Đà Nẵng cuối tuần
Bảo dưỡng cây xanh
Hệ thống cây xanh là một bộ phận hợp thành của cấu trúc hạ tầng đô thị hiện đại thông qua vai trò tạo ra cảnh quan thiên nhiên, làm đẹp bộ mặt mỹ quan đường phố, cải thiện khí hậu và môi trường sống của cư dân đô thị. Chính vì vậy, việc bảo dưỡng và phát triển mạng lưới cây xanh là rất cần thiết nhằm ngăn chặn hiệu quả sự xâm hại, làm tổn hại đến tuổi thọ, sinh trưởng của cây xanh, nhất là khi mùa mưa bão đến.
Nhân viên Tổ cây xanh 1, Đội cây xanh Hải Châu thuộc Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng cắt tỉa cành cây trên tuyến đường Trưng Nữ Vương. Ảnh: Đ.H.L |
Khi cơn mưa đầu mùa trút xuống nặng hạt cũng là lúc những người làm công tác duy tu, bảo dưỡng cây xanh tất bật với việc cắt tỉa cây xanh trên đường phố. Đặc biệt năm nay, thời gian cắt tỉa muộn hơn để bảo đảm độ che phủ cây xanh trên đường phố được duy trì lâu hơn nên việc thi công càng trở nên gấp rút so với mọi năm.
Bảo đảm an toàn cây xanh mùa mưa bão
Lưu lượng xe giao thông vẫn qua lại bình thường nhưng Đội cây xanh Hải Châu vẫn nhễ nhại mồ hôi phơi mình trên cao để cắt tỉa cành lá um tùm xòe ra hai bên vỉa hè, đặc biệt là những cành cây vươn dài phủ xuống nhà dân.
Đang hướng dẫn công nhân cắt tỉa cây xanh trên đường Trưng Nữ Vương, anh Nguyễn Thành Đại, đội trưởng Tổ cây xanh 1, Đội cây xanh Hải Châu thuộc Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng cho biết, để tránh giờ cao điểm có nhiều phương tiện giao thông qua lại, Tổ cây xanh 1 bắt đầu cắt tỉa từ 8 giờ sáng đến 11 giờ trưa và từ 13 giờ đến 16 giờ 30 chiều. Mỗi tổ chia thành 3 nhóm luân phiên nhau và được trang bị dụng cụ cắt tỉa cùng 1 xe cắt, 1 xe dọn để cắt đến đâu dọn đến đấy cho giao thông được thông suốt.
Các công nhân chủ yếu cắt tỉa những cành cây vươn vào nhà dân nhằm bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng người dân trong mùa mưa bão. “Trước khi cắt tỉa đã có thông báo đến nhân dân nhưng do lưu lượng xe qua lại đông đúc, đặc biệt việc đậu ô-tô của những người tham gia giao thông từ nơi khác đến khiến việc cắt tỉa càng trở nên khó khăn hơn. Đó là chưa kể trong quá trình thi công bị vướng dây điện cao thế, dây cáp viễn thông....”, anh Đại chia sẻ.
Theo quy định, Sở Xây dựng giao Công ty Công viên - Cây xanh cắt tỉa những tuyến đường trên 7,5m. Trong công tác duy tu, bảo dưỡng cây xanh, ngoài việc tẩy chồi, tỉa tán thường xuyên, công ty sẽ tập trung cắt tỉa cành lá trước mùa mưa bão từ ngày 25-8 đến 15-11. Năm nay, công ty thực hiện thí điểm không cắt tỉa cây xanh ở hơn 20 tuyến đường trồng các loài cây có khả năng chống chịu mưa bão tốt như bằng lăng, lộc vừng, giáng hương... để theo dõi, đối chiếu. Đối với những con đường dưới 7,5m, sở giao cho các quận, huyện quản lý.
Là địa phương nằm sát khu vực giáp biển, ông Cao Hoàng Thắng, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Sơn Trà cho biết, quận sẽ ưu tiên cắt tỉa các cây ở khu vực hút gió như các giao lộ có nhiều tòa nhà cao tầng và các tuyến đường trống gió ven biển, ven sông nhằm hạn chế giảm đột ngột bóng mát trong mùa nắng nóng.
Việc cắt tỉa, chống dựng cây xanh có nguy cơ gãy đổ phải hoàn thành trước ngày 15-10 nhằm bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, quận vận động nhân dân trên địa bàn phối hợp các đơn vị có trách nhiệm thực hiện công tác phòng chống bão đối với hệ thống cây xanh đô thị tại nơi cư trú. UBND các phường sẽ chủ trì việc cắt tỉa, chống dựng cây xanh tại các tuyến đường quy hoạch có mặt cắt lòng đường nhỏ hơn 5,5m, đường kiệt, hẻm trong các khu dân cư chỉnh trang, khu chưa có quy hoạch.
Năm nay, quận Hải Châu lên kế hoạch hoàn thành việc cắt tỉa cây xanh trước 30-9. Bà Lê Thị Hải Châu, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Hải Châu cho biết, quận sẽ ưu tiên cắt tỉa các tuyến phố trung tâm có mật độ dân cư và phương tiện tham gia giao thông đông đúc, các khu vực trường học và các khu vực trống gió, nhất là các tuyến đường chỉnh trang vỉa hè, hạ tầng ngầm.
Đặc biệt là một số loài cây dễ gãy đổ như phượng vỹ, muồng tím, lim xẹt, xà cừ, bàng ta, bàng Đài Loan… Những cây có dấu hiệu mất an toàn cho phép cắt tỉa không quá 35% diện tích tán lá, các loài cây còn lại có thể cắt tỉa không quá 25% diện tích tán lá. Song song đó, quận thực hiện thí điểm không cắt tỉa ứng phó bão đối với cây xanh tại các tuyến đường thưa dân cư, mật độ lưu thông thấp. Trong quá trình cắt tỉa cây xanh phòng chống bão, nếu tổ chức, cá nhân nào phản đối thì các đơn vị dịch vụ cây xanh phối hợp phường, tổ dân phố lập biên bản hiện trường để xử lý theo quy định.
Cần quy hoạch loài cây phù hợp
Thời gian qua, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền về công tác quản lý và phát triển hệ thống cây xanh đô thị đã tạo cảnh quan đẹp trên nhiều tuyến phố, tuy nhiên việc duy tu, bảo dưỡng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do khí hậu khắc nghiệt và hạ tầng đô thị bất cập. Hiện nay, phần đất để ưu tiên cho cây xanh phát triển trên vỉa hè còn rất ít, nhiều hệ thống cống rãnh, cáp quang, điện ngầm lại đan xen chằng chịt.
Vào mùa hè nắng nóng, do Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng sử dụng tưới nước bằng hệ thống nước thủy cục nên thường xuyên bị thiếu nước dẫn đến làm ảnh hưởng công tác duy tu một số vị trí cây xanh, thảm cỏ. Ngoài ra, việc xâm hại hệ thống cây xanh của các đơn vị thi công công trình cũng là một thách thức trong công tác phát triển và quản lý cây xanh đô thị.
Về vấn đề này, ông Lê Huy Hoàng, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng cho biết, hiện nay có tổng cộng khoảng 64.000 cây xanh công cộng trên các tuyến đường trên 7,5 do Sở Xây dựng quản lý. Tuy nhiên, ở một số nơi, cảnh quan đường phố chưa đẹp là do chủng loại, kích thước cây không đồng đều, một số cây không phù hợp với tiêu chuẩn cây trồng đường phố… Bên cạnh đó, việc quy hoạch thiếu đồng bộ trên các tuyến đường khiến việc cải tạo, thay thế cây già cỗi, sâu bệnh, sam mục; cây trong danh mục cấm trồng; cây còi cọc, tán xấu, cong nghiêng đã làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Thực tế cho thấy, nhiều tuyến đường hiện nay có một số loài cây trồng hiện hữu không còn phù hợp nhưng vẫn chưa được xác định loài cây thay thế, dẫn đến việc phải trồng lại bằng loài cây cũ hoặc tạm thời để trống, cụ thể như một số cây viết, long não, phượng vỹ... Bên cạnh đó, số lượng cây do người dân trồng tự phát thuộc danh mục cấm trồng và những cây không phù hợp với tiêu chí trồng trên đường phố vẫn còn rất lớn, tuy nhiên do nhiều tuyến đường có vỉa hè hẹp hay cao độ chưa ổn định nên vẫn duy trì cây để tạo bóng mát cho người dân trong khu vực.
Hiện thành phố vẫn chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, theo dõi, giám sát, trao đổi thông tin cũng như sự tham gia của người dân trong công tác quản lý. Hơn nữa, kế hoạch cải tạo, thay thế và trồng mới cây xanh mới chỉ dừng lại hàng năm mà chưa có kế hoạch dài hạn, trung hạn nên gây trở ngại cho công tác chuẩn bị nguồn cây trong vườn ươm. Do vậy, việc lựa chọn cây trồng thay thế chủ yếu tùy thuộc vào nguồn cây đang có sẵn với một số chủng loại quen thuộc, phổ biến trên thị trường.
Theo ông Lê Huy Hoàng, mỗi vùng có điều kiện tự nhiên và thảm thực vật đặc trưng, việc quy hoạch loài cây trồng phù hợp với đặc điểm tự nhiên của từng vùng sinh thái, với lịch sử, văn hóa và tính chất đô thị sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững và tạo nên cảnh quan cây xanh đặc trưng của đô thị.
“Hiện nay, trên địa bàn thành phố mới chỉ lập quy hoạch về không gian xanh (đất cây xanh) mà chưa có quy hoạch loài cây trồng đô thị, nhất là những loài phù hợp trên các tuyến đường để làm cơ sở cho công tác cải tạo, thay thế và phát triển cây xanh đường phố cũng như các khu vực công cộng khác. Việc kết hợp quy hoạch mảng xanh và chọn loài thích hợp không những đóng góp vào việc phát triển mỹ quan đô thị mà còn định hướng được chiều cao tối đa thích hợp cho một số tuyến đường phù hợp với cấu trúc hạ tầng”, ông Hoàng cho biết.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG