là O Lai - tiếng Quảng Trị - mẹ anh Tuấn) cho biết, công tác dọn sạch đất, trả mặt bằng để trồng rau khá vất vả và mất nhiều thời gian do hiện trạng của đơn vị trước để lại nay hư hỏng, xuống cấp nhiều. Bà Linh bày tỏ: “HTX OLAI ra đời là món quà con trai dành tặng tôi khi tuổi đã xế chiều. Từ khi nhận dự án này, tôi lên đây ở, ngày ngày trông coi người làm, phụ tưới rau, bón phân, nuôi gà… Tôi thấy sức khỏe tốt hơn và cuộc sống thật ý nghĩa”.
Theo ông Trần Văn Giáo, Trưởng thôn Phú Sơn Nam, vùng đất này trước đây được xã giao cho người dân tổ chức sản xuất 2 vụ/năm (vụ đông xuân trồng đậu phộng, vụ hè thu trồng lúa). Những năm sau đó, huyện và xã chủ trương hình thành vùng rau an toàn Phú Sơn Nam nên phối hợp các đơn vị triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, đường sá, chuẩn bị mặt bằng, tổ chức cho doanh nghiệp ký hợp đồng thuê đất của dân (xã và thôn làm trung gian giám sát các hoạt động sản xuất rau trên địa bàn)…
Từ năm 2017, vùng rau Phú Sơn Nam bắt đầu cho sản phẩm và được người dân gần xa biết đến. Vậy nhưng, gần 2 năm qua, vùng rau gián đoạn; nay HTX OLAI tiếp nhận, ông Giáo mong muốn vùng rau lại phát triển mạnh mẽ, nhiều người dân có việc làm, thu nhập ổn định. “Việc doanh nghiệp đầu tư sản xuất rau tại địa phương không những tạo thương hiệu cho vùng rau Phú Sơn Nam mà còn tạo việc làm cho người dân địa phương. Vì vậy, địa phương khuyến khích và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp yên tâm sản xuất”, ông Giáo nói.
Tại thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú, những nông dân trang trại Afarm đang thoăn thoắt cắt rau, đóng gói để kịp giao hàng. Chị Nguyễn Thị Mỹ Nhung (42 tuổi) cho biết, nhà chị vốn làm nông nên khi trang trại hình thành tại chính mảnh đất quê hương, chị nộp hồ sơ xin làm để vừa có thêm thu nhập, vừa làm việc gần nhà dễ chăm sóc con cái. Ngoài chị Nhung, 4-5 người dân khác trong thôn cũng nói rằng họ rất vui khi được làm việc tại trang trại vì có công việc và thu nhập ổn định hơn.
Đưa chúng tôi tham quan các nhà trồng rau thủy canh, anh Ngân Văn Khánh - kỹ sư trang trại Afarm nói thêm: Tuy trồng rau sạch công nghệ cao nhưng chủng loại rau cung cấp ra thị trường rất đa dạng, từ cải cay, xà lách, cải bó xôi, cải cầu vồng, rau dền, rau muống, cải ngọt… đều có. Thời điểm này nắng nóng, rau không nhiều và đẹp như mùa khác nhưng vẫn bảo đảm số lượng và chất lượng cho khách hàng, các siêu thị, hộ gia đình… Anh Khánh còn cho biết, Afarm đang thử nghiệm nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo, tiến tới đưa sản phẩm ra cung ứng cho thị trường.
Hình thành những vùng rau gắn du lịch sinh thái
Theo UBND huyện Hòa Vang, trên địa bàn huyện hiện hình thành các vùng sản xuất chuyên canh rau, hoa tập trung (huyện/xã quy hoạch) như: Vùng sản xuất hoa Nhơn Thọ (xã Hòa Phước); vùng sản xuất hoa Dương Sơn (xã Hòa Châu); vùng sản xuất hoa Gò Giảng, Túy Loan (xã Hòa Phong); vùng sản xuất hoa Hòa Liên, vùng rau Ninh An (xã Hòa Nhơn); vùng rau Phú Sơn Nam (xã Hòa Khương - hiện HTX OLAI tiếp nhận); Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Afarm (xã Hòa Phú); Công ty Greentech (xã Hòa Khương); HTX rau củ quả Hòa Vang (xã Hòa Ninh)… Ngoài ra, huyện cũng quy hoạch 3 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 65,9 ha tại các xã Hòa Phong, Hòa Phú và Hòa Khương. Tuy nhiên, các vùng này hiện vướng giải phóng mặt bằng nên chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư.
Mạnh dạn chọn vùng rau Phú Sơn Nam làm trang trại trải nghiệm OLAI, anh Tuấn mong muốn đến năm 2025 nơi đây sẽ hình thành điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao kết hợp khai thác dịch vụ du lịch được nhiều người dân và du khách biết đến. Anh Tuấn bày tỏ hy vọng dự án không chỉ mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp mà địa phương cũng được hưởng lợi. “Thông qua việc hình thành vùng sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, người dân địa phương có cơ hội cung cấp các dịch vụ phụ trợ như: vận chuyển, lưu trú, bán các sản phẩm đặc trưng của địa phương… Ngoài ra, khi làm dự án người dân địa phương có việc làm, thu nhập ổn định”, anh Tuấn phân tích. Trước mắt, HTX OLAI tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng rau củ quả hữu cơ và tuần hoàn bền vững Aquabonics; sau đó dần hình thành các sản phẩm du lịch trải nghiệm, cắm trại, ẩm thực…, hướng đến hình thành mô hình phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp tại Hòa Vang.
Ra đời từ năm 2018 với việc chọn hướng đi là xây dựng mô hình trồng rau thông minh, Afarm nhận được sự phản hồi tốt của khách hàng. Theo anh Nguyễn Tấn Phương, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Afarm, rau ở trang trại được trồng theo phương pháp hữu cơ, các giống rau, phân bón đều được lựa chọn kỹ càng và nghiêm ngặt. Không những thế, Afarm còn ứng dụng công nghệ 4.0 vào hệ thống tưới tiêu, kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng để đưa ra thị trường chất lượng rau tốt nhất.
Anh Phương cũng cho biết, ngoài phát triển rau thủy canh, Afarm sẽ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm bột rau sấy lạnh. “Sau hơn 2 năm dịch, chứng kiến nhiều thời điểm rau cắt xong phải bỏ đi do không vận chuyển được đến tay khách hàng nên tôi nghĩ đến việc sấy lạnh rau để vừa giữ được chất dinh dưỡng trong rau, vừa có thể vận chuyển đi xa. Cụ thể, chúng tôi sẽ trộn các loại rau củ quả lại với nhau thành bột sấy lạnh, sau đó đưa ra thị trường những sản phẩm, mang lại sức khỏe cho người dùng, có tác dụng chữa các loại bệnh huyết áp, tim mạch, phổi…”, anh Phương nói thêm.
THANH TÌNH