Đà Nẵng cuối tuần

Mùa sóng tím quay về

18:15, 15/07/2023 (GMT+7)

Gió tháng sáu thốc hơi nóng của ngày phả vào đêm những bức bối. Lãng lấy xe chạy lòng vòng quanh con đường sát biển. Biển ì oàm sóng. Những con sóng muôn đời vẫn ràn rạt dạt vào xứ này bài ca miên di bất tận. Có lần Nguyễn hỏi Lãng yêu biển lắm à, sao cứ quẩn quanh đời mình với thành phố này. Bốn năm đại học vừa kịp lấy cái bằng là dọn mớ đồ vào gọn chiếc ba lô rồi bắt chuyến xe về ngay với biển. Bằng loại giỏi, tiếng Anh ro ro, thực tập ở một công ty nước ngoài mà khối đứa học chung mơ ước.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhưng Lãng lại chọn về, giữa những đứa bạn đang dáo dác tìm một công việc nơi thị thành xa hoa với suy nghĩ giản đơn chỉ cần một cuộc sống ổn định. Ổn định ở đô thị sầm uất nhất nước liệu hành trình ấy dễ hay khó. Thiên hạ thất nghiệp đầy, đâu phải học gì là ra làm nấy. Nghề chọn người chứ mấy người nào chọn được nghề mình thích, mình học.

Nội hay bảo nghề là cái nghiệp. Nghiệp quàng vào thân thì nhận lấy. Đời này cứ nhẹ nhàng chấp nhận và ứng biến với mọi thứ thì sẽ sống một cuộc đời thong dong. Lãng nghe. Lãng tin. Tin như thể ngày nhỏ nội dẫn Lãng ra biển, chỉ từng đợt sóng và bảo Lãng có nghe biển hát không? Lãng lắc đầu. Nội cười nhẹ tênh nói chỉ khi nào người ta biết thương biển, mới nghe được lời biển hát. Lúc biển vui, sóng sẽ tung tăng trắng xóa bọt và nhún nhảy liếm bờ cát dài thoai thoải. Những khi biển buồn, sóng vỗ bờ từng lớp nhẹ, bọt trong veo, nhỏ như đầu kim, tan nhanh vào nước, cuốn trôi ra xa, rồi lại từng đợt liên tiếp. Nhưng, khi bọt đục ngầu, vỗ hối hả, sóng như gào thét, ấy là lúc biển giận. Lãng mới mười hai, ngồi trên bờ cát nghe lời nội mà mông lung khó hiểu.

Tuy nhiên, có một điều, Lãng chắc chắn với nội, Lãng thương biển. Thương như thương nội, thương ba, thương những ngôi mộ gió nơi cuối bãi đầu non xứ mình. Trước mặt là biển, sau lưng là núi, những ngôi mộ được đắp lên sau những mùa bão giông biển động. Những ngôi mộ luôn ấm hương nhang mỗi chiều hôm biển sóng sánh ánh hoàng hôn vàng võ.

Lãng thương biển như thương những bông thàn mát trên bán đảo quê mình. Thàn mát tím da diết. Hoa mọc ở nách lá đầu cành, từng chùm rũ xuống phủ rợp một góc biển. Có lần Lãng leo lên núi, từ đỉnh của bán đảo nhìn biển, thấy trong thênh thênh gió lộng, những con sóng sau dàn hoa biêng biếc mang một màu tím ngọt ngào. Những con sóng tím muôn đời hướng về bờ. Thủy chung một đời của sóng.

Có một mùa hè thị thành nóng bưng đầu, Lãng rủ nhóm bạn quẩy ba lô, phi con xe máy về quê. Năm thứ hai của đại học. Nhóm bạn bốn đứa trọ chung trong căn phòng nằm xa trung tâm thành phố. Căn phòng nhỏ của một đôi vợ chồng về hưu. Bốn đứa khác xa nhau về giọng nói lẫn tính cách, chỉ giống nhau mỗi một sở thích ở nơi thông thoáng và yên tĩnh. Lần theo lời rao trên mạng, bốn đứa về trọ chung với nhau bởi mê khoảng sân vườn trồng nhiều cây của vợ chồng chủ nhà.

Tĩnh là người đầu tiên đến trọ, dân miền Tây, nhỏ xíu con, nước da trắng và mái tóc bồng bềnh rất nghệ sĩ. Thoảng khi những đêm mưa buồn Tĩnh hay ngêu ngao hát mấy bài vọng cổ. Lần nào xuống xề cũng khiến đám bạn nằm nghe thon thót lòng nhớ nhà. Có lần Nguyễn bảo Tĩnh thôi đừng hát. Hát chi mấy bài như rứa thì chết đám thèm quê nhớ xứ. Hay như hôm bão đập thẳng miền Trung, Lãng thấp thỏm lo âu, Nguyễn ngồi một chỗ rầu rầu, Tĩnh vẫn hát. Giọng buồn rưng rưng. Câu ca cũng như câu hỏi đã bao lâu rồi không về miền Trung. Câu ca cứa vào lòng hai thằng con trai vết cứa ứa nước mắt. Khóc đi, khóc cho nhẹ lòng. Đời con người ta luôn có hai thứ để khóc. Khóc cho quê và khóc cho nhà. Tĩnh thở dài, sóng mũi cay xè. Đêm đó Lê trở về sau ca làm đêm. Nhìn căn nhà dội bão từ phương xa cũng rười rượi lòng.

Trong bốn đứa Lê là đứa lạ kỳ nhất. Lê sinh ra và lớn lên ở ngay chính thị thành này. Mười tuổi bỏ nhà đi bụi. Cứ vậy mà lây lất với hoa lệ phồn thịnh bằng nghề bán rong rồi đánh giày. Lớn hơn tí xíu làm giữ xe cho một quán cà phê. Rồi được chủ thương dạy nghề pha chế. Lấy cái nghề mà kiếm sống đàng hoang hơn lúc nhỏ. Lê cao dong dỏng, da sạm đen nắng gió. Nhưng Lê đẹp, đẹp theo kiểu rắn rỏi ngang tàng, lạnh lùng mà cuốn hút. Lê là đứa cuối cùng dọn về căn phòng này theo lời rủ rê của Tĩnh.

Sau những giờ học, Tĩnh làm phục vụ nơi quán cà phê Lê đang làm. Hỏi sao dọn phòng trọ về chỗ ven đô xa xôi. Lê tỉnh rụi trả lời để khỏi ai tìm được. Chẳng biết ai muốn tìm, nhưng cạy miệng Lê không nói. Lê luôn là đứa hào sảng nhất phòng trọ. Đứa nào thiếu tiền Lê cho mượn. Lê đi siêu thị mua đồ ăn ngập phòng. Có hôm nửa đêm Lê chạy ù về kéo cả bọn đi ăn lẩu khuya. Lê mới được tăng lương nên Lê khao cả nhóm. Cũng có đêm Lê trở về nhà giọng nhừa nhựa say chếnh choáng. Lê cuộn mình trong một góc phòng. Đám bạn nghe có tiếng nấc. Thế thôi, Lê vẫn kín bưng mọi chuyện.

Lần đó, bốn thằng đèo nhau trên hai con xe máy cứ tàng tàng dọc ngang các cung đường rồi về đến quê Lãng. Mùa biển non sóng. Thàn mát nở tím cả bán đảo. Bốn thằng chạy chơi đã thì lại quay về, nội bày sẵn mâm cơm. Cứ vậy mà cả đám có kỳ nghỉ hè đen nhẻm tung tăng sóng nước. Mấy ngày nhẹ tênh đi qua. Chợt đêm cuối ngồi với biển. Lê hỏi Lãng sao nhà trống trơn, chỉ mỗi nội và Lãng. Đêm đó trăng tròn vành, soi bóng bốn đứa đổ dài trên bãi. Lãng chỉ ra ngoài khơi xa. Ba ngoài đấy. Mãi không trở về. Mẹ à, ờ… đâu đó trên thị thành xa hoa. Mẹ không chịu nổi cái nghèo khó của miền biển này. Thời giông bão vẫn còn quần nát khúc ruột miền Trung. Thời đói lã. Chỉ nhớ ngày mẹ đi, bố ôm Lãng vào lòng ru câu ca đứt quãng: “Ầu ơ chớ lụt nguồn trôi trái lòn bon. Mẹ con vẫn còn mà con chịu mồ côi”. Lời ru dắt Lãng vào đời mãi cho đến ngày sóng đổ những cơn giận lên làng biển nghèo. Lần này, nội ôm Lãng vào lòng. Nội dẫn Lãng ra biển ngóng. Nội đắp mộ gió. Ba hòa vào sóng, ba tan thành nước. Ba về bằng những bọt biển liếm xứ quê.

Lãng chọn về và làm cho một công ty du lịch. Sáng sớm chạy bộ dọc bờ biển rồi về cái chợ quê mua thức ăn. Trưa ghé nhà đã có nội cơm nước sẵn. Chiều không bận bịu công việc tồn đọng lại lót tót ra biển ngồi ngó hoàng hôn. Thoảng khi lại chạy lên bán đảo đứng ngó mông lung về phía chân trời. Mây và biển gặp nhau ở một đưởng kẻ mỏng manh. Nơi đường kẻ ấy, Lãng thấy mây và biển chập lại thành một. Đó là trong tầm mắt Lãng. Chứ kỳ thực nếu ra ngoài khơi xa ấy, đường kẻ mỏng manh càng dịu vợi tít tắp thêm. Vậy nên, Lãng chọn khoảnh khắc này, đứng trên bán đảo, nhìn nơi mây biển giao nhau, đó đã là hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ là một khắc giây nào đó trên quãng đời dài này. Chứ đâu có gì là mãi mãi.

Như bốn thằng bạn sau mấy năm trời ra trường mỗi đứa lạc nhau một phương nào đó. Thỉnh thoảng đứa này réo đứa kia gọi, biết nhau có còn sống được giữa bon chen đường đời. Nguyễn phiêu bạt đâu đó ngoài Nghệ sau khoảng chật vật với thị thành. Tĩnh thả đời mình theo các chuyến hướng dẫn quốc tế. Mỗi Lê bám trụ thị thành xa hoa với những bữa say túy lúy. Có đêm Lãng nghe Lê điện thoại giọng nấc cụt nhừa nhựa ngơ ngác hỏi chìa khóa phòng đâu, rồi tự khắc nhận ra mình quên đã lâu rồi bốn đưa chẳng còn ở chung. Tiếng thở dài sau đó cứ lưng chừng trôi vào đêm. Hình như Lê đang thất nghiệp sau mùa dịch của thị thành.

Hay có lần từ Nghệ giọng Nguyễn rầu rĩ kể lễ cuộc chia tay nào đó. Lãng nghe xong à ừ và cúp máy khi tiếng bạn thở đều đều vang lên bên kia đầu dây. Câu cuối cùng Nguyễn bảo giá như có bốn đứa thì đời đâu buồn đến vậy. Nguyễn đang chật vật với công việc. Duy chỉ có Tĩnh lần nào cũng gởi hình ảnh các nước mình đã đi qua. Nhưng, có lần giữa đêm giao thừa, Tĩnh đang ở đâu đó một nơi tuyết rơi và thèm thịt kho trứng. Thèm lắm phong bao lì xì. Thèm lắm bốn đứa chia quà Tết những ngày cuối năm. Thèm luôn khoảnh khắc đủ bốn đứa ngắm nhìn pháo bông hồi đó. Lâu rồi Tĩnh không hát. Hồi đó giờ xa quá. Hồi đó là bao lâu rồi? Tĩnh hỏi và im lặng. Lãng cũng im lặng. Đâu phải im lặng nào cũng là bình yên.

Một ngày tháng sáu nắng đổ hanh vàng trên từng con phố, nội gọi Lãng bằng giọng đứt quãng. Lãng hộc tốc chạy về bỏ dở cả công việc. Vừa bước vào thềm nhà đã thấy đám đông láo nháo ba bốn người. Ơ… Từ run rẩy chuyển sang bất ngờ. Đâu ra ba thằng bạn đang xì xụp bát cơm, tranh nhau í ới cả nhà. Nội ngồi cầm quạt phành phạch miệng cười móm mém.

Tĩnh thôi lang bạt ruổi rong, quyết định về xứ biển này mở một công ty với ước mong đem khách quốc tế đến với thành phố đáng sống này. Nguyễn cũng dạt từ Nghệ về Đà Nẵng phụ trách chi nhánh của công ty mình, thử sức mình trong vai trò giám đốc chi nhánh. Lê đầu quân cho một resort ven biển của Đà thành. Tại sao lại là nơi đây? Lãng hỏi khi cùng ba thằng bạn lang thang biển đêm. Biển nhẹ tênh từng con sóng vỗ. Ai rồi cũng phải chọn một điểm dừng trên hành trình cuộc đời mà. Huống chi ở đây đang phát triển, có nội, có Lãng, có mùa hoa thàn mát và có cả những con sóng tím. Dễ đâu mà có sóng tím như xứ này. À! Dĩ nhiên phần lớn tại cơm nội ngon! Lê nói rồi cả ba thằng vờn Lãng chạy khắp bờ cát dài.

Mùa hoa thàn mát vẫn tím biêng biếc lên từng con sóng. Đường dài ân tình. Phố rộng nghĩa nhân. Cữ cơm của nội nay lại phải xếp thêm chén đũa. Nhưng, nội cười. Lâu lắm rồi Lãng mới thấy nội vui đến vậy. Chọn nơi này để gá thân cho quãng đời lập nghiệp, Lãng chẳng biết những đứa bạn mình sẽ như thế nào, nhưng Lãng tin, đất này sẽ nở ra những mùa hoa thủy chung như những cơn sóng tím mãi quay về liếm bờ ràn rạt.

TỐNG PHƯỚC BẢO

.