Đà Nẵng cuối tuần
Hành động vì trẻ em
Hằng năm, cứ đến Ngày Quốc tế Thiếu nhi, trẻ em trên toàn thế giới lại hân hoan, háo hức chờ đón một ngày lễ rộn ràng dành riêng cho mình. Đối với mỗi người trưởng thành, đây lại là dịp để nhớ, để thương và hồi tưởng về những ký ức tuổi thơ hồn nhiên. Ngày Tết Thiếu nhi 1-6 cũng là ngày bắt đầu cho Tháng hành động vì trẻ em tại Việt Nam - với những hành động thiết thực, với sự ưu tiên các nguồn lực để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Để có được ngày hội lớn 1-6 cho trẻ em, biết bao nhiêu giọt nước mắt đã rơi vào thời điểm này cách đây hơn 80 năm. Ngày Quốc tế thiếu nhi bắt nguồn từ một sự kiện lịch sử buồn và khó quên của nhân loại. Vào những năm 1942-1944, quân Phát xít Đức đã bắt giữ và tàn sát dã man gần 400 người dân tại làng Lidice (Cộng Hòa Séc ngày nay), trong đó có rất nhiều trẻ em. Tội ác không thể tha thứ của bọn phát xít đã khiến toàn nhân loại căm phẫn tột cùng và đau xót cho những đứa trẻ vô tội. Để tưởng nhớ hàng trăm trẻ em vô tội đã bị Đức Quốc xã sát hại nhẫn tâm, năm 1949, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1-6 hằng năm làm Ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi, nhằm nhắc nhở và yêu cầu chính phủ các nước phải tăng cường trách nhiệm trong việc chăm sóc, bảo vệ thiếu nhi.
Tại Việt Nam, Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên (1-6-1950) diễn ra trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang trải qua thời kỳ cam go ác liệt nhất. Trong thời khắc đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn nghĩ đến thiếu nhi cả nước và gửi thư chúc mừng các cháu thiếu niên, nhi đồng. Từ đó, hằng năm, cứ đến ngày Tết Thiếu nhi 1-6, thiếu nhi cả nước lại hân hoan đón chờ thư chúc mừng của Bác Hồ với vô vàn yêu thương và những lời chúc tốt đẹp nhất.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng tình thương yêu và sự quan tâm đặc biệt. Với Bác, trẻ em là những mầm non, những người chủ tương lai của đất nước, như “cái mầm có xanh thì cây mới vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi quả mới tốt”, theo Bác, một dân tộc muốn tự cường tự lập thì thế hệ con trẻ phải được nuôi dưỡng và giáo dục tốt. Từ đó, Bác thường xuyên quan tâm nhắc nhở và giao nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho các ngành, đoàn thể, ngay cả trong Di chúc thiêng liêng trước lúc đi xa, Người cũng căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.
Ghi nhớ lời dạy của Bác, trong những năm qua, việc thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành trên nhiều lĩnh vực, đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống chính sách, pháp luật về trẻ em, cơ chế bảo vệ trẻ em ngày càng được hoàn thiện, phần lớn các cấp, các ngành và toàn xã hội đã quan tâm và nhận thức công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em như một nhiệm vụ trọng tâm, các quyền trẻ em đã được thực hiện tốt hơn, những vấn đề phát sinh về trẻ em đã được quan tâm giải quyết.
Trước đây, Việt Nam cũng là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em - Văn kiện pháp lý Quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt. Luật Trẻ em hiện hành của nước ta đã quy định 25 điều về quyền trẻ em, thuộc 4 nhóm quyền: quyền sống còn, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển, quyền được tham gia. Trong đó, Điều 12, Luật Trẻ em năm 2016 khẳng định: “Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được đảm bảo tốt nhất các điều kiện sống và phát triển”.
Tuy nhiên, thời gian qua, một số vấn đề về trẻ em vẫn còn tồn tại và diễn biến phức tạp, đòi hỏi các cấp, các ngành phải nâng cao hơn nữa nhận thức, chung tay hành động vì trẻ em. Nhân Tháng hành động vì trẻ em hằng năm, có thể ưu tiên tập trung nguồn lực, tăng cường vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ, hỗ trợ trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ mồ côi...; xây dựng các mô hình hoạt động bảo vệ trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ trong nhiều lĩnh vực; phát triển thêm các công trình, trường, nhà bán trú, điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em. Bên cạnh đó, để trẻ em có những kỳ nghỉ hè vui tươi, bổ ích, an toàn, các ngành chức năng có thể tổ chức những buổi sinh hoạt, trao đổi, diễn đàn trẻ em; mở các lớp dạy bơi có hỗ trợ kinh phí để trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em; hướng dẫn trẻ em những kỹ năng tham gia giao thông, kỹ năng cứu hộ và sơ cứu khi bị tai nạn, thương tích...
Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung các điều khoản luật theo hướng xử lý thật nghiêm minh, mạnh tay, triệt để đối với những trường hợp xâm hại, bạo lực dưới mọi hình thức đối với trẻ em, bảo vệ môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em.
Ngày 1-6 - nhìn lại lịch sử của Ngày Quốc tế Thiếu nhi trên thế giới và ở Việt Nam - để thêm trân trọng và cố gắng giữ gìn những nụ cười trong sáng rạng ngời của trẻ thơ ngày hôm nay; và cũng là để thực hiện lời hứa của Bác Hồ kính yêu: “Bác hứa với các cháu rằng: Đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cùng cố gắng làm cho các cháu cùng được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng” (Bác Hồ, Báo Sự Thật, số 134, ra ngày 1-6-1950).
ĐỖ LAN HƯƠNG