Đà Nẵng cuối tuần

Không biết có người như anh

16:28, 20/08/2022 (GMT+7)

Chú trưởng phòng sắp về hưu, theo nguyên tắc đôn chức thì anh phó hiện t​​ại sẽ lên thay chú và cái ghế phó phòng để trống. Buổi trưa, lúc hai chú cháu ăn cơm, chú nói Nguyên, mày ​​về chuẩn bị hồ sơ mang nộp đi. Nguyên ngẩn người, chú đùa à, so tuổi tác và kinh nghiệm, còn bao người đứng trước cháu. Chú nhìn cô nghiêm túc, nếu không có ngọn núi cho mình thử leo thì cả đời mình sẽ không biết leo thế nào.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhưng hồ sơ của cô bị gạt ngay từ vòng ngoài với lý do, kinh nghiệm thực tế chưa đủ.

Quân số của phòng hơn chục người, cô cũng thuộc loại “có số có má” nhưng bị phân công ngồi lại văn phòng. Cánh đàn ông giờ trước nhận quyết định, giờ sau đã chuẩn bị theo xe lên công trình. Công trình gần thì mất ba tiếng ngồi ô-tô, công trình xa thì đi một ngày một đêm mới tới nếu thời tiết thuận lợi. Nếu gặp mưa hay lũ thì cầm chắc ba, bốn ngày mới tới nơi.

Dù cô bằng cấp không tồi nhưng con gái làm kỹ thuật vẫn bị hạn chế và phân biệt. Cô muốn đi công trình thì sẽ bị phản bác, đàn ông đầy đấy để làm gì, cô em cứ ở nhà nhận nhiệm vụ chỉnh trang hồ sơ, làm hồ sơ hoàn công cho ngon lành, sạch sẽ là được. Tụi anh con trai ăn bờ nằm bụi, cô lên đấy khéo lại nức nở đòi về. Chưa kể cánh đàn ông ba mươi chưa vội yêu đương, còn con gái có thì… Thi thoảng cô mới có dịp đi công trình kiểu cưỡi ngựa xem hoa, đi nhận hồ sơ hoặc thay cho ai đó có việc đột xuất, chỉ dăm ba ngày đến một tuần là nhiều.

Nên nói kinh nghiệm thực tế chưa đủ, cô không có ý kiến, chỉ tức người gạt hồ sơ của cô lại là sếp phó, người mai này sẽ lên trưởng. Chính anh phản đối cô đi công trình, nói con gái chân yếu tay mềm, cô đi công trình thì mặt mũi đám đàn ông để đâu. Thế mà hôm nay sếp lôi lý do này ra thì bảo sao cô chịu nổi.

Lên trưởng, tất nhiên sếp phó sẽ tìm người hợp rơ với mình, ít nhất là khi đi ngoại giao tiếp khách cũng có người đỡ hộ. Phòng kỹ thuật mà để một đứa con gái lên làm sếp quả thật không ổn.

Hai tháng, sếp phó đã lên trưởng nhưng vẫn chưa thấy ai được chọn. Từ ngày ấy, cô quyết tâm làm xong sớm mấy hồ sơ đang theo, nhanh chóng bàn giao và cô sẽ nhấn nút biến. Công trình thôi mà, làm như cô chưa ở bao giờ.

Nguyên biết mình sẽ không được chào đón ở nơi gió và đất đều có màu đỏ, nhưng cô không nghĩ mình sẽ bị quăng vào mặt những lời tàn nhẫn. Hưng cũng quân số phòng cô, từng trải qua bốn công trình lớn và anh là đầu tàu bám trụ nơi này đã 5 năm. Hưng lạnh mặt khi thấy cô liêu xiêu bước tới. Công trình không phải là nơi thích hợp để du lịch hay đổi gió, mời tiểu thư nhấc gót quay lưng đi thôi.

Cô chìa quyết định điều động ra, đi hay ở là do cô, dù anh là sếp.

Nơi này sắp vào mùa mưa nên làm gì cũng vội, anh em công nhân hết giờ làm còn phải đi chặt củi cho nhà bếp. Nhìn hai bàn tay cô phồng những mụn nước, chị Bếp xót xa nói cô theo đám đó làm gì. Nguyên chỉ cười nói người ta làm được con cũng làm được. Mạnh miệng vậy nhưng cô lại len lén hà hơi vào lòng bàn tay hy vọng sẽ làm giảm cơn đau rát.

Những khó khăn ấy làm cô mất chút thời gian chứ không làm khó được cô, có hồ sơ nào mà cô chưa nhìn qua. Chẳng qua cô thiếu chút vận may và kinh nghiệm thực tế.

Thiếu thì cô sẽ bổ sung cho đủ, cô đã chờ suốt hai tháng mới nhận được quyết định điều động. Trước khi cô đi, sếp nói chưa được 3 năm thì đừng nghĩ đến chuyện xin về. Cô đã hùng hồn, sẽ không, đến khi xanh cỏ đợi đỏ ngói em mới đi.

Lúc nói câu ấy, cô nhớ đến bà ngoại. Ngày xưa, bà ngoại trốn nhà đi thanh niên xung phong, ông cố mắng nói con gái không ở nhà lo lấy chồng, ra chiến trường đâu phải là việc của đàn bà con gái và đòi từ mặt bà. Bà ngoại khi ấy tuyên bố “một xanh cỏ hai đỏ ngực!”. Cô nghĩ nếu bà ngoại biết cô biến tấu lời bà, không biết bà có mắng cô không?

Lúc lóng ngóng cầm cây bút, Nguyên mới thấy công việc quả không đơn giản. Nhìn hai bàn tay phồng rộp, sưng mọng, lại nhớ đến đống củi to đang chờ mình cuối ngày mai, cô ép mình không được có ý nghĩ bỏ chạy. Ba năm thì ba năm, sẽ có một ngày hồ sơ của cô đưa đến đâu sẽ tỏa sáng đến đó. Sẽ chẳng còn ai nói “con gái mà…” khi nói về cô.

Khí hậu nơi này trong lành nhưng khá độc, ban ngày nắng rát nhưng mặt trời vừa lặn thì đã lành lạnh ngay được. Khi trưa cô ra công trường chừng nửa tiếng đã thấy xây xẩm mặt mũi, sợ bị ai kia độc miệng nói tiểu thư đi du lịch, cô vội vàng chui vào lều. Thế mà anh em công nhân phơi mặt ngoài công trường từ sáng đến tối, ngày nào cũng như ngày nào.

Những nốt phồng rộp vỡ ra đau rát, mặc lời khuyên của mọi người nói nghỉ ngơi, cô bặm môi vung búa chẻ cho xong đống củi còn tập trung làm việc khác. Nghe nói trước khi vào mùa mưa, nhà kho cần gia cố thêm, máy móc cũng phải có nơi để khô ráo.

Một giây lơ đãng, thay vì bổ lưỡi rìu vào khúc gỗ, cô lại nện ngay vào chân mình. Lúc thấy máu tứa ra, cô còn sững người nhìn chăm chú. Ban đầu chỉ có một dòng chảy đỏ, sau đó màu đỏ loang dần ra, cả bầu trời đều màu đỏ nhức mắt...

Hai bàn tay cô có cảm giác mát lạnh, cơn đau cũng dịu đi. Hình như có ai đó đang bôi thuốc cho cô. Ý nghĩ có ai đó đang ở trong phòng mình khiến cô hốt hoảng co người, ngay lập tức cơn đau ở hai bàn tay và cẳng chân đồng loạt ùa tới khiến cô tỉnh giấc. Mùi thuốc và màu trắng xung quanh khiến cô hiểu mình đang ở đâu.

Tay Hưng vẫn cầm tuýp thuốc. Bị cô phát hiện, anh không thay đổi nét mặt, đặt tuýp thuốc xuống đầu giường. Tỉnh rồi thì tự bôi thuốc đi. Cô xòe hai bàn tay mình, tay cô vốn không đẹp, mẹ hay ghẹo cô có bàn tay búp măng lộn ngược, nay không còn là măng mà đã thành nải chuối rồi.

Ngày cô xuất viện quay về, nhà để củi đã đầy kín, phía sân sau còn một đống củi phủ bạt, chị Bếp nói chừng đó là đủ qua mùa mưa. Chị hỏi có phải cô không thích cá đồng.

Cô cười, không phải không thích mà là sợ.

Có một thời gian chừng 3 năm, mẹ bị mất việc phải chạy chợ. Buổi sáng, mẹ mua trái cây; buổi chiều, mẹ mua tôm cá từ nơi này sang nơi kia bán. Cuối ngày, những con cá chết sẽ vào nồi kho. Suốt thời gian ấy, nhà cô chỉ ăn cá. Khi mẹ không còn chạy chợ nữa, mỗi khi nghĩ đến món cá là cô thấy nhợn. Mười lăm năm rồi cô không đụng lại món cá.

Xong bữa chiều, cô định đi dạo một vòng rồi mới quay về phòng. Nơi này không giống thành phố, anh em ban ngày ra công trình, tối tranh thủ làm hồ sơ, nhiều ngày đồng hồ chuyển sang ngày mới rồi mà đèn ở phòng làm việc còn sáng. Thế mà khi cô dậy chạy bộ đã thấy Hưng chạy phía trước.

Cô ấy về rồi, còn đứng khá lâu trước đống củi, em thấy cô ấy nhìn nó còn âu yếm hơn nhìn anh. Tiếng của kỹ sư hiện trường có nước da đen nhẻm vang lên phía trước khiến Nguyên dừng chân.

Nơi này, anh em công nhân sống với nhau khá hòa thuận, trong giờ làm việc họ khá nghiêm túc nhưng khi xuống ca, dường như không có khoảng cách giữa chỉ huy và lính. Họ có thể bá vai nhau cùng đi tắm, đi xuống nhà ăn hay rủ nhau làm vài séc bóng chuyền.

Tôi muốn biết cảm giác cô ấy một mình ngồi ở đây. Hai tay phồng rộp, những nốt phồng bị vỡ ra hẳn không dễ chịu, nhưng cô ấy không than một lời, tối vẫn lên phòng. Có khi nào tôi bị hội chứng đàn ông che mắt nên đã coi thường cô ấy, còn cảm thấy cô ấy hiếu thắng và ảo tưởng. Sao tôi lại không nghĩ, cô ấy dám tham gia chắc hẳn không phải loại vừa. Cô ấy hiếu thắng cũng có cơ sở.

Nguyên sững người khi nghe giọng Hưng. Giọng điệu khác hẳn với những lúc nói chuyện với cô. Anh nhắc lại những ngày đầu ở công trình đã cảm thấy bí bách thế nào, muốn đi chơi cũng không biết đi đâu, có tiền cũng không có gì để mua. Muốn liên lạc với gia đình, bạn bè cũng không có phương tiện. Những năm gần đây, tình hình mới khá hơn một chút. Thế mà cô ấy thản nhiên vượt qua, vượt qua cả những trở ngại do tôi tạo ra. À, mai cậu kiếm ít tấm fibro xi-măng dựng thêm một phòng tắm, con gái ở giữa đám con trai cũng không dễ dàng gì.

Giá ngày đầu anh đừng gay gắt quá thì nay đâu đến nỗi. Đêm hôm chạy xe cả trăm cây số đi mua tuýp thuốc, biết người ta không ăn được cá đồng, còn nhắc nhà bếp nấu món khác, không biết người ta có nhìn thấy không. Anh Hưng, anh thích Nguyên đúng không?

Nguyên nín thở, cô hoảng hốt khi nghe Hưng ừ. Tiếng ừ rõ ràng và dứt khoát sau khi nghe câu hỏi khoảng chục giây đồng hồ. Sau đó, họ còn nói gì nữa, cô không nghe thấy. Cô chờ cho hai chân mình bớt run mới quay người về phòng. Cô không dám tin mình đã nghe những gì Hưng nói. Cô những tưởng sau khi cô từ bệnh viện về, anh sẽ lấy tư cách chỉ huy trưởng công trình tìm cách tống cô về thành phố cho rảnh nợ.

Qua một đêm, Nguyên tự nhiên thấy nơi này đã có gì đó đổi khác, cô có thể nhận thấy rõ ràng nhưng việc cần làm cô vẫn làm, cần trao đổi cô vẫn trao đổi, tranh cãi cứ tranh cãi. Buổi sáng, thay vì chạy quanh sân sau thì cô vòng xuống đồi, tránh đống củi gây nhớ một số chuyện không muốn nhớ, tiện tay hái mấy chùm dủ dẻ chín vàng và ít bông hoa dại. Thấy phòng tắm mới dành riêng cho mình và chị Bếp, cô chỉ gật đầu cảm ơn như thể mình xứng đáng, buổi tối cô đi bộ ba mươi phút..., tất cả đã thành thói quen. So với nửa năm trước khi mới lên đây, cô thấy mình khỏe khoắn hơn nhiều, nước da cũng đã chuyển thành ngăm. Anh phó đã bắt đầu hỏi dò cô đã muốn về thành phố chưa. Nghĩ đến đám hồ sơ sếp phải phụ trách, cô cười cười hẹn sếp hai năm rưỡi nữa, nơi này vẫn tuyền màu ghi xám của fibro xi-măng, chưa thấy viên ngói đỏ nào.

Hôm ấy ở sân sau em đã nghe… Hưng đột nhiên lên tiếng, không biết anh đã dời ghế đến đối diện cô khi nào. Cô ngẩng mặt lên thấy trong phòng chỉ còn lại hai người. Ừ. Ừ là sao? Chẳng sao.

Anh đã khó chịu lúc em mới đến... Đó là quyền của anh, con đường tôi muốn đi, giờ không phải vì cái ghế trưởng phòng, tôi sẵn sàng đi đường vòng xa hơn gấp đôi chứ không bỏ cuộc.

Nguyên không còn nhỏ dại hay yếu ớt đến mức để bị ảnh hưởng bởi những lời nói và thái độ của người khác. Hưng đối mặt nói thẳng khiến cô hơi ngạc nhiên, và ít nhiều, cô cũng có một chút gì đó gọi là khi nghe tiếng ừ của Hưng hôm trước.

Nhưng thái độ của Hưng khiến cô hoài nghi mình đã nghe nhầm. Buổi sáng sau đó, cô xin phép không ra công trường vì chân còn đau. Hưng nói khu tập thể toàn đàn ông con trai, em mặc váy cho ai ngó. Cô đáp trả, ai cũng có thể, trừ anh! Anh cứ quai búa vào chân rồi thử nhét nó vào ống quần xem!

Tiếng ừ ấy, hẳn đó là giây phút bốc đồng của Hưng, anh đã biết gì về cô ngoài mấy câu giới thiệu, rằng cô vì cái ghế phó phòng mà lên đây, ngoài ra còn gì nữa? Anh không nghĩ chỉ ít ngày nữa cô sẽ về thành phố, khi ấy tình cảm của anh sẽ được nuôi dưỡng bằng gì, sẽ lấy gì làm cơ sở để phát triển?

Với lý do chân đau, cô bị điều về ngồi văn phòng. Đám con trai kỹ thuật cho ra công trường dù nắng nôi vẫn thấy thoải mái hơn là phải ngồi bàn giấy ghi chép, chuẩn bị hồ sơ. Từ ngày có cô, giấy tờ đều do cô xử lý. Nay sếp trưởng còn gửi đến ba cái email với một đống công việc. Cô xéo xắt, kiếm phó phòng để người ta phụ một tay. Sếp vui vẻ, sắp rồi, sắp rồi. Cô hỏi tên gì, sếp làm ra vẻ bí mật, nói sẽ bật mí vào phút cuối. Coi bộ sếp vui mừng hơi sớm, nếu phó là người ở công trình thì việc vẫn dồn lên vai sếp chứ không hề nhẹ hơn.

Khi vết thương ở chân cô đã khỏi hẳn (tất nhiên là không thể thiếu những tuýp kem trị sẹo ai đó để sẵn trên bàn cô), Nguyên được lệnh rút quân. Sếp nói thử nghiệm thế đủ rồi, về nhanh thôi, về mà nhận lại đám hồ sơ của cô, không đợi đến khi trên đó đỏ ngói được đâu.

Cô đặt tờ giấy trước bàn Hưng, cô tuân lệnh chứ không phải bỏ cuộc. Hưng nhíu mày nói đã sang mùa mưa, lúc này mà đi xe ngoài sẽ không an toàn, em ráng chờ một tuần nữa sẽ có xe về.

Tuần sau có xe về, nghĩa là công ty cho xe lên, xe lên đưa hàng hay đưa người? Hưng nhìn cô, tuần sau anh cũng về công ty và trước mắt sẽ ở lại nửa năm. Nguyên gật gù, hiểu ra chuyện gì đó.

Anh không hề nộp hồ sơ, tuần trước nhận quyết định anh mới biết. Anh xứng đáng mà, tôi thua kém anh một quãng xa, nếu biết có ứng cử viên như anh, tôi đã chẳng thử.

Nhưng em đã dám thử, và có mặt ở nơi mà chỉ nghe tên, người ta đã thấy heo hút, hoang vắng như nơi này. Không phải ai cũng làm được như em đâu. Quyết định vậy nhé, tuần sau anh đưa em về.

Buổi sáng, Nguyên chạy vòng xuống đồi, nơi có những bụi sim mua trổ bông tím ngát. Cô đã bắt đầu yêu thích nơi này, cơ hội để quay lại hẳn còn lâu lắm. Khi ấy sẽ có một nhà máy thủy điện tầm cỡ mọc lên, xung quanh sẽ là những ngôi nhà ngói đỏ, rồi quán xá, rồi chợ, rồi người ta đông đúc…

Hẳn chẳng mấy ai biết lúc ban đầu của nơi này trông như thế nào, cũng không ai biết cô gái đang ngơ ngác ấy đã từng ở đây hơn nửa năm, đã trải qua nhiều chuyện và trưởng thành hơn rất nhiều.

À, cô gái ấy sẽ không quay lại một mình, bên cạnh cô chắc chắn sẽ có thêm một ai đó. Nghĩ đến đây, cô khẽ mỉm cười, thấy phía trước không xa trong làn sương mờ có một người đang đứng đợi cô cạnh bụi dủ dẻ. Thấy cô đến gần, anh xòe bàn tay rộng đưa cô những đóa hoa màu vàng nhạt với mùi hương ngọt ngào dìu dịu.

Cô mỉm cười đón lấy.

NGUYỄN THỊ THANH BÌNH

.