Đà Nẵng cuối tuần
Vải vụn "yêu thương"
Biến những mảnh vải vụn bỏ đi thành bức tranh, khẩu trang hay nơ cài tóc… là cách mà các học viên nhí tham gia Dự án vải vụn thực hiện nhằm lan tỏa tinh thần yêu thương, bảo vệ môi trường.
Dự án vải vụn hướng tới sự kết nối giữa cha mẹ và con cái khi cùng tạo nên những sản phẩm sáng tạo, lan tỏa tinh thần nhân ái. Ảnh: H.L |
Dự án vải vụn do Goun (thương hiệu thời trang mẹ và bé) khởi động tháng 4-2022, đến nay đã tổ chức hơn 25 buổi workshop (đào tạo ngắn hạn) tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Đồng Nai, Đà Lạt…, tạo sân chơi trải nghiệm thú vị cho nhiều em nhỏ.
Lan tỏa tinh thần nhân ái
Sáng cuối tuần, tiếng kéo cắt vải lách cách vang lên giữa sân trường Trường Chuyên biệt Tương Lai cơ sở 2 (quận Hải Châu), nơi học sinh khuyết tật tham gia Dự án vải vụn do Goun tổ chức. Các em được tình nguyện viên hướng dẫn làm đồ handmade (thủ công) bằng vải vụn. Cô bé N.B.Tr., học sinh khối lớp 8, Trường Chuyên biệt Tương Lai, lựa trong xấp vải vụn mảnh vải màu hồng, ra ký hiệu muốn làm chiếc nơ cài tóc. Sau khoảng 30 phút, dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của tình nguyện viên, Tr. đã làm xong chiếc nơ màu hồng xinh xắn.
Ngoài Tr., nhiều học sinh khác cũng cần mẫn cắt vải, đính nơ hoặc làm túi rút kích thước nhỏ. Chọn Trường Chuyên biệt Tương Lai tổ chức workshop, chị Đoàn Công Thùy Dung, phụ trách Dự án vải vụn tại Đà Nẵng cho biết, mục tiêu của chương trình là mang đến không gian trải nghiệm cho trẻ em khuyết tật. Tham gia dự án, các em học sinh được hướng dẫn làm nơ, túi vải, khẩu trang, cài tóc, tranh… từ vải vụn cũng như có cơ hội giao tiếp, chia sẻ cảm xúc với người thân và bạn bè xung quanh. “Chương trình được tổ chức miễn phí nhằm lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, vì cộng đồng. Mỗi thành viên tham workshop chỉ cần chuẩn bị chỉ, kim và kéo để sáng tạo nên những sản phẩm mang dấu ấn cá nhân”, chị Dung cho hay.
Tại Đà Nẵng, Dự án vải vụn đã tổ chức 4 buổi workshop với nhiều chủ đề khác nhau, như tạo tranh búp bê, đính nơ, túi vải, khẩu trang. Là người liên kết tổ chức các chương trình workshop tại Đà Nẵng, chị Nguyễn Tố Uyên, quản lý hệ thống Pingo English School Đà Nẵng cho biết, bản thân bị thu hút bởi thông điệp bảo vệ môi trường, chia sẻ yêu thương mà dự án mang lại. “Mỗi sản phẩm làm ra sẽ là món quà của các em tham gia dự án dành tặng bạn bè có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, một trong những điều kiện đăng ký thành viên là sự cam kết đồng hành của phụ huynh trong tất cả hoạt động. Nói cách khác, suốt thời gian diễn ra chương trình, phụ huynh sẽ tắt điện thoại, dành thời gian sáng tạo cùng con”, chị Uyên nói.
Giúp trẻ thỏa sức sáng tạo
Khởi động vào tháng 4-2022, đến nay Dự án vải vụn đã tổ chức hơn 25 chương trình workshop tại Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Đà Lạt, Đồng Nai… Chị Diên Vĩ, người sáng lập thương hiệu thời trang Goun chia sẻ giá trị cốt lõi mà Dự án vải vụn hướng đến là dạy trẻ biết yêu thương, bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên rác (vải vụn) một cách hợp lý.
Chị Diên Vĩ nói: “Có thể nhiều bạn nhỏ khi tham gia workshop sẽ nghĩ mình làm cái này, cái kia cho bản thân, nhưng điều đó không hoàn toàn đúng. Bởi phần lớn sản phẩm làm ra sẽ được dự án giữ lại, hoàn thiện và bán tại hệ thống cửa hàng Goun, các kênh thương mại điện tử để gây quỹ “Vì trẻ em”. Mỗi bạn nhỏ làm tốt, đạt các tiêu chí đẹp, sáng tạo sẽ được Goun trao huy hiệu và trở thành đại sứ môi trường. Chúng tôi rất hạnh phúc vì thấy các em hào hứng cho đi sản phẩm của mình khi biết ý nghĩa chương trình”.
Với chủ đề handmade đa dạng, mỗi chương trình workshop thu hút khoảng 30-50 bạn nhỏ tham gia. Theo chị Diên Vĩ, món quà lớn nhất mà dự án mang lại là tăng sự kết nối giữa ba mẹ và con cái, tăng tính kiên nhẫn, khả năng sáng tạo và kỹ năng hoạt động đội, nhóm. Đặc biệt, mỗi thành viên tham gia học được cách bảo vệ môi trường, chia sẻ niềm vui, sự may mắn của mình với bạn bè khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn. “Những khóa học handmade hoàn toàn miễn phí, nơi chúng tôi giúp trẻ trải nghiệm và hoàn thiện bản thân. Đối với nguồn quỹ “Vì trẻ em”, chúng tôi sẽ dùng để mở các lớp học miễn phí, hỗ trợ dụng cụ học tập và những vật dụng thiết yếu cho trẻ em miền núi, khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn”, chị Diên Vĩ thông tin thêm.
HUỲNH LÊ