Đà Nẵng cuối tuần

Người khai khoa của huyện Lễ Dương

16:49, 18/05/2024 (GMT+7)

Quốc Sử quán triều Nguyễn đã dành những lời tốt đẹp khi đánh giá về ông Doãn Văn Xuân: “Xuân vi nhân thuần cẩn, dữ vật vô cạnh, nhân phục kỳ lượng…”. “Doãn Văn Xuân sống cẩn trọng, hiền lương; không hề biết bon chen cạnh tranh; tấm lòng và tư cách của ông được mọi người mến phục…”. Ông được triều đình nhà Nguyễn truy tặng hàm Thị lang Bộ Lễ vào năm Thiệu Trị thứ 3 (1843).

Toàn cảnh mộ Hương cống Doãn Văn Xuân (ảnh trái) và nhà bia trước mộ của ông. Ảnh: A.T
Toàn cảnh mộ Hương cống Doãn Văn Xuân (ảnh trái) và nhà bia trước mộ của ông. Ảnh: A.T

Hai người đỗ đạt đầu tiên ở huyện Lễ Dương

Ông Doãn Văn Xuân (chưa rõ năm sinh) là người xã Quảng Phú, tổng Hưng Thịnh Hạ, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa (nay là phường An Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Sách Quốc triều Hương khoa lục ghi chép về khoa thi Kỷ Mão, năm Gia Long thứ 18 (1819) tại trường thi Trực Lệ (sau đổi là trường thi Thừa Thiên) cho biết: khoa thi có 17 người đỗ, trong đó Quảng Nam có 4 vị là: Nguyễn Văn Điển (Điện Bàn), Nguyễn Văn Thành (Hòa Vang), Nguyễn Văn Hải (Duy Xuyên) và Doãn Văn Xuân (Lễ Dương).

Phần ghi về Doãn Văn Xuân hết sức ngắn gọn: Doãn Văn Xuân, người xã Quảng Phú, huyện Lễ Dương. Với tỉnh Quảng Nam, ông thuộc lớp khoa bảng thứ hai, nhưng đối với huyện Lễ Dương và khu vực Nam Quảng Nam thì ông là người khai khoa. Văn bia “Lễ Dương huyện khoa hoạn bi chí” được khắc lần đầu vào năm Thành Thái thứ 8 (1896) có ghi: “Khoa thi năm Kỷ Mão, niên hiệu Gia Long thứ 18 (1819) Hương cống Doãn Văn Xuân, là người xã Quảng Phú, tổng Hưng Thịnh hạ, làm Án sát sứ Định Tường, được tặng Thị lang Bộ Lễ; là người đỗ Hương cống đầu tiên của huyện nhà”.

Đặc biệt, Doãn Văn Xuân có người anh trai là Doãn Văn Đỗ cũng là người đỗ Sinh đồ đầu tiên của huyện Lễ Dương. Văn bia “Lễ Dương huyện khoa hoạn bi chí” chép: “Khoa thi năm Quý Dậu, niên hiệu Hoàng triều Gia Long năm thứ 12 (1813). Sinh đồ Doãn Văn Đỗ, người xã Quảng Phú, tổng Hưng Thịnh hạ, anh của Văn Xuân. Người đầu tiên đỗ Sinh đồ của huyện”.

Như vậy, cả hai anh em họ Doãn đều được vinh danh là những người đỗ đạt đầu tiên của huyện Lễ Dương. Ông Doãn Văn Đỗ là người đỗ Sinh đồ (từ năm 1828 đổi thành Tú tài). Ông Doãn Văn Xuân là người đỗ Hương cống (từ năm 1828 đổi thành Cử nhân).

Những đóng góp dưới triều Nguyễn

Sau khi đỗ Hương cống, ông Doãn Văn Xuân được bổ làm Hành tẩu ở Bộ Lễ; sau làm Giáo đạo chuyên việc dạy học cho các hoàng tử con vua Minh Mạng. Ở cương vị giúp các hoàng tử đọc sách kiêm việc giúp đỡ cho các hoàng tử trong việc ứng xử, ông được sử nhà Nguyễn ghi là người “có học hạnh thuần cẩn” và được xem là người Quảng Nam đầu tiên giữ cương vị này. Một thời gian sau, Doãn Văn Xuân được bổ Hàn lâm viện Tu soạn, sung chức Thị độc, rồi Lang trung Bộ Lễ.

Năm 1831, ông được đổi ra Bắc giữ chức Tham hiệp tỉnh Cao Bằng, rồi Lạng Sơn; sau thăng Án sát sứ các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Yên. Khi làm Án sát Quảng Yên, do bị liên đới trong vụ lơ là, thiếu trách nhiệm khi để 30 chiếc thuyền công bị hư hỏng, mục nát nên ông bị giáng chức vào năm 1834. Năm 1835, ông được phục chức và được triều đình điều về Kinh giữ chức Viên ngoại lang Bộ Lại; rồi chuyển vào làm việc tại Trấn Tây Thành (Cao Miên). Đến tháng 7-1835, được thăng Án sát sứ tỉnh Định Tường (một trong 6 tỉnh thuộc Nam Kỳ xưa, được thành lập năm 1832 thời vua Minh Mạng, nay là tỉnh Tiền Giang).

Sắc thăng Án sát sứ tỉnh Định Tường có đóng ấn “Sắc mệnh chi bửu” của vua Minh Mạng ban cho ông vào ngày 24-7-1836 (năm Minh Mạng thứ 17) có đoạn (dịch nghĩa): “… Xét nhà ngươi là Doãn Văn Xuân, nguyên tạm giữ chức Lương Trừ đạo ở thành Trấn Tây vốn xuất thân dòng dõi nho gia có tiếng trong quan trường là người mưu lược, có khả năng đảm đương công việc, có đạo đức; có tài làm việc nước; thanh liêm, cẩn thận, siêng năng; đạt đến khuôn phép của kẻ làm quan, sự mẫn cán ấy đã được xác nhận, đáng được ghi danh trong sổ sách của triều đình.

Nay đặc biệt thăng hàm Trung Thuận đại phu, cho giữ chức Án sát sứ tại Ty Đề hình án sát tỉnh Định Tường với trật Chánh tứ phẩm.

Mệnh này đã ban ra, hãy hết sức vâng theo! Hãy hết sức giúp việc dân theo khuôn phép của triều đình; sao cho mọi việc nơi trị nhậm được bội phần tốt đẹp!”.

Đến tháng 11-1836, ông bị bệnh rồi qua đời tại nhiệm sở. Thi hài của ông được đưa về an táng tại ấp Phú Phong, xã Quảng Phú, tổng Hưng Thịnh hạ; khoảng những năm 1940, được di dời về rừng Lăng - làng Quảng Phú, phủ Hà Đông, ở vị trí như hiện nay.

7 năm sau khi mất, ông được triều đình truy tặng hàm Thị lang Bộ Lễ. Cuộc đời và sự nghiệp của ông đã được sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi ở trang 344: “Doãn Văn Xuân: người huyện Hà Đông, đỗ hương tiến năm Gia Long thứ 18, năm Minh mệnh thứ 2 bổ Hàn lâm viện tu soạn sung chức Thị độc của hoàng tử, rồi chức Tán thiện, rồi sung Lang trung Bộ Lễ; từng làm Án sát sứ Bắc Ninh và Quảng Yên, phải tội mất chức, sau được khôi phục bổ Lang trung đạo Lương trừ Trấn Tây, ít lâu đổi chức Án sát Định Tường rồi chết. Năm Thiệu Trị thứ 3 truy tặng Thị lang Bộ Lễ”.

Mộ của người khai khoa huyện Lễ Dương hiện tọa lạc trên một gò đất tại nghĩa trang khối phố Phú Sơn, phường An Phú, thành phố Tam Kỳ, đã được gia đình và tộc họ trùng tu khang trang với diện tích 56,5m2 vào tháng 7-2023; được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích cấp tỉnh vào ngày 24-11-2023.

Tại nhà thờ tộc Doãn hiện còn lưu giữ nhiều sắc phong, tư liệu quý có từ thời các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị liên quan đến Thị lang Bộ Lễ Doãn Văn Xuân.

AN TRƯỜNG

.