Đà Nẵng cuối tuần

Chuyến về ký ức

16:53, 18/05/2024 (GMT+7)

Khi đứng xếp hàng, An bất ngờ bởi trước mặt là chàng trai trẻ mặc chiếc áo quen thuộc mình vừa thấy ban sáng. Có lẽ chàng trai ấy không biết, hoặc chẳng để ý đến An. Trông muôn ngàn chiếc áo thun đỏ in hình ngôi sao vàng đang ngay ngắn xếp hàng thì duy chỉ có chiếc áo chàng trai trẻ này là phía ngực áo in hình một người đàn ông đã già trong bộ quân phục xanh. An chú ý chàng trai từ hồi ở chung khách sạn, đến lúc gặp nhau tại cổng kiểm tra và bây giờ là ngay trước mặt mình. Chàng trai choàng chiếc khăn rằn, tóc hớt cao, lóng ngóng ngó về phía trước chờ đến lượt mình. An cũng bất giác sờ lên túi áo mình. Trong đó, tấm hình cũ ố vàng như cũng khấp khởi đợi chờ cuộc hội ngộ. An buột miệng hỏi đấy có phải là hình của một ông cựu chiến binh không? Chàng trai trẻ quay lại nhìn An. Ánh nhìn từ ngỡ ngàng bắt đầu loang dần sang một vùng xa xăm vô định.Tháng Năm nắng ruộm vàng phố. Gió lộng những tán cây lào xào. Hàng dài người vẫn đợi chờ được vào bên trong.

***

15 tuổi ông từ Kinh Chắc Băng leo lên chuyến tàu Ba Lan rồi cập bến Sầm Sơn. Đó là những năm 1955 sau Hiệp định Genève. Chuyến hải trình 3 ngày 3 đêm đưa ông rời xa bưng biền Nam Bộ để tập kết theo sự điều động. Trong ký ức của những ngày lẩn thẩn tuổi 80, ông có thể quên tên những đứa cháu, thậm chí quên luôn bữa ăn nhưng dọc dài năm tháng chiến đấu, duy nhất một người ông không bao giờ quên. Cậu trai trẻ chỉ vào hình ngay ngực áo mình rồi kể. Bằng giọng miền Nam rặt, gương mặt chất phác và nụ cười dễ gần khiến An chăm chú nghe. Cậu trai trẻ vừa xong phần thi tốt nghiệp đại học là đón chuyến tàu lửa Bắc - Nam để đi dọc đất nước. Điểm cuối cùng mà cậu muốn đến chính là nơi đây. Cậu muốn ông mình được nhìn thấy lại người mà cả đời ông luôn kính trọng.

Minh họa: TLAThu
Minh họa: TLAThu

Ông được biên chế về Sư đoàn 1, Trung đoàn 330, đóng tại Thọ Xuân, Thanh Hóa. Đó là những ngày tháng đầu đời của ông khi sống xa gia đình. Nhưng, thời ấy, bom đạn giày xéo ì đùng khắp miệt Cửu Long, nên với ông, đi là để có ngày trở về cho niềm vui trọn vẹn núi sông. Đến năm 1960 ông được cử đi học Trường Sĩ quan Pháo binh ở Sơn Tây, một ký ức đầy tự hào của ông, bởi đó là khóa học pháo binh đầu tiên của nước ta. Cũng nhờ đó mà ông được chọn diễn tập cho cuộc tổng duyệt binh kỷ niệm 15 năm ngày Thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong ánh mắt xa xăm của chàng trai trẻ dường như sống lại một vùng trời ký ức đầy tự hào của người ông mình.

An vẫn đứng lắng nghe. Giọng kể vẫn đều đều cho đến khi chàng trai người miền Nam im bặt một lúc rồi quay sang nhìn An bằng ánh mắt ngạc nhiên cho câu hỏi vì sao An đến đây. Một người miền Trung, giọng nói trọ trẹ, em đoán chắc là giọng Quảng. An khẽ gật gù bảo mình từ Đà Nẵng, nhưng đúng ra thì gốc là dân Duy Xuyên của Quảng Nam, chỉ là cha mẹ ra Đà Nẵng lập nghiệp và An sinh ra, lớn lên tại thành phố biển này.

Câu chuyện chỉ vừa kịp lấp lửng thì dòng người đã bắt đầu di chuyển. An sờ tay lên túi áo mình. Tim An bắt đầu đập liên hồi.

***

Hôm An quyết định sẽ đi, mẹ chỉ cười nhẹ rồi bảo An làm việc mà cả đời mẹ chưa từng làm. Mẹ nợ ngoại mãi điều ấy cho đến ngày ông nằm xuống. Bây giờ mẹ cũng chẳng còn sức để đi. Thì thôi An đi và xem như giúp ngoại toại nguyện. Mẹ chẳng tiễn An ra ga được, trong cơn ho húng hắng mẹ bảo An lần đầu đi xa phải cẩn thận. An quảy ba lô lên và cầm theo cuốn nhật ký của ngoại. Đêm đó chuyến tàu vừa rời ga Đà Nẵng, An lại một lần nữa lật từng trang giấy cũ kỹ. Hình ảnh ngoại hiện lên qua từng con chữ nhạt nhòa.

Từ đường bộ, ngoại băng rừng lội sông để về Bình Định, chuyến tàu cuối của đợt tập kết, năm đó ngoại vừa tròn 19 tuổi. Hiệp định vừa ký, nhưng Mỹ, Diệm vẫn rải mưa bom và lùng sục khủng bố tàn khốc. Ngay cả chuyến đi băng rừng ấy, 5 người chẳng thể kịp đến bến tàu. Ký ức có đau thương nhưng vẫn được nén gọn vào những ước mơ. Ngoại đến đất mới và bắt đầu học tập. Sau khi được cử đi học làm lương khô thì những thỏi lương khô hoàn toàn từ tay của chiến sĩ miền Bắc đã kịp chi viện cho chiến trường miền Nam. Đó là những năm tháng hào hùng đầy kỷ niệm.

Trong cuốn nhật ký, ngoại ghi lại một kỷ niệm khiến ông hạnh phúc nhất đời quân nhân đó chính là lần Bác bất ngờ xuất hiện sau lưng các chiến sĩ. Năm 1962, ngoại gặp Bác ở Nghệ An, khi Bác ghé thăm đơn vị. Các chiến sĩ trẻ háo hức xếp hàng ngoài cửa để đợi mà mãi hơn mười lăm phút trôi qua chẳng thấy Bác đâu. Lúc nghe tiếng bước chân và tiếng ho phía sau lưng mình, các chiến sĩ quay lại đã thấy Bác đứng đó với giọng trầm ấm vang đều. Hóa ra Bác âm thầm đi vào cửa sau để kiểm tra nhà bếp. Bác muốn tận mắt thấy được sự chu toàn cho ăn uống của các chiến sĩ. Đó là lần ngoại được tiếp xúc ở một cự ly gần với Bác. Trong ký ức ghi vào trang nhật ký này, ngoại nắn nót dòng chữ “Bác cười rất đẹp”. Ngộ là dòng chữ đó, mấy mươi năm vẫn vẹn nguyên, không nhòe đi hay bị ố vàng. Nét bút mực tím vẫn in vào trang giấy. Trang giấy có vàng phai màu thời gian, nhưng dòng chữ vẫn thẳng hàng và tròn trịa.

Nhưng với ngoại, điều khiến ngoại luôn chẳng thể nào quên là 9 hạt mít và một gói hạt rau dền Bác tặng cho các chiến sĩ hôm ngoại đang tập trung ở sân bay Gia Lâm chờ chuyến về lại miền Nam chiến đấu. Gói quà Bác tặng cho các chiến sĩ khiến ai cũng ngỡ ngàng cùng lời dặn phải rải dọc các đường rừng của miền Nam. Những chiến sĩ trẻ ban đầu chưa hiểu, nhưng vẫn cứ làm thế. Mãi sau này, khi chiến trường khốc liệt, dai dẳng thì mới nhớ ánh mắt trầm tư của Bác với lời dặn chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm, hoặc lâu hơn nữa. Hạt mầm Bác gieo ngay vào lòng các chiến sĩ một sự kiên trung.

An đọc đến trang nhật ký này, vén rèm cửa sổ của toa tàu ra, bắt gặp ngay ánh trăng tròn vằng vặc giữa nền trời đêm. Tàu vẫn chạy về phía trước.

***

Khi dòng người lặng lẽ rời khỏi Lăng, An kịp mời chàng trai trẻ người miền Nam ghé quán cà phê nằm trên con phố gần đó. Quán cà phê có cây đại đang mùa ra bông trắng muốt. Trong tiếng nhạc dập dìu của những tình khúc Phú Quang, Hà Nội hiện lên thật gần gũi. Cả hai là lần đầu tiên đến với mảnh đất này. Cùng một mục đích và cùng một nỗi niềm. Nhưng An tin, trong ngàn người sáng nay vào Lăng, luôn có những câu chuyện về niềm kính yêu nào đó tận trái tim mình.

Chàng trai trẻ ánh mắt đỏ hoe. An ngồi đối diện và nhìn sâu vào trong đôi mắt ấy. Một đôi mắt biết nói. Một đôi mắt đen đầy cảm xúc. Ông của em được gặp Bác một lần đấy. Dù chỉ ngắn ngủi 10 phút nhưng đó là ký ức in hằn trong trí nhớ của ông. Mãi sau này khi ông thều thào hơi thở cuối cùng vẫn là câu nói ông đi gặp Bác. Ký ức đó, những cháu con sau này ông đều kể. Có lúc ông quản tưởng mình chưa kể, thế là ông kể lại. Đó là những ngày cuối tháng 8 của năm 1960, khi đang nghỉ ngơi sau buổi tập luyện diễu binh thì Bác ghé thăm. Ông chào Bác thì Bác tiến lại gần và hỏi ông có phải người miền Nam. Ông gật đầu, Bác đứng lặng hồi lâu rồi vuốt tóc ông nhẹ nhàng bảo ông ráng tập luyện tốt, cố gắng học tập, miền Nam sau này sẽ do chính các cháu chiến đấu thống nhất. Chỉ một câu nói động viên mà ông bật khóc như trẻ nhớ nhà. Ông thấy trong lòng mình trỗi dậy một khát khao thống nhất mạnh mẽ hơn bất cứ lúc nào. Ông sẽ về, sẽ chiến đấu vì miền Nam của mình.

Chàng trai trẻ nhấp một ngụm nước lá vối nóng từ quán cà phê vẫn giữ nét thanh lịch xưa cũ của Hà thành. Câu chuyện của chàng trai trẻ dắt hai con người lần đầu chạm đất thủ đô đi quá nửa buổi trưa mà chẳng dứt. Cuộc hạnh ngộ lần này với chàng trai miền Nam khiến An hiểu hơn lòng của ngoại dành cho người mình kính yêu suốt cuộc đời.

Hai người trẻ sinh ra và lớn lên khi bom đạn đã không còn cày xới mảnh đất hình chữ S này. Hai người trẻ vẫn mang trong tâm khảm mình những câu chuyện của hai người ông. Và rồi họ cùng chọn những chuyến tàu lửa để nối liền hành trình đi theo ký ức của ông, chọn điểm dừng cuối cùng là đưa ông về gặp lại Bác.

An biết một điều, trăm ngàn năm nữa, sẽ luôn có những hàng dài người xếp hàng vào Lăng. Lớp lớp thế hệ tiếp nối vẫn luôn ấp ủ trong lòng mình những câu chuyện của cha ông. Từ quán cà phê nhìn ra quảng trường, nắng chiếu thẳng đứng, mặt trời rực rỡ đẹp vô cùng.

***

An chủ động mời chàng trai trẻ cùng mình đi một chuyến. Một chuyến ghé về Đà Nẵng bởi An tin duyên hạnh ngộ và những câu chuyện của hai người ông đã kết nối cho An một tình bạn. Chí ít, với An, mọi sự gặp gỡ biết đâu là sự sắp xếp nào đó của cuộc đời mà phải thêm nhiều quãng sống nữa chúng ta mới thấu hiểu. Nếu không có những câu chuyện ký ức, không có chuyến đi này, An sẽ không có được trọn vẹn xúc cảm mà câu chữ trong trang nhật ký của ngoại để lại.

Khi An ngõ lời mời, chàng trai trẻ tên Huy đến từ Long An đã gật đầu. Huy nhoẻn miệng cười, biết đâu ông em và ngoại anh đã từng chung đơn vị chiến đấu đấy. Cả hai lại phá lên cười. Chuyến tàu đêm hôm sau rời ga Hà Nội, hướng về ga Đà Nẵng. Trong tiếng bánh lăn, có tiếng rì rầm kể chuyện về ông mình cho nhau nghe của hai chàng trai trẻ. Đêm rất sâu và lòng người rất đầy.

TỐNG PHƯỚC BẢO

.