Đà Nẵng cuối tuần

CÂY TRONG THÀNH PHỐ

Phủ xanh mọi con phố

06:21, 01/10/2023 (GMT+7)

Một đô thị phát triển, có chất lượng sống tốt gắn liền nhiều yếu tố y tế, giáo dục, giao thông, cơ sở hạ tầng… Trong số đó, cây xanh là một trong những tiêu chí không thể thiếu. Việc chọn loại cây trồng phù hợp ở đô thị, hình thành các hành lang xanh và đạt tỷ lệ tiêu chuẩn cây xanh trên mỗi người dân sẽ giúp thành phố tiến dần đến đô thị loại 1 năm 2030 và đô thị loại đặc biệt năm 2045.

Hàng cây xanh cổ thụ rợp bóng mát trên tuyến đường Trần Phú Ảnh: H.V
Hàng cây xanh cổ thụ rợp bóng mát trên tuyến đường Trần Phú Ảnh: H.V

Hành lang xanh

Cây xanh giúp làm sạch môi trường, cải thiện chất lượng không khí, giảm khói bụi, làm đẹp thành phố và tạo nên bản sắc văn hóa vùng đất riêng biệt. Tuy nhiên, không phải loại cây nào cũng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất đó. Với lợi thế cây có sẵn và dễ tạo nên đặc trưng của thành phố giống như thành phố Hải Phòng nổi tiếng những con đường rợp bóng hoa phượng hay thành phố Hà Nội có hoa sữa, TS. Nguyễn Quyết, Trưởng phòng Khoa học Ứng dụng, Trung tâm Công nghệ sinh học (Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng) đã dày công nghiên cứu 27 loại cây từ thân gỗ, thảm hoa, cỏ ở rừng Sơn Trà về trồng trong thành phố. Sau gần 3 năm chọn lọc từ quá trình sàng lọc, lấy mẫu, nhân giống, trồng thử nghiệm, TS. Quyết chọn 4 loại cây được chuyên gia đánh giá rất tiềm năng, phù hợp điều kiện sống khắc nghiệt trong đô thị là thàn mát, găng cao, thành ngạnh và dành dành.

Đến nay, trung tâm đã trồng thực nghiệm 300 cây thàn mát, găng cao, thành ngạnh trên địa bàn quận Sơn Trà (đường Hoàng Sa, công viên Nại Hiên 4C, trường học, Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn). Thời gian tới, trung tâm sẽ trồng thêm 100 cây. Riêng cây dành dành thì tháng 10 sẽ trồng thử nghiệm vì lấy hạt chậm hơn 3 cây còn lại.

“Từ khi giâm hom rồi chăm sóc tôi xem mỗi cây như đứa con của mình. Nhớ những ngày lang thang ở Sơn Trà tìm loại cây phù hợp điều kiện sống trong đô thị là những ngày khó quên và hành trình đầy gian nan bởi mỗi cây có thời gian sinh trưởng hoàn toàn khác nhau. Phải mất thêm thời gian nghiên cứu để lấy giống cùng thời điểm cho 3 cây. Quá trình nhân giống vô cùng khó khăn hay một vài cây bị chết khi trồng thực nghiệm khiến tôi đôi lúc chùng lòng. Nhưng với quyết tâm tìm loại cây bóng mát phù hợp trồng trong thành phố cũng như tạo nên sự đặc trưng của địa phương, thu hút du khách trong nước và quốc tế, tôi và đội nghiên cứu thành công ngoài mong đợi khi cây trồng thử nghiệm phát triển tốt, tạo hiệu ứng xã hội tích cực”, TS. Nguyễn Quyết bày tỏ.

Để mang một loại cây trồng từ nơi này sang nơi khác, đó là một quá trình kỳ công nghiên cứu. Bởi việc chọn cây trồng trong đô thị buộc hội tụ đủ điều kiện danh mục cây xanh cho phép trồng của thành phố. Cây thàn mát, găng cao, thành ngạnh, dành dành có thể trồng ở ven sông, biển, đô thị như rễ chìm, tán rộng, không làm ảnh hưởng kết cấu đô thị, hoa không tạo mùi, quả không có gai, thân dẻo, phát triển nhanh, chống chịu gió bão tốt, sức sống mãnh liệt. Theo TS. Nguyễn Quyết, trong tương lai những loại cây này được trồng trong đô thị sẽ tạo cảnh quan xanh mướt, phủ xanh đô thị và từng bước nâng tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân cao hơn.

Thật vậy, để cây phát triển tốt thì việc trồng cây trong đô thị phải đáp ứng đủ điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, hạ tầng. Theo Quyết định số 2880/QĐ-UBND ngày 10-5-2016 (lần 2) có 25 loại cây xanh khuyến khích trồng, 39 loại hạn chế trồng và 9 loại cấm trồng. Danh mục cây xanh khuyến khích trồng, hạn chế làm hư hỏng công trình hạ tầng trên mặt đất, dưới mặt đất cũng như trên không như: lim xẹt, lộc vừng, bằng lăng tím, giáng hương, hoàng hậu… Cây hạn chế trồng như: bàng Đài Loan, bàng ta, bàng vuông… và các loại cấm trồng là cô ca cảnh, đùng đình, gòn, lòng mức các loại…

Ông Lê Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho hay, danh mục cây xanh là cơ sở để lập và thẩm định hồ sơ thiết kế hạng mục đồng bộ trồng cây xanh tại các dự án và định hướng trong công tác quản lý, trồng mới, kể cả công tác xã hội hóa phát triển cây xanh, thay thế cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, thời gian qua, một số loại cây thuộc nhóm cây xanh hạn chế trồng được trồng theo dõi cho thấy sự phù hợp và một số loài cây chủ lực thuộc nhóm khuyến khích trồng tăng mảng xanh, bộc lộ nhược điểm về hệ rễ, lá rụng ảnh hưởng vệ sinh môi trường, cành nhánh dễ gãy. Thời gian đến, Sở Xây dựng chọn lọc và điều chỉnh, tham mưu UBND thành phố ban hành danh mục cây xanh khuyến khích trồng, hạn chế trồng và cấm trồng trên đường phố thuộc địa bàn thành phố phù hợp hơn.

Định hướng thành phố xanh

Thành phố Đà Nẵng được ASEAN vinh danh là một trong 11 thành phố bền vững về môi trường của khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, việc chỉnh trang đô thị, cải tạo, trồng mới cây xanh, phân hóa đồng bộ cây xanh theo từng khu vực được thành phố từng bước đẩy mạnh. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 65.600 cây xanh bóng mát các loại, 529.945m2 thảm cỏ, 272.603m2 thảm hoa, hàng rào, 17.881 cây trổ hoa tạo hình trên các tuyến đường có lòng đường > 7,5m và các công trình cảnh quan, công viên, vườn hoa. Tuy nhiên, tỷ lệ cây xanh mỗi người dân ở thành phố vẫn còn thấp, tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân theo quy định của Bộ Xây dựng 12-15m2/người, các thành phố hiện đại trên thế giới là 20-25m2/người đặt ra nhiều vấn đề. Theo Quyết định số 3431/QĐ-UBND của UBND thành phố về việc điều chỉnh chương trình phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, lộ trình năm 2020-2025 phấn đấu đạt 5m2/người đất cây xanh công cộng khu vực nội thị và phấn đấu đạt 10m2/người đất cây xanh toàn đô thị. Từ năm 2025-2030, đạt 6m2/người đất cây xanh công cộng khu vực nội thị và đạt 15m2/người đất cây xanh toàn đô thị.

Chính vì thế, nhằm định hướng phát triển cây xanh trong đô thị thành phố Đà Nẵng, ông Lê Văn Tuấn cho biết, sở đang triển khai tổ chức lập “Đề án phát triển cây xanh đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030” theo Quyết định số 954/QĐ-UBND của thành phố. Thời gian đến, sở sẽ tập trung giải quyết các vấn đề về đột phá số lượng, độ che phủ, chỉ tiêu cây xanh bình quân đầu người (8,9m2/người vào năm 2030), xây dựng bài bản trong quy hoạch - thiết kế cây xanh đô thị Đà Nẵng, đặc trưng cảnh quan xanh đối với từng phân khu cũng như định hình được các loại cây xanh đặc thù, tạo nên dấu ấn, bản sắc trên các tuyến phố. Trước mắt, Sở Xây dựng dồn mọi nguồn lực nghiên cứu triển khai việc cải tạo, chỉnh trang cây xanh một số tuyến đường khu vực trung tâm, tập trung các dự án cải tạo, nâng cấp cảnh quan hai bên bờ sông Hàn nhằm tạo điểm nhấn, phục vụ phát triển du lịch, hướng đến phát triển đô thị xanh.

HUỲNH VŨ

.