Đà Nẵng cuối tuần
Gặp lại nhà thơ thuở học trò
Tháng 5-2022, về thăm Đà Nẵng, tôi gặp lại Nguyễn Hoàng Thọ, người bạn thời trung học. Hơn nửa thế kỷ mới được tái ngộ. Anh là nhà giáo đã nghỉ hưu và cũng là một nhà thơ. Anh tặng tôi tập Ngăn kéo thời gian - tập thơ thứ hai vừa xuất bản, không kể những tập in chung với người khác. Gặp lại bạn xưa và được tặng thơ làm tôi nhớ lại một thời có rất nhiều bạn làm thơ và mình đã thích thơ từ thuở ấy.
GS. Trần Văn Thọ trong một lần thăm lại Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). |
Tôi học Trung học đệ nhất cấp (THCS bây giờ) ở Trường Nguyễn Duy Hiệu (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) và đặc biệt thân với Nguyễn Hoàng Thọ cùng 5-6 bạn khác, toàn những bạn làm thơ rất hay.
Năm học Đệ Tứ (tức năm cuối THCS), các bạn ấy đã tập hợp những bài thơ hay của mình để in thành Thi phẩm Mộng, tập thơ ca tụng tuổi thanh xuân nhiều mơ mộng và gói ghém hoài bão về tương lai.
Trường Nguyễn Duy Hiệu hồi đó không có bậc Đệ nhị cấp (THPT bây giờ) nên tôi và nhiều bạn xuống Hội An học Trường Trung học Trần Quý Cáp. Đa số các bạn thân của tôi cũng xuống đây, mang theo tâm hồn thơ từ một thị trấn nhỏ trên Quốc lộ số 1 xuống đô thị cổ gần biển.
Tôi nhớ như in một buổi sáng ở sân trường Trần Quý Cáp, trong lúc tôi và vài bạn đang trò chuyện, bỗng nhiên Nguyễn Hoàng Thọ chạy đến chìa ra một tờ giấy: “Bài thơ ni mới làm tối hôm qua, các bạn đọc thử”. Thế rồi cả bọn xúm lại đọc và bình. Không khí giữa bạn bè quanh tôi thời đó là thế, khi ở sân trường, lúc ở nhà trọ hoặc buổi tối ngồi quanh cột điện trên đường phố.
Tôi có nhiều bạn làm thơ nhưng riêng tôi không có năng khiếu đó, nói chính xác thì không có năng khiếu làm thơ hay. Tôi nghĩ ai cũng có thể làm thơ nhưng làm thơ hay thì khó. Thời đó, tôi cũng thử làm một số bài thơ nhưng đọc thấy không hay, tự thấy mình không thể làm thơ hay nên từ đó không làm nữa.
Thế nào là một bài thơ hay, một câu thơ hay?
Tôi nhớ có đọc ở đâu đó, nhà thơ Nguyên Sa cho rằng một câu thơ hoặc một bài thơ được cho là hay khi muốn giải thích ý nghĩa của nó thì người ta phải viết ra cả một trang giấy. Theo định nghĩa đó, có lẽ những bài như Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ, Tống biệt hành của Thâm Tâm hay Lá diêu bông của Hoàng Cầm là những bài thơ hay. Hoặc những câu thơ khéo dùng những điển tích phù hợp cũng hay, như hai câu của Quách Tấn trong bài Đêm thu nghe quạ kêu:
Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng
Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng
Đúng là ý sâu xa thì thơ hay. Nhưng theo tôi, có nhiều câu thơ ý sâu xa nhưng người đọc cảm nhận được ngay, thấy rất thi vị và không cần giải thích nhiều, không cần viết ra cả trang giấy mới nói hết ý nghĩa mà vẫn hay. Câu thơ hay còn nhờ âm điệu, cách gieo vần, cách dùng chữ bóng bẩy, gợi mở trí tưởng tượng, và nhất là gợi cảm, thấm sâu vào tâm hồn người đọc. Chẳng hạn, hai câu thơ của Hoài Khanh mà tôi đọc hồi còn học năm cuối THPT, đọc thấy lòng bâng khuâng, đúng với tâm trạng đang lo nghĩ về một tương lai bất định:
Nước xuôi lạnh một dòng sầu
Biết về đâu hỡi mấy màu thời gian.
Cũng suy tư về thời gian, sau này đọc hai câu thơ cũng rất hay của Nhã Ca nói lên tâm trạng nuối tiếc tuổi xuân qua đi của người con gái:
Khi về tay nhỏ che trời rét
Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ
Đã từng nhìn ánh trăng soi bóng trên dòng nước, nhà thơ tưởng tượng con hổ đứng uống ánh trăng tan bên bờ suối ở rừng sâu (Thế Lữ), hoặc vẽ ra cảnh các cô gái múc ánh trăng vàng khi tát nước bên đàng ở một vùng nông thôn (Bàng Bá Lân) để sáng tác ra những câu thơ hay.
Mượn hình ảnh để gián tiếp diễn đạt tình cảm cũng thường làm cho câu thơ hay mà vẫn không có gì khó hiểu. Có sự đau buồn trong ly biệt nào thống thiết, khổ đau hơn như mấy câu thơ của Hoàng Cầm?
Cả Thái Bình dương là giọt lệ
Mỗi người đi biệt một hành tinh?
Thanh Tịnh khóc Phùng Quán bằng một hình ảnh so sánh bóng bẩy:
Đời xếp anh, tôi và Thạch Lam
Vào chung một chiếu giữa văn đàn.
Than ôi chiếu đã hai lần lạnh,
Còn lại mình tôi giữa thế gian
Một cách tỏ tình gián tiếp bằng hình ảnh rất đẹp mà dễ hiểu cũng cho ra hai câu thơ hay:
Hồn anh như hoa cỏ may
Một chiều cả gió, bám đầy áo em (Nguyễn Bính)
Hoặc đôi khi có những câu thơ xem ra rất đơn giản, chữ dùng bình dị nhưng lại hay vì đi nhẹ nhàng vào tâm hồn người đọc:
Một buổi trưa không biết tự thời nào
Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao (Huy Cận)
Đối với tôi, đó là những câu thơ hay. Kho tàng thi ca Việt Nam còn rất nhiều câu thơ hay như vậy.
Trở lại tập thơ Ngăn kéo thời gian của Nguyễn Hoàng Thọ, tôi đọc nhiều bài thơ hay trong tập này. Không ít bài hay theo như định nghĩa của Nguyên Sa, nhưng cũng nhiều bài hay theo như cách cảm nhận, suy nghĩ của tôi.
Nói đến ngăn kéo, tôi liên tưởng đến câu thơ của Xuân Tâm đọc thời trung học: Rương chật rồi khó nhốt cả niềm vui. Câu thơ này trong bài Nghỉ hè nói về tâm trạng của học sinh khi hết niên học, sửa soạn rời trường để vui với Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê. Tuổi thanh xuân hầu như chỉ có niềm vui và hy vọng, nhiều đến nỗi không chất hết trong rương. Nhưng ngăn kéo của nhà thơ ở tuổi cổ lai hy thì chắc chắn chất đầy những trải nghiệm chuyện mình chuyện đời, chuyện gia đình, bè bạn, quê hương, đất nước và đầy ắp bao kỷ niệm vui cũng có, buồn lo cũng nhiều, những ngọt bùi cay đắng đã từng như tác giả viết ở trang đầu tập thơ.
Một số bài thơ đưa tôi về với ký ức tuổi thơ ở một miền quê Quảng Nam trong thời chiến:
Cây cầu đưa tuổi thơ tôi qua sông
Gió trời hung hăng bẻ nhịp
Tôi lớn lên giữa cánh đông mây chiều
Rách tươm bạc phếch
Nghe cây lúa trở mình
Trổ trắng hạt mồ côi (Mồ côi)
Miền đồng ruộng thời chiến tranh thường vắng bóng người cha, nổi bật là hình ảnh người mẹ suốt đời lam lũ, tuổi xuân tan theo với ruộng đồng:
Một đời/ cõng rét mùa đông
cắm cây mạ đắng/ xuống lòng ruộng sâu.
Đến ngày tóc trắng/ phau phau
mùa xuân mẹ/ ngấm đất màu thời gian (Bóng mẹ)
Những câu thơ gợi nhiều thương cảm và lòng biết ơn sâu nặng đối với người mẹ thời đó.
Ở tuổi ngả bóng, khi trời đất sang mùa, nhà thơ Nguyễn Hoàng Thọ cũng hồi tưởng quãng đời đã qua của mình, suy nghĩ về những trải nghiệm buồn vui:
Trắng đầu/ sợi tóc còn đau
đi tìm hư thực/ chuyến tàu thời gian (Chớm đông)
và thấy cuộc đời là ngắn ngủi, phù du, chẳng cần bon chen danh lợi mà cần sống đẹp:
Nhìn trời từ thuở nằm nôi
Mai kia gối đất cạn đời phù sinh
Săm se góc chiếu giữa đình
Bận lòng ai rối lòng mình mà chi? (Không đề)
Những bài thơ liên quan lịch sử, văn hóa Việt Nam cũng nhiều hàm súc, dẫn chúng ta đi từ những cảm nhận xa xưa đến suy tư trước hiện thực ngày nay. Thăm đền thờ Chu Văn An ở Chí Linh (Hải Dương), tác giả vừa ca tụng bậc hiền triết, danh sĩ đời Trần:
Con về/ vịn chữ/ Thầy ơi
Đọc “Thất trảm sớ”/ rạng ngời lòng nhân
vừa ưu tư, lo lắng nghĩ đến hiện tại vẫn còn nhiều tiêu cực trong xã hội:
Chiều đông/ gió rớt đầy sân
Thầy lau nước mắt/ bụi trần/còn bay!... (Lòng Thầy)
Nghĩ về Phong Châu, kinh đô nước Văn Lang, Nguyễn Hoàng Thọ cảm khái viết ra những câu thơ hay, sâu sắc về ý nghĩa, bóng bẩy trong cách diễn đạt và gây xúc cảm lòng yêu nước, gây niềm tin vào tiền đồ dân tộc:
Khát mùa mùa lại xuân tươi
Khát sông sông đắp nên đời phù sa
Khát anh hùng đất nở hoa
Từ trong huyền sử bước ra hàng hàng (Dìu dịu Phong Châu)
Đọc mấy câu thơ này thấy lòng lâng lâng đầy tự hào dân tộc. Mấy câu thơ còn gợi nhớ Bình Ngô Đại Cáo “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau. Mà hào kiệt không bao giờ thiếu”.
Chuyến về Đà Nẵng năm nay gợi lại bao kỷ niệm thời trung học, nhớ lại những câu thơ hay và được đọc một thi phẩm giá trị. Cảm ơn quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, cảm ơn bạn quý Nguyễn Hoàng Thọ.
TRẦN VĂN THỌ