Đà Nẵng cuối tuần

Khi khuyến học sâu, xa và rộng

14:23, 01/10/2023 (GMT+7)

Những ngày đầu tháng 10 này, cả xã hội rộn ràng câu chuyện khuyến học giữa thời đại kỷ nguyên số bởi cách đây 15 năm, tháng 9-2008, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1271/QĐ-TTg lấy ngày 2-10 hằng năm là “Ngày Khuyến học Việt Nam” với mục đích động viên các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; tôn vinh những gương sáng hiếu học, tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài.

Chỉ mới đây thôi, vào ngày khai trường của niên học 2023-2024, báo chí nhắc đến điểm trường nóc Ông Bình thuộc Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học xã Trà Dơn (tỉnh Quảng Nam) như một câu chuyện lay động đến cảm xúc của nhiều người. Điểm trường này được thành lập từ năm 2016, nhưng mãi cho đến năm nay mới là lần đầu tiên học sinh được dự lễ khai giảng có trống, có cờ Tổ quốc và được hát Quốc ca.

Để có được buổi khai giảng rộn ràng này chính là nhờ sự hỗ trợ từ nhóm Bạn Thương Nhau của thành phố Đà Nẵng. Chính những tấm lòng thảo thơm với điểm trường thuộc vùng sâu vùng xa này mà từ những ngày trước đó, họ đã khảo sát, lên kế hoạch và thực hiện việc chuẩn bị trống, cờ Tổ quốc, di ảnh Bác, hoa tươi và sân khấu từ miền xuôi ngược lên miền núi.

Điểm trường nóc Ông Bình là 1 trong 12 điểm trường xa xôi nằm ẩn mình giữa rừng già Ngọc Linh của Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Dơn. Nơi gần nhất các thầy cô đi cũng mất 1 hay 2 giờ, nơi xa nhất có thể mất cả nửa ngày đường. Hiện trường có tổng cộng 525 học sinh, nằm rải rác ở 4 thôn của xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Chỉ với 15 giáo viên dạy hợp đồng cùng số tiền lương ít ỏi, đôi khi chính thầy cô tự trích tiền của mình để mua sách, dụng cụ từ miền xuôi rồi cõng lên núi để giúp các em bám chữ mà mong cầu một sự thay đổi sau này cho tương lai.

Học trò đa số là những đồng bào dân tộc người Ca Dong và đa phần đều khó khăn. Mỗi năm các thầy cô đều sử dụng tiếng xoong nồi thay tiếng trống. Thầy cô giáo nơi này vừa dạy học vừa chăm sóc, nấu cơm cho các em, thậm chí ban đêm có khi còn giữ các em lại để trông chừng, bởi phần lớn phụ huynh đều sống bằng nghề đi rừng, làm nương rẫy. Có những thầy cô giáo như thầy Nhân, cô Tý dành trọn thanh xuân, vượt qua nghịch cảnh gia đình mà bám bản, với chỉ một thứ duy nhất đó là tình yêu với học trò, là tâm niệm tận hiến cho sự học một thế hệ tương lai.

Có lẽ chúng ta đều nhớ đến câu chuyện về “Cô giáo vé số”. Đó là bà Nguyễn Thị Ba ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, năm nay đã bước sang tuổi 75. Sáng bà Ba đi bán vé số, chiều tối dạy chữ lớp học tình thương cho trẻ em nghèo ở phường Phú Cường. Bà giáo về hưu từ năm 2003,7 năm nay, đều đặn như thế, ngày nắng hay ngày mưa, ngày mệt hay ngày bệnh bà đều cố gắng duy trì việc lên lớp. Thể như bà sợ một ngày nghỉ dạy, sẽ khiến các em vơi đi sự học.

Thủ Dầu Một là nơi rất nhiều dân tứ xứ đổ về mưu sinh, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này đôi khi cũng quăng quật đời mình theo bước chân mưu sinh lang bạt của cha mẹ. Tháng 4-2016, bà lên phường xin mở lớp dạy chữ cho đám trẻ nghèo, như một sự chia sẻ khó khăn đến với các gia đình nghèo đa phần là công nhân, lao động tự do khó khăn thiếu thốn đủ thứ. Lớp học mở ra có trẻ 6, 7 tuổi, cũng có đứa cao nhòng, đen nhẻm 15, 16 tuổi. Lần đầu tiên chúng tập đánh vần, viết cái tên mình, biết cộng trừ nhân chia phép tính đơn giản. Ngoài dạy chữ, bà còn dạy cho đám trẻ biết sống cuộc đời tử tế, biết làm người thiện lương mưu sinh chính đáng. Từ đó bà Ba xin cho đám trẻ đi làm phục vụ, đi rửa chén, đi chạy bàn, bưng bê thức ăn. Số tiền bán vé số bà Ba dành trọn để mua gạo, đồ dùng học tập cho đám trẻ.

Trong lần trả lời phỏng vấn gần đây trên Báo Đà Nẵng, ông Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch Hội khuyến học thành phố chia sẻ hành trình 5 năm của hội với những hoạt động ghi dấu ấn như: Chương trình “Nuôi dưỡng ước mơ” giúp hơn 400 sinh viên hoàn cảnh khó khăn học hết bậc đại học; chương trình “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ khuyến học” tài trợ cho hơn 100 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, con gia đình chính sách với số tiền hàng trăm triệu đồng; cấp học bổng đặc biệt cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn do Covid-19 năm học 2021-2022 với số tiền 315 triệu đồng...

Tính từ năm 2018 đến 6 tháng đầu năm 2023, các cấp hội vận động các tổ chức, đơn vị, cá nhân tài trợ, trao học bổng và khen thưởng với số tiền hơn 185 tỷ đồng, riêng Thành Hội vận động hơn 7 tỷ đồng. Thành công của Hội Khuyến học thành phố không chỉ được nhìn nhận bằng con số mà kỳ thực phải nhìn nhận bằng hành trình khuyến học, đồng hành và nâng bước tương lai của các em nhỏ.

Nghĩ cho cùng, mọi tương lai đều bắt đầu từ nền tảng tri thức. Mọi nền tảng tri thức kỳ thực bắt đầu từ những con chữ. Để những con chữ đi sâu, đi xa và lan rộng thì khuyến học không chỉ là câu chuyện từ hội, từ các thầy cô, mà đôi khi từ cộng đồng như nhóm Bạn Yêu Thương, hoặc giản đơn từ bà giáo bán vé số. Khi mọi nguồn lực đều vận động vì mục tiêu săn sóc sự học, thì khi ấy, sự học trên khắp dải đất hình chữ S sẽ lan tỏa rộn ràng như buổi khai giảng ấn tượng từ điểm trường nóc Ông Bình.

TỐNG PHƯỚC BẢO

.