Đà Nẵng cuối tuần
Những đóa hoa mùa xuân của tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ
Kể từ ngày thành lập năm 2014, Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Đà Nẵng (VIFAD) tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa, góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Việc xuất bản tập thơ song ngữ “Những đóa hoa mùa xuân” đã góp thêm một nhịp cầu vun đắp “vườn hoa hữu nghị” Việt Nam - Ấn Độ vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì hòa bình, đoàn kết giữa các dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru tại Phủ Chủ tịch, ngày 17-10-1954. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III |
Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ có lịch sử hơn 2.000 năm, khởi đầu từ khi các thương nhân cùng các giáo sĩ Phật giáo Ấn Độ đầu tiên đặt chân đến Việt Nam thực hiện các sứ mệnh hòa bình. Theo ghi chép còn truyền lại, Trung tâm Phật giáo cổ Luy Lâu ở Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay là nơi đầu tiên Phật giáo từ Ấn Độ truyền bá sang nước ta vào thế kỷ thứ II sau công nguyên. Còn ở miền Trung, miền Nam, những ngôi chùa tháp Ấn Độ giáo (Hindu giáo) xây dựng từ thế kỷ thứ IV là minh chứng mạnh mẽ cho sự tiếp biến và giao lưu văn hóa giữa hai nước. Thánh địa Mỹ Sơn tại Quảng Nam được coi là một trong những trung tâm đền đài Hindu chính ở Đông Nam Á và là di sản duy nhất loại này ở Việt Nam.
Tư liệu lịch sử cho biết, năm 1927, hai nhà hoạt động quốc tế nổi tiếng của Việt Nam là Nguyễn Ái Quốc và Motilal Nehru của Ấn Độ gặp nhau và trao đổi cởi mở trong thời gian tham dự hội nghị quốc tế chống đế quốc ở thủ đô Brussels, Bỉ. Từ trước đó, Nguyễn Ái Quốc theo dõi sát sao và viết nhiều bài báo về phong trào cách mạng ở Ấn Độ. Sau khi hai nước giành được độc lập (năm 1945 và 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawarharlal Nerhu, con trai cụ Motilal Nehru đã trở thành những người bạn thân thiết và đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước. Thủ tướng Jawarharlal Nehru trở thành chính khách nước ngoài đầu tiên đến thăm Việt Nam tháng 10-1954, đúng 5 tháng sau Chiến thắng Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện chuyến thăm lịch sử cấp nhà nước tại Ấn Độ tháng 2-1958, được các nhà lãnh đạo và nhân dân Ấn Độ đón tiếp nồng nhiệt. Đó là những bước đi hướng tới việc thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa hai nước vào ngày 7-1-1972, thời điểm đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Quan hệ giữa hai nước ghi đậm dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawarharlal Nehru, nhưng quan hệ mang tính nền tảng giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mahatma Gandhi đã vạch ra và lãnh đạo thành công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Tập thơ song ngữ “Những đóa hoa mùa xuân” tập hợp những tác phẩm của các tác giả Đà Nẵng và Ấn Độ. |
Tập thơ song ngữ “Những đóa hoa mùa xuân” tập hợp những tác phẩm của các tác giả Đà Nẵng và Ấn Độ đã phần nào khắc họa được sự đồng điệu về tình cảm, tình yêu thiên nhiên, tình yêu hòa bình, lòng nhân hậu của các tác giả hai nước. Nhà thơ Thái Huyền (Hòa thượng Thích Huệ Vinh) mang hồn thơ của người thoát tục, dẫn dắt người đọc vào cõi Phật từ bi. Thơ của nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Nam cũng như Đà Nẵng nơi anh sống. Nhà thơ Trần Phương Kỳ - nhà lịch sử Nghệ thuật Chăm và nghệ thuật Phật giáo Đông Nam Á - đã sáng tác những vần thơ đẹp về những tượng đài, những biểu tượng tình yêu của văn hóa Ấn Độ. Các nhà thơ Mai Hữu Phước, Bùi Xuân xuất hiện với những bài thơ, đoạn văn ngắn vừa chân thực vừa lãng mạn về cuộc sống, về mùa xuân đậm triết lý nhân hậu về con người, về miền sông nước miền Trung với bóng tre, bóng nắng gợi cảm, gợi tình.
Những bài thơ đậm nét văn hóa Ấn Độ của các đại thi hào Ấn Độ Kabir (thế kỷ XV) và Rabindranath Tage (1861-1941) - người đoạt giải Nobel văn học năm 1913, mang ý nghĩa triết lý rất sâu sắc về thế giới, về con người, buộc chúng ta phải vừa đọc vừa suy ngẫm. Phần thơ song ngữ của 7 nhà thơ Ấn Độ còn bao gồm tác phẩm của các nhà thơ “trẻ”, viết về cuộc sống, về cái chết, về sự cô đơn, những thành tố rất tự nhiên của cuộc sống hôm nay. Họ lý giải cuộc sống theo cách rất Ấn Độ.
Trong tập thơ có một tác giả nữ tên Pravamayee Samataray - nhà giáo dục, nhà thơ, họa sĩ, đồng thời là Thư ký của Ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam, người đã sang Việt Nam nhiều lần. Gặp chị ai cũng nhận thấy tình yêu sâu đậm của chị dành cho đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mà chị vô cùng ngưỡng mộ. Bài thơ ngắn của chị mang tên Hope - Hy vọng rất ấn tượng, chị dùng hình ảnh ngọn đèn để thể hiện niềm tin vào tương lai trước cuộc đời đầy giông tố: “Hy vọng tựa ngọn đèn/ Hằng ngày đương đầu với bão giông/ Dù nguy cơ tắt lịm tới gần/ Vẫn tỏa sáng lung linh/ Bởi ngay trước khi tàn lụi/ Vẫn lóe lên sáng bừng/ Đó chính là sức mạnh/ Cho khởi đầu mới quang vinh”.
HÀ MINH HUỆ