Đà Nẵng cuối tuần

Về tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh

16:50, 18/05/2024 (GMT+7)

* Tôi nghe nói tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh có từ rất lâu chứ không phải chỉ mới có sau năm 1975. Xin quý báo cho biết rõ hơn về điều này. (Trần Mỹ Chánh, quận Hải Châu, Đà Nẵng).

- Trong bài thơ "Ta đi tới" của nhà thơ Tố Hữu in trong tập Việt Bắc năm 1954 có đoạn: "Ai đi Nam Bộ/ Tiền Giang, Hậu Giang/ Ai vô Thành phố Hồ Chí Minh/ Rực rỡ tên vàng". Điều này cho thấy tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh đã có từ năm 1954 hoặc trước đó.

Bài viết "Tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh có từ khi nào?" đăng trên Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam (lsvn.vn) đã dẫn lời tường thuật của nhà báo Đinh Phong (nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam), tại kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa I diễn ra từ ngày 2-3-1946, “Huỳnh Văn Tiểng đã thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội Sài Gòn - Chợ Lớn đề nghị Quốc hội cho phép thành phố Sài Gòn được mang tên Thành phố Hồ Chí Minh”.

Trang nhất Báo Cứu Quốc ngày thứ Ba, 27-8-1946. Ảnh tư liệu
Trang nhất Báo Cứu Quốc ngày thứ Ba, 27-8-1946. Ảnh tư liệu

Báo Cứu Quốc, số ra ngày 27-8-1946, in trên trang 1 và tiếp theo ở trang 4, đã nêu việc đổi tên này qua tít đề thành phố Sài Gòn từ nay sẽ đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, ngày 25-8-1946, có một cuộc họp gồm những người đại diện nhân dân miền Nam tại “Phòng Nam bộ trung ương, đường Gia Định”, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp kể đến công đức của Hồ Chủ tịch, người chiến sĩ tiên phong của phong trào giải phóng dân tộc, vị đại anh hùng của dân chúng Việt Nam. Bác sĩ Nghiệp đề nghị, để ghi lấy công đức của Hồ Chủ tịch, thành phố Sài Gòn đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh. Mọi người tán thành đề nghị của bác sĩ Nghiệp và đồng ký vào bản quyết nghị thay tên thành phố Sài Gòn gửi lên Chính phủ.

Trong cuốn 23-9, xuất bản năm 1950, không có tên tác giả, chỉ đề “Việt Nam Thông tấn phát hành, 1950”, có nêu ngay đoạn đầu: “Hôm nay, cách đây đúng năm năm, cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam bắt đầu. Bắt đầu ở Nam Bộ, phần đất xinh tươi của Tổ quốc mà Cụ Chủ tịch đã gọi là “thịt của thịt chúng ta, máu của máu chúng ta”. Bắt đầu ở Sài Gòn - Chợ Lớn, đô thành lớn nhất ở Việt Nam mà đồng bào Nam bộ đã xin cải tên lại là “Thành phố Hồ Chí Minh” vừa để cảm ơn người chí sĩ đã sáng lập nền dân chủ cộng hòa, vừa để tiêu biểu ý chí quật cường, lòng dạ quyết thắng của bao triệu dân theo gót của vị anh hùng dân tộc”.

Có thể khẳng định rằng, ý tưởng đổi tên Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh đến từ đồng bào Nam Bộ. Đề nghị này đã chưa thể thành hiện thực ngay được, mãi cho đến ngày thống nhất đất nước. Ngày 2-7-1976, kỳ họp thứ I Quốc hội khóa VI chính thức thông qua Nghị quyết đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh cùng với Nghị quyết thống nhất đặt tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nói thêm, về thành phố mang tên Bác, phải viết “Thành phố Hồ Chí Minh” (Thành viết hoa) mới đúng quy định. Ngày 19-1-2011, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 01/2011/TT-BNV hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính. Đặc biệt, Thông tư quy định khá chi tiết về viết hoa trong văn bản hành chính tại Phụ lục VI.

Cụ thể, Điểm b, Mục 1 (tên địa lý Việt Nam), Khoản III (viết hoa tên địa lý) của Phụ lục VI quy định: “Trường hợp tên đơn vị hành chính được cấu tạo giữa danh từ chung kết hợp với chữ số, tên người, tên sự kiện lịch sử: Viết hoa cả danh từ chung chỉ đơn vị hành chính đó. Ví dụ: Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Phường Điện Biên Phủ…”.

ĐNCT

.