Đà Nẵng cuối tuần

Xanh hơn những con đường

06:13, 01/10/2023 (GMT+7)

Những con đường dọc, ngang thành phố bỗng một ngày trở thành nỗi nhớ bởi sắc lá, màu hoa hay niềm kỳ vọng về hàng cây rợp bóng. Ở Đà Nẵng, đã không còn nhiều những hàng cây cổ thụ, nhưng cũng không thiếu sự trẻ trung, tươi mới của tán lá non tơ đang vươn mình chờ nắng…

Màu lá xanh non tơ gây thương nhớ trên tuyến đường Như Nguyệt. Ảnh: T.Y
Màu lá xanh non tơ gây thương nhớ trên tuyến đường Như Nguyệt. Ảnh: T.Y

1. Những ngày nắng gắt, đi trên con đường Trần Phú (quận Hải Châu), có lẽ ai đó sẽ thầm cảm ơn những tán cây vươn cành che bóng, làm dịu bớt cái nóng đang trút xuống mặt đường. Nằm giữa trung tâm thành phố, Trần Phú là con đường hiếm hoi giữ được những gốc cây cổ thụ sau thời gian chỉnh trang đô thị diện rộng trên địa bàn.

Nhà văn Thái Bá Lợi, sống trong căn gác nhỏ trên đường Trần Phú, từng nói rằng những bóng cây lâu năm làm nên hồn cốt con đường này. Ở đó, sự kết nối hài hòa giữa kiến trúc, cây xanh tạo nên bức tranh vừa sinh động, vừa đáng quý. Ông nhớ những sáng đi bộ từ nhà đến đường Quang Trung cà phê cùng bạn văn, những gốc xà cừ cổ thụ góc đường Trần Phú - Quang Trung như vấn vít thêm bước chân ông tìm đến.

Những gốc xà cừ sần sùi, to 2 đến 3 người ôm tại ngã tư này đã chứng kiến bao câu chuyện đổi thay của thành phố. Theo nhà văn Thái Bá Lợi, quy luật của phát triển đô thị là xóa đi cái cũ để nhường chỗ cho cái mới, kể cả việc phải sắp xếp lại hệ thống cây xanh cho phù hợp với cảnh quan, không gian kiến trúc đô thị. Tuy nhiên, như bao người dân khác, ông từng xót xa khi nhìn thấy một cây xanh lâu năm vừa bị đốn hạ. Từng cảm thấy trống vắng khi con đường rợp bóng cây xanh bỗng một ngày ngổn ngang, trơ trụi. “Là người dân thành phố, tôi chỉ mong trong quá trình hoạch định chính sách, người làm công tác quy hoạch cần cố gắng bảo vệ hệ thống cây xanh sẵn có trên địa bàn. Bởi lẽ, trong tâm trí nhiều người, hàng cây xanh trên những con đường là ký ức, là tuổi thơ, là nơi che chở họ qua bao mùa mưa nắng và làm phong phú tinh thần đời sống thị dân”, ông nói.

Nằm cạnh đường Trần Phú, đường Phan Bội Châu được nhiều người nhắc đến như một “cung đường xanh”. Con đường rợp bóng cây xanh và luôn mát mẻ bởi hàng chục cây bàng tán rộng khi xanh mướt non tơ, khi đồng loạt hung vàng báo hiệu mùa thay lá...

Nhắc tên con đường Phan Bội Châu chạy ngang cổng nhà mình, bà Hoàng Thị Hạnh, giáo viên về hưu, không giấu được nụ cười hạnh phúc và ánh mắt lấp lánh niềm vui. Bà nói, không vui sao được khi mình sống giữa trung tâm thành phố nhưng vẫn cảm nhận bầu không khí mát mẻ, thanh tịnh mỗi ngày. Nhưng mọi thứ không tự nhiên mà có. Nó đến từ nỗ lực thay đổi cái chưa tốt để nhường chỗ cho cái tốt hơn của người dân đô thị. “Là người dân địa phương, tôi tự hào khi con đường đạt chuẩn văn minh đô thị. Cái “chuẩn” đó không chỉ đến từ hành vi, thái độ ứng xử của người dân qua lời ăn tiếng nói, qua xây dựng lối sống văn minh, mà còn thể hiện ở thái độ ứng xử đối với hệ thống cây xanh đô thị, bảo vệ môi trường sống”, bà Hạnh cho hay.

2. Với người dân Đà thành, mỗi con đường đều có vẻ đẹp riêng. Nếu đường Thăng Long, Lê Đức Thọ, Phạm Huy Thông, Như Nguyệt rợp bóng hoa lim xẹt thì những hàng phượng vĩ trên đường Lê Đại Hành, Hoàng Văn Thái gây thương nhớ bởi những chùm hoa “thắp lửa lên hai hàng”. Cũng có người, khi nhắc đến con đường bằng lăng tím, sẽ nghĩ ngay đến Phạm Cự Lượng hay Lê Đình Dương…

Vài năm trước, người Đà Nẵng từng đặt tên cho đoạn đường Võ Nguyên Giáp (đoạn đối diện tòa nhà Four Points by Sheraton Danang) là “con đường Hàn Quốc”. Bởi lẽ, giữa tiết trời lành lạnh ngày cuối năm, hàng cây sưa vàng trơ lá, nổi bật trên bãi cỏ xanh, tạo nên khung cảnh lãng mạn không kém gì xứ sở kim chi. Mỗi ngày, ngang qua đoạn đường này, đều dễ dàng nhìn thấy rất nhiều bạn trẻ đứng “check-in” dưới hàng cây với những cành, nhánh đan vào nhau tạo thành mái vòm đẹp mắt.

Trong khi nhiều loài hoa chỉ nở theo mùa thì sắc đỏ, tím, vàng, hồng, trắng của hoa giấy quanh năm điểm xuyến cho vẻ đẹp ở tuyến đường Hoàng Sa đoạn lên bán đảo Sơn Trà. Vào mùa hè, hoa giấy nở rộ dưới nền trời xanh, sau lưng là núi, trước mặt là biển khiến con đường càng trở nên thơ mộng. Hoa giấy thuộc dạng thân leo, cây mỏng manh nhưng có sức sống bền bỉ. Những năm gần đây, khi sắc hoa đã quyện vào thổ nhưỡng, người tìm đến chụp hình ngày càng đông.

Khi nhắc đến con đường này, Phó trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng Phan Minh Hải, khẳng định trong tương lai, con đường chắc chắn sẽ đẹp hơn nhờ 300 cây thàn mát vừa được Chi cục Kiểm lâm Sơn Trà trồng hồi đầu năm. Đến nay, cây đã cao hơn 1m, phát triển xanh tốt đoạn qua Hồ Xanh dẫn lên bán đảo. Theo ông Phan Minh Hải, khi thàn mát phát triển ổn định sẽ tạo ra con đường hoa đặc trưng đầu tiên của thành phố. Nếu chăm sóc tốt, khoảng 5 năm, cây có thể cao 4-5m và bắt đầu ra hoa.

Đây là loài cây bản địa của bán đảo Sơn Trà, cho hoa màu tím đẹp, được Trung tâm Công nghệ sinh học (Sở Khoa học và Công nghệ) khẳng định có thể trồng thay thế cho các loài cây khác tại công viên, đường phố, thân cao tối đa 6-10m, tán dày, ít sâu bệnh, cành dẻo, tạo bóng mát, có khả năng chống chịu mưa bão cũng như sinh trưởng nhanh, dễ nhân giống.

3. Từ năm 1975 tới nay, đường phố Đà Nẵng có nhiều thay đổi. Dẫu vẫn còn đâu đó những con đường cây xanh chưa đồng bộ về kích thước, chủng loại, ảnh hưởng đến vẻ đẹp phố phường. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận sự trẻ trung, tươi mới của những tán lá non tơ đang vươn mình chờ nắng…

Ông Lê Huy Hoàng, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây, mảng cây xanh đô thị luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cấp lãnh đạo thành phố, thông qua hàng loạt đề án, kế hoạch được nghiên cứu và triển khai. Đơn cử, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ đất cây xanh đô thị phải đạt khoảng 8,0 đến 9,0m2/người. Do đó, thời gian tới, tỷ lệ cây xanh chắc chắn tăng lên, đồng nghĩa với nhiều tuyến đường, hồ điều tiết, khu vực công cộng được trồng mới cây xanh.

Trong quá trình này, Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương liên quan nhằm hướng tới việc xây dựng hệ thống cây xanh đồng bộ, khoa học, đẹp mắt, hợp thổ nhưỡng và phát triển nhanh. Ví dụ, trong kế hoạch quản lý và phát triển hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn, Đà Nẵng tập trung đẩy mạnh đầu tư cảnh quan xung quanh hồ điều tiết, khu công nghiệp, cơ quan, trường học, công sở, bệnh viện, nhà ở, đồng thời tăng cường xã hội hóa cây xanh, khuyến khích doanh nghiệp, người dân cải thiện môi trường sống và cảnh quan đô thị.

Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cái khó hiện nay trong lĩnh vực quản lý, chăm sóc cây xanh đô thị là quá trình nâng cấp, cải tạo, phát triển hệ thống cây xanh cần thời gian và tâm huyết của nhiều ngành, nhiều cấp. Chưa kể, việc phân cấp quản lý cũng khiến cây xanh trên nhiều tuyến đường rơi vào tình trạng “bỏ quên” khi chủ đầu tư dự án - vì một lý do nào đó - chưa hoàn thành thủ tục bàn giao cho cơ quan chủ quản.

Ông Hoàng khuyến cáo, dù đưa ra bất kỳ giải pháp nào, thì việc phân cấp, cải tạo, trồng mới cây xanh hiện nay phải phù hợp với đặc tính thổ nhưỡng, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc công trình và vẻ đẹp cảnh quan. Để thành phố đẹp hơn, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu Sở Xây dựng tập trung đầu tư vườn hoa, vườn dạo nhỏ, góp phần tăng mảng xanh, cải thiện môi trường sống cho người dân trong khu vực.

Có thể nói, trong nhịp sống hiện đại, những cung đường đẹp giống như một món quà ý nghĩa dành cho những ai muốn tìm thấy sự thảnh thơi, tĩnh lặng giữa phố phường. Ở đó, nếu chậm lại một chút, ta dễ dàng nhìn thấy và thầm cảm ơn những đôi bàn tay luôn chăm chút để cây xanh trên đường phố mỗi ngày một đẹp hơn…

TIỂU YẾN

.