Làng nghề Phú Mỹ vốn được gọi với cái tên là “làng thúng chai”. Hình thành từ nghiệp đi biển của người dân Phú Yên, nghề đan thúng chai Phú Mỹ đã tồn tại hơn 100 năm tại xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Thúng chai Phú Mỹ được làm bởi tre mỡ, khai thác bên dòng sông Nhân Mỹ. Loại tre này chịu nước rất tốt, có độ dẻo cao và không bị giòn gãy khi phơi khô. Một chiếc thúng chai thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn: vót nan, đan, lận vành, nức vành, trét dầu… Sự chắc bền và kỹ thuật đan thuyền thúng độc đáo đã giúp sản phẩm nơi đây không chỉ nổi tiếng ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu thế giới.
Đà Nẵng cuối tuần mời bạn đọc cùng tìm hiểu về quá trình tạo nên thuyền thúng đầy độc đáo của Phú Mỹ qua chùm ảnh của tác giả Mộc Nhiên (Đà Nẵng).
|
Làng nghề Phú Mỹ không tạo hình thuyền thúng trên cạn (đóng trụ trên mặt đất) mà tạo hình dưới một cái hố. Khi lận vành thúng, người thợ đào hầm đất làm khuôn rồi lận nguyên tấm mê đã đan xong xuống hầm, bảo đảm chiếc thúng sau khi lận cả vòng thúng và vành phải tròn đều, cân bằng, thẩm mỹ. Sau lận là dùng dây cước nức vành. |
|
Dùng dùi đục với lưỡi chạm gõ các nan tre khít với nhau khi đan mê để thúng không vô nước, bền đẹp. |
|
Lận thúng chai trong hầm đất, nức vành, là công đoạn khó, quyết định độ chắc chắn cũng như thẩm mỹ của thúng chai nên thường do nam giới có sức khỏe, kinh nghiệm và kỹ năng đảm nhận. |
|
Công đoạn tiếp theo là trét phân bò đều vào từng kẽ nan, phơi khô rồi quét dầu rái để chống thấm. |
|
Nghề đan thúng chai đòi hỏi người thợ phải khéo léo trong từng khâu. Thúng chai được người dân sử dụng để đánh bắt hải sản gần bờ như lặn sò, câu mực, kéo lưới... |
|
Chiếc thuyền thúng không chỉ là phương tiện mưu sinh mà còn là vật dụng gửi gắm bao thương nhớ của ngư dân. |
|
Mẫu mã đẹp và chất lượng tốt nên thúng chai Phú Mỹ được ngư dân khắp cả nước ưa chuộng. |
Hãy gửi cho chúng tôi những tác phẩm mà các bạn yêu thích. Địa chỉ: maichimai2611@gmail.com