Đà Nẵng cuối tuần

Lặng lẽ tỏa hương từ lòng núi

16:51, 18/05/2024 (GMT+7)

Sự bao dung của núi rừng Đông Bắc tươi đẹp, với những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào miền núi đã ấp ủ trong nhà thơ trẻ Phùng Thị Hương Ly những men say. Để rồi chính điều đó tạo nên dấu ấn và sức hấp dẫn trong sáng tác của chị. Có thể nói tiếp nối tập thơ đầu tay "Đi qua tôi thật chậm" (2013), "Dưới vòm hoa đại khải" được NXB Hội Nhà văn ấn hành cuối năm 2023 thêm một lần nữa đã khẳng định được hương sắc ấy trong thơ chị.

Chính chị chia sẻ: "Thơ cho cảm xúc phong phú và cuộc sống thú vị hơn, có góc nhìn đa chiều". Khoảng thời gian mười năm kể từ ngày ra mắt tập thơ đầu tay, hẳn nhà thơ trẻ 9X đã có thêm nhiều trải nghiệm phong phú, nhiều phát hiện mới mẻ về cuộc sống. Khoảng lặng nhất định quả thực rất cần thiết cho thơ, để rồi miên theo khoảng lặng ấy thơ chị càng trở nên tự nhiên và sâu lắng. Tình yêu, lòng biết ơn với miền núi và những chiêm nghiệm cuộc sống được chị gửi gắm một cách nhẹ nhàng, tinh tế, gợi nhiều liên tưởng và suy ngẫm.

Âm hưởng núi rừng và sắc màu dân tộc

Núi rừng Đông Bắc và sắc màu văn hóa người Tày đã trở thành nguồn mĩ cảm xuyên suốt tập thơ. Với cách thể hiện nhẹ nhàng, đầy nữ tính, qua những ký ức với núi của tác giả, không gian ấy hiện ra với vẻ đẹp thơ mộng. Sắc hoa chuối rừng đỏ tươi: "Nơi khe suối ầm ào ngang dọc/ Trút hết mình hoa đỏ rưng rưng" (Hoa chuối đỏ), phía mùa xuân bản nhỏ “Đào nở hoa trên áo bông chần gài khuy ẩn" (Người canh nương), "Hoa bjooc mạ nở rưng rức trong thung" (Thao thức tháng Ba)... Những điểm xuyết ấy gợi ra nét hồn của thiên nhiên Đông Bắc. Nhà thơ không đi vào việc miêu tả, mà chỉ khơi gợi, mỗi sắc nét thiên nhiên trong thi tập luôn gắn với một nỗi niềm, một khoảnh khắc sinh hoạt, lao động, và cả cuộc đời, tính cách con người vùng cao.

Tác giả cũng gửi vào thơ những âm hưởng đặc sắc của văn hóa Tày. Áo chàm mộc mạc thấp thoáng trên những bãi nương xanh biếc: "Mùa chàm xanh lưng núi/ Nhuộm áo cho nhau nhuộm nỗi nhớ không màu" (Vọng ngày xa). Những nếp nhà sàn thân thương ngày xuân ấm áp hình ảnh bếp lửa: “Bên bếp lửa vuông/ Những cánh tay xòe như hoa nở" (Ngày xuân bên bếp lửa). Không gian văn hóa ấy trong thi tập cũng dậy lên bởi những thanh âm núi bản, tiếng vọng sâu thẳm của núi rừng, tiếng khèn lá vi vu, tiếng chim pò ới khắc khoải, tiếng già làng kể khan đêm trăng, đặc sắc là câu hát Sluong vang bổng núi rừng: "Về đi câu lượn Sluong/ Về đi nghe đáp lại thật gần" (Gọi mãi câu thương).

Tập thơ với 32 bài thơ tựa như những tinh túy của tách trà ban mai. Cầm tập thơ lên, chầm chậm thưởng thức những thi vị mà nhà thơ gửi gắm, một cách tự nhiên độc giả sẽ có cái nhìn nhân văn hơn với những gì xung quanh, quê hương cội nguồn và thấm thía hơn giá trị của cuộc sống hôm nay...

Là gương mặt thơ trẻ, Hương Ly bắt kịp dòng chảy của thơ ca đương đại, nhưng không vì thế mà chị thoát ra khỏi bầu quyển của những sắc màu văn hóa truyền thống dân tộc mình. Tập thơ thể hiện sâu sắc tình yêu và lòng biết ơn của chị đối với núi rừng, với dân tộc và quê hương của chị. Sự da diết trong cảm xúc đã cuốn hút độc giả, để rồi độc giả tự mình khơi mở ra thế giới nghệ thuật hấp dẫn, chiêm nghiệm cùng những tư tưởng và tình cảm sâu sắc mà nhà thơ gửi gắm trong chiều sâu của tập thơ: “Tôi uống ký ức rồi/ Ký ức nằm trong cốc nước chơi vơi/ Những bước chân trùng phùng trên ngói đỏ/ Là lũ chim về tôi lại tưởng tôi” (Viết cho ngày khác).

Thể hiện mới về để tài chiến tranh cách mạng

Thêm một nguồn mĩ cảm nữa phải nói tới trong tập thơ, chính là những bài thơ Hương Ly viết về đề tài chiến tranh cách mạng. Là một tác giả thơ trẻ sinh ra trong thời bình, những câu chuyện về chiến tranh dường như chỉ được tìm hiểu qua lời kể, ký ức tư liệu. Sự thiếu vắng những trải nghiệm thực tế luôn là một thử thách lớn với những cây bút sau chiến tranh viết về đề tài này. Vẫn là sự xúc động sâu sắc, lòng biết ơn trước những sự hy sinh, mất mát của cuộc chiến nhưng nhà thơ có cách chiếm lĩnh và thể hiện đầy mới mẻ, qua cách chị sử dụng thi ảnh, thể hiện ý tưởng. Tác giả trân trọng từng câu chuyện về người lính để xúc cảm và sáng tạo.

Hoàn toàn không đi vào tái hiện trực tiếp những mất mát, hy sinh của chiến tranh nhưng qua những vần thơ của Hương Ly những gam màu ấy vẫn được tái hiện một cách sinh động và gây ấn tượng mạnh mẽ: “Hàng dừa lặng im xanh nhớ những đứa con của mình/ Mùi hương không nói với tôi khu vườn có bao nhiêu trái hạnh/ Người đàn bà nhìn xa xăm/ Không nói với tôi sao lại quên chải tóc/ Cánh đồng không nói với tôi có bao nhiêu bông lúa/ Nhả sương đêm vào ban mai/ Bầy chim thơm thơm tiếng hót/ .../ Người con gái không nói điều gì trước quân thù bủa vây/ Miên man dòng suối... (Thổ Sơn). Và rồi sau cuối, chùm thơ viết về đề tài này đã dẫn người đọc tới miền suy nghĩ về ngày mai, về bình minh tươi đẹp, về khát vọng hòa bình: “Búp sen nở ngập ngừng đáy nước/ Mùi hương ngan ngát bên đồi” (Trên những hố bom), “Âm thanh nào từng rót ra/ Giờ cúi đầu hóa bình minh trên chóp núi” (Dưới vòm hoa đại khải).

Viết là quá trình chủ thể thăng hoa cảm xúc và trí tưởng tượng của mình để sáng tạo ra một thế giới mới. Nhưng sự sáng tạo ấy dù độc đáo ra sao, tác giả cũng không thể thoát ly ra khỏi dân tộc và đất nước mình. Với “Dưới vòm hoa đại khải” nhà thơ Phùng Thị Hương Ly đã thể hiện rõ sự say mê trong sáng tạo và trách nhiệm của một người viết trẻ. Dám dấn thân để sáng tạo ra cái mới, đó chính là bản lĩnh nghệ thuật của nhà thơ trẻ đầy triển vọng. Tập thơ với 32 bài thơ tựa như những tinh túy của tách trà ban mai. Cầm tập thơ lên, chầm chậm thưởng thức những thi vị mà nhà thơ gửi gắm, một cách tự nhiên độc giả sẽ có cái nhìn nhân văn hơn với những gì xung quanh, quê hương cội nguồn và thấm thía hơn giá trị của cuộc sống hôm nay...

Phùng Thị Hương Ly sinh năm 1991, là nhà thơ trẻ người dân tộc Tày. Chị là hội viên hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn, hội viên hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đến nay, chị khẳng định được sức sáng tạo của mình bằng nhiều giải thưởng. Tiêu biểu là giải Khuyến khích cho tập thơ đầu tay do Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam trao năm 2014, giải Nhì cuộc thi Thơ Tạp chí Văn nghệ quân đội 2021-2022.

TRẦN VIỆT HOÀNG

.