Đà Nẵng cuối tuần

Về địa danh Bà Rén

15:45, 10/09/2022 (GMT+7)

* Một lần tôi ghé chợ Bà Rén, được nghe người quản lý chợ nói rằng Bà Rén là cách phát âm tiếng Việt của Pellerin - một giám mục người Pháp, khi ông đến vùng đất này. Cách giải thích về địa danh này, theo tôi, là chưa chuẩn xác. (Nguyễn Văn Trung, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng)

Địa danh “Bà Rén” còn lưu lại ở một chợ heo nổi tiếng nay thuộc thôn Bà Rén, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: V.T.L
Địa danh “Bà Rén” còn lưu lại ở một chợ heo nổi tiếng nay thuộc thôn Bà Rén, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: V.T.L

- Có nhiều giả thuyết về xuất xứ của địa danh Bà Rén. Trong đó, nếu nói Bà Rén là cách phát âm tiếng Việt của François Pellerin - một giám mục người Pháp, là không có căn cứ.

Theo bài viết “Pellerin Phan (1813-1862) - Giám mục, giáo sĩ truyền giáo Hội Thừa Sai Paris” đăng trên trang vietnamhoc.net, giáo sĩ người Pháp này nhận được quyết định đi Đàng Trong, Việt Nam vào năm 1843. Sau đó, ông đi các nơi: Bình Định (1843), Huế (1848), rồi quay lại Bình Định (1850), rời Huế đến Hong Kong rồi trở về Pháp (1857), quay lại Hong Kong và mất tại đây.

François Pellerin chưa bao giờ ghé lại Quảng Nam nên không thể nói tên ông đọc trại thành Bà Rén - một thôn nay thuộc xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, nơi có chợ heo Bà Rén nổi tiếng.

Mục “Quảng Nam - Đà Nẵng qua các địa danh (phần 2)” đăng trên Cổng Thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng giải thích rằng, Bà Rén là xứ đất thời Chămpa, nơi có một ngôi đền thờ tượng rắn thần Nagar bằng sa thạch. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết vào thế kỷ XVIII ghi “Ba xứ Phường Tây, Thu Bồn và Vực Rắn đều là đại đồng điền của hai phủ Thăng Hoa và Điện Bàn”. Giọng Quảng Nam phát âm Rắn thành Rén.

Cách giải thích trên cũng được Khoa Văn học - Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (khoavanhoc-ngonngu.edu.vn) nói đến trong bài “Đặc điểm địa danh Quảng Nam”: Địa danh là nơi lưu giữ, chuyển tải và phần nào phản ánh những yếu tố tâm linh và địa danh Quảng Nam cũng mang những nét ấy. Ví dụ: sông Bà Rén (Duy Xuyên, trước đây tại khu vực này có đền thờ “thần Bà Rắn”)…

Tác giả Hoài Quảng (Phan Thanh Minh) có cách giải thích khác trong “Nghĩ về ngữ địa danh ở xứ Quảng”, bài viết lược lại tư liệu chính ông đã công bố trên các báo: Lao Động, Quảng Nam cuối tuần, Tạp chí Xưa & Nay, Đất Quảng, Văn hóa Quảng Nam…

Theo đó, sách Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr.117-118) mô tả kỹ lưỡng: “Từ tuần Ải Vân đi đến dinh Quảng Nam, tục gọi là Dinh Chiêm ở xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên, không quá hai ngày. Như đại quân đóng đồn ở Dinh Chiêm, mà đi vào kinh lược thì qua sông đến Kẻ Thế (cầu có ván nhỏ), sông Bà Rèn, đầm Khoai (3 cầu ván nhỏ)…”.

Như vậy, theo tác giả, tên Bà Rén đã có từ lâu đời, ít nhất là trước thế kỷ XVIII, và không liên quan đến tượng nữ thần có hình con rắn Naga nhiều đầu mà người dân ở đây nói chệch thành “rén” như lời giải thích đã dẫn.

Tên định danh địa chỉ cụ thể nào đó có thể là tên gọi một nhân vật do dân gian gọi lâu ngày mà thành, hoặc nhiều người quy ước với nhau như quán Cát (quán ở trên bãi cát), quán Liễu (quán ở trên bãi dương liễu). Theo ghi nhận của Lê Quý Đôn về địa danh này có tên là “Bà Rèn”, vì thế theo tác giả, có thể từ “lò rèn” mà nhiều người quy ước trở thành địa danh quen thuộc, sau “rèn” biến thành “rén”. Về việc chuyển đổi thanh điệu là hiện tượng khá phổ biến ở vùng Thừa Thiên Huế và Quảng Nam; ví dụ: Vi Dã → Vĩ Dạ; Phủ Cam → Phú Cam; Phù Bài → Phú Bài; Phủ Chiêm → Phú Chiêm; Đá Dựng → Đá Dừng…

ĐNCT

.