Đà Nẵng cuối tuần
Gỡ khó cho hợp tác xã nông nghiệp
“Hợp tác xã (HTX) thiếu mặt bằng mở rộng quy mô sản xuất nên khó ứng dụng khoa học kỹ thuật. Các cơ sở bị phân tán làm ảnh hưởng đến việc triển khai sản xuất theo quy trình khép kín để nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến xuất khẩu”, ông Huỳnh Văn Mười, Giám đốc HTX Kim Thanh ở thôn Túy Loan Đông 2 (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) chia sẻ về những khó khăn của HTX mình.
Hợp tác xã Kim Thanh thu hút khách hàng tham quan, mua sắm tại Hội chợ Quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng 2022. Ảnh: Đ.H.L |
Những trăn trở của HTX Kim Thanh cũng là khó khăn chung hiện nay của nhiều HTX nông thôn khi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh khiến đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp. Trong khi đó, đến nay vẫn chưa có chính sách riêng cho khu vực kinh tế tập thể, HTX, mà chủ yếu là chính sách lồng ghép. Điều này khiến các HTX khó tiếp cận các chính sách ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất và ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Thiếu mặt bằng sản xuất và nhân lực cao
Từ một CLB sản xuất nấm ở quận Thanh Khê, HTX Kim Thanh được thành lập vào năm 2010 với sự góp vốn của các thành viên trong CLB. Tuy nhiên, sau đó không lâu, HTX Kim Thanh gặp khó khăn về đất sản xuất khi thành phố quy hoạch đô thị nên phải chuyển về xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) với sự hỗ trợ mặt bằng của các thành viên. Bên cạnh khó khăn về mặt bằng, nguồn nhân lực của HTX vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn do trình độ thấp và tuổi cao, dẫn đến năng suất thấp.
Ông Huỳnh Văn Mười cho biết: “Do trình độ thấp nên việc hỗ trợ kỹ thuật theo quy trình VietGAP rất nan giải. Hơn nữa, các thành viên góp vốn ít nên họ sử dụng các dịch vụ của mình không đồng đều, dẫn đến năng suất và chất lượng sản phẩm khá bấp bênh. Đặc biệt, HTX thiếu mặt bằng mở rộng sản xuất. Các cơ sở phân tán ảnh hưởng đến việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và triển khai sản xuất theo quy trình khép kín, hướng đến tiêu chuẩn hóa để xuất khẩu”.
Trong thời gian qua, ông Huỳnh Văn Mười đã mạnh dạn vay vốn 1,2 tỷ đồng từ quỹ HTX để sản xuất các loại nấm bào ngư, linh chi, mộc nhĩ… và chế biến thành nấm khô, nấm rim, mắm nước. Nhờ sự ủng hộ của các chùa, đạo hữu, sản phẩm của HTX tiêu thụ khá tốt khi cung cấp cho các hội từ thiện từ Bắc đến Nam. Sản lượng bình quân của HTX đạt khoảng 150kg nấm/ngày. Hiện HTX có hơn 30 thành viên, thu nhập trung bình 6 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, HTX ký hợp đồng với siêu thị Vina Mart với số lượng tương đối, trung bình mỗi ngày rằm tiêu thụ khoảng 500 chai nước mắm. Tại Hội chợ Quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng 2022 diễn ra từ ngày 3 đến 8-8, HTX đã tiếp cận thị trường và được nhiều đơn vị ký hợp đồng như Coopmart, Big C, An Phú Farm, Hải An…
Được thành lập từ năm 2015, đến nay HTX nấm Nhơn Phước có 7 thành viên, chủ yếu sản xuất nấm bào ngư, linh chi. HTX đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm từ 1-1,2 tấn nấm/tháng. Hiện HTX thực hiện sản xuất theo quy trình BIO-H (quy trình sản xuất hữu cơ), nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Hằng năm, HTX đón nhiều sinh viên các trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng đến thực tập và các đoàn tham quan các tỉnh, thành phố lân cận về học hỏi kinh nghiệm sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Nhi, Giám đốc HTX Nhơn Phước (thôn Hòa Khương Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) cho biết, hiện đầu ra sản phẩm chế biến của HTX chưa được nhiều khách hàng biết đến do chưa quảng bá rộng rãi. Khó khăn của HTX vẫn là trình độ bởi quá trình chuyển đổi số đòi hỏi người dân phải biết ứng dụng công nghệ để bán hàng qua các kênh đa phương tiện, từ truyền thống cho đến thương mại điện tử. Bên cạnh đó, giá đầu vào khá cao nên giá sản phẩm bán ra khó cạnh tranh với thị trường.
Cần có chính sách riêng cho HTX
Theo báo cáo của UBND huyện Hòa Vang, trong 6 tháng đầu năm 2022, UBND huyện đã tổng hợp nhu cầu hỗ trợ đầu tư cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại HTX theo Nghị quyết số 72/2021/NQ-HĐND của HĐND thành phố với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND huyện hỗ trợ HTX Hòa Phong 1, HTX Hòa Tiến 2 mỗi HTX 10 ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với kinh phí 400 triệu đồng.
Các HTX nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện đã tổ chức thực hiện được các khâu dịch vụ đáp ứng nhu cầu của thành viên HTX và cộng đồng dân cư tại địa phương như: dịch vụ thủy lợi, cung ứng giống vật tư nông lâm nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, làm đất, dịch vụ vốn tín dụng nội bộ...; qua đó giải quyết việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, nhiều HTX hoạt động hiệu quả không cao, trình độ quản lý HTX còn hạn chế, chưa có sự liên doanh liên kết trong sản xuất nên lĩnh vực hoạt động đơn điệu. Chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, phần lớn sản phẩm đầu ra của thành viên chưa được thu mua; doanh thu, lợi nhuận còn thấp, thu nhập của cán bộ quản lý và lao động HTX thấp hơn nhiều so với thị trường.
Để tháo gỡ khó khăn, ông Phan Duy Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để các HTX tiếp cận nhanh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt chú trọng công tác chuyển giao khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, tham quan học tập kinh doanh trong nước và quốc tế; bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong khu vực HTX và giữa HTX với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, giữa các HTX trong huyện, thành phố về sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng hóa.
Ông Phạm Công Chính, Chủ tịch Liên minh HTX Đà Nẵng cho biết, qua khảo sát thực tế các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Hòa Vang và quận Ngũ Hành Sơn cho thấy, hầu hết các HTX nông nghiệp hoạt động cầm chừng, phát triển chưa đúng mô hình HTX kiểu mới. Mặc dù được hỗ trợ chuyển đổi mô hình tổ chức theo Luật HTX năm 2012 nhưng đến nay vẫn còn mang dáng dấp của mô hình HTX kiểu cũ (mô hình HTX toàn dân) nên bộc lộ nhiều bất cập, nhất là các yếu tố cấu thành của mô hình HTX kiểu mới chưa tốt.
Hầu hết thành viên góp vốn chỉ mang tính hình thức, chưa trở thành người chủ thực sự của HTX, từ đó mối quan hệ giữa thành viên và HTX không gắn bó chặt chẽ. “Hiện nay, các chính sách dành cho HTX chủ yếu là chính sách lồng ghép mà chưa có chính sách riêng cho khu vực kinh tế tập thể của HTX. Do đó, các HTX rất khó đáp ứng tiêu chuẩn, khó tiếp cận. Cần có chính sách riêng cho cán bộ về HTX, chính sách trợ giá, chính sách an sinh trong nông nghiệp nông thôn”, ông Phạm Công Chính đề xuất.
UBND huyện Hòa Vang đề nghị UBND thành phố có văn bản đề nghị các bộ, ngành Trung ương rà soát, điều chỉnh cơ chế chính sách hỗ trợ HTX phù hợp với thực tế, nhất là chính sách về đất đai, vốn vay tín dụng, khoa học công nghệ...; đồng thời, bố trí nguồn kinh phí để các sở ngành, UBND quận huyện thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ riêng đối với HTX. Bên cạnh đó, cần sớm triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX nông nghiệp; đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn cho cán bộ HTX.
Doanh thu bình quân 1,7 tỷ đồng/HTX/năm |
ĐOÀN HẠO LƯƠNG