Đà Nẵng cuối tuần

Hương bánh đêm trăng

17:13, 27/08/2022 (GMT+7)

Tôi nhận bánh từ người giao hàng, đọc tờ hướng dẫn sử dụng, lòng chợt dâng lên bao cảm xúc rưng rưng khó tả. Giờ thì tôi hiểu vì sao chiếc bánh nhỏ xíu nằm gọn trong lòng bàn tay đêm Trung thu thời bé lại có hương vị thơm ngon đến thế!

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trong tờ hướng dẫn sử dụng, chủ tiệm bánh ghi: “Vì là bánh tươi hoàn toàn không chất bảo quản nên hạn sử dụng sẽ rất ngắn. Các bạn nên ăn sớm sau khi mua. Riêng với bánh trung thu, ăn ngay sau khi làm lại là điều không nên. Vì khi ấy bánh còn cứng và khô. Bánh phải để vài ngày cho tươm dầu trở nên mềm - quyện - ngấy thì mới ngon bạn nhé”. “Bánh tươm dầu” chính là câu trả lời mà tôi tìm kiếm bấy lâu nay.

Đêm Trung thu, khi bóng trăng đã bát ngát khắp đồng xa, tiếng trống ếch gõ thì thùng qua từng bờ tre bãi mía, đâu đó trẻ con sẽ ríu rít nói cười chờ thời khắc phá cỗ trên những mảnh sân nhà. Mâm cỗ thời ấy thường có quả na, ổi, bưởi, có một ít kẹo chanh, kẹo dừa và tất nhiên không thể thiếu vài chiếc bánh trung thu loại hình vuông, màu nâu cánh gián nhỏ xíu.

Cách đây hơn 20 năm về trước, mỗi chiếc bánh này được bán với giá năm trăm đồng. Nó bé lọt thỏm, không được đóng hộp cầu kỳ nhưng lại ngon lành và rất quý giá. Chúng ngọt béo và có nhiều tầng hương.

Trên chiếc bao nilon bọc bánh cũng chẳng thấy in dán thông tin gì về nguồn gốc, nguyên liệu hay hạn sử dụng. Chỉ biết là, lớp dầu đã tươm ra vàng ươm, bóng loáng cả bốn mặt vỏ bánh.

Tôi không bao giờ quên được những cục thịt mỡ (có khi là cục bí đao sên đường) được cắt thành hình vuông màu trắng trắng trong trong ẩn bên trong nhân bánh. Nó chỉ nhỏ cỡ đầu ngón tay út, nhưng lại là thứ đặc biệt nhất mà mọi đứa đẻ con thời đó đều chờ đợi, săn tìm.

Cuộc sống khó khăn nên có lẽ hai loại hương vị mà chúng tôi thèm nhất hồi ấy là chất béo và chất ngọt, hễ ăn gì có vị béo và ngọt, chúng tôi đều thấy ngon và hạnh phúc. Vì thiếu thốn nên cách ăn của chúng tôi cũng tội, rón rén lắm! Sau khi được chia phần mỗi đứa mỗi chiếc, ai cũng nâng niu như gìn giữ báu vật. Chúng tôi bóc lớp bột thơm giòn màu vàng nâu cánh gián ở bên ngoài ăn trước. Sau lớp vỏ bánh sẽ đến phần nhân bên trong ngọt ngào, béo ngậy mùi thịt mỡ, vừng rang… Thỉnh thoảng mới có đứa chịu chơi, đưa toàn bộ chiếc bánh lên cắn ngập răng, để cục thịt mỡ dẻo dính, giòn ngậy ấy được tan ra trọn vẹn trong vòm miệng.

Hồi ấy, bánh trung thu không nhiều loại, muốn mua lúc nào cũng có như bây giờ. Tôi nhớ duy chỉ một lần, sau khi tết Trung thu đã qua đi hơn một tháng, tiệm tạp hóa nhà bà Tám cuối thôn còn sót lại một bịch 5 chiếc. Bì bánh được đặt trên nóc tủ, bên cạnh những chiếc hộp nhựa đựng kẹo sữa bò, kẹo chanh, kẹo dừa. Bọn trẻ chúng tôi mỗi chiều đi học về có dịp ngang qua, đứa nào cũng ngoái nhìn nó thiếu điều vẹo cổ. Chỉ chưa tới ba nghìn đồng là có thể sở hữu, nhưng với chúng tôi hồi ấy, số tiền đó là cả công trình. Chúng tôi bèn lập kế hoạch, rủ nhau đi lượm vỏ lon, chai nhựa, dép sứt đem bán. Vài ngày sau khi gom đủ tiền, chúng tôi cùng kéo nhau ra quán gặp bà Tám.

Đứng cách ô cửa vài mét, chúng tôi chăm chú nhìn từng cử chỉ của bà, đằng sau tấm lưới mắt cáo đan ô nho nhỏ, bì bánh được bà tháo xuống, mở ra, chia đều cho mỗi đứa mỗi chiếc. Đón bánh trên tay, lòng đứa nào cũng reo vui.

Bây giờ, khi cuộc sống ngày càng khấm khá, đủ đầy, với nhiều người, ăn bánh trung thu không phải để thưởng thức hương vị, thỏa mãn cơn thèm, nó như một hành động mang tính nghi lễ trong đêm hội trăng rằm mà thôi. Chưa nếm một góc bánh trung thu xem như chưa trải qua một đêm hội trăng rằm thật trọn vẹn. Còn với chúng tôi ngày đó, vì nghèo khó, mà cả trước và sau đêm hội đều là sự háo hức, chờ đợi ẩn chứa nhiều dư vị tuyệt vời.

Chiếc bánh trung thu màu vàng nâu cánh gián nằm lọt trong lòng bàn tay năm ấy, mãi mãi là món quà ngọt ngào và thơm thảo của một vùng hồi nhớ bát ngát trăng thu.

MINH THI

.