Đà Nẵng cuối tuần
Bảo vệ giống nòi
1. Trung tuần tháng Năm, nghị trường Quốc hội lại nóng lên vấn đề cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi báo cáo về lấy ý kiến dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, cho biết: Hầu hết các ý kiến đều nhất trí và có góp ý cụ thể đối với phương án quy định cấm "điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ và nhóm ý kiến trên, nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi.
Ở tầm cao hơn và bền vững hơn, cần quan tâm bảo vệ giống nòi người Việt ở lĩnh vực tinh thần, chính là xây dựng và thực thi văn hóa căn bản, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. Ảnh: X.D |
Bên cạnh việc bảo vệ tính mạng và nguồn lực cho xã hội, thì vấn đề bảo vệ tuổi thọ của giống nòi lần này tiếp tục được các nhà làm luật lưu tâm, cùng với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Bởi, việc lạm dụng rượu, bia của một bộ phận người Việt trước mắt tác động tới sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng, đương nhiên tác động đến việc duy trì và nâng cao thể trạng, sức khỏe giống nòi. Việc ra đời các luật với sự kiên quyết trong tổ chức thực hiện, nhất là kiểm soát nồng độ cồn trong Luật Giao thông đường bộ và dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ - dù muộn - nhưng đã gióng lên hồi chuông trong đời sống xã hội.
2. Có một vấn đề liên quan đến giống nòi, trở thành vấn nạn xã hội và được đề cập từ lâu, được xây dựng thành luật nhưng khi triển khai thì thiếu cương quyết và đồng bộ, nên đến nay vẫn là nỗi nhức nhối và ngày càng nghiêm trọng.
Cũng giữa tháng Năm vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), phòng, chống ngộ độc thực phẩm tổ chức do Bộ Y tế tổ chức, đưa ra con số: 5 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm (giảm 4 vụ, tương đương giảm 10%) so với cùng kỳ năm 2023; nhưng số người mắc lên đến 2.138, tăng 1.432 người (tương đương 202%); số vụ có người mắc 30 người trở lên tăng 42,9%. Có 4 vụ với số người mắc trên 150 người như ở Sóc Trăng, có 150 người mắc liên quan bánh mì; Khánh Hòa có trên 300 người mắc liên quan thịt gà; ở Đồng Nai có trên 540 người mắc liên quan bánh mì và ở Vĩnh Phúc có 438 người mắc liên quan bếp ăn tập thể công nhân.
Báo chí dẫn lời ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, về cơ bản, thể chế và các quy định của pháp luật về công tác quản lý ATTP khá đầy đủ nhưng việc thực hiện chưa tốt. Qua kiểm tra sau khi xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm cho thấy, dù có quy định về việc lưu mẫu thực phẩm, kiểm thực 3 bước và kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm nhưng nhiều nơi không thực hiện. Thậm chí, có nơi không có giấy đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP nhưng cơ quan chức năng địa phương không kiểm tra, giám sát và yêu cầu dừng sản xuất kinh doanh… Không kiểm soát được chất lượng thực phẩm, không truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kinh doanh chưa được cấp phép... là lỗ hổng lớn dẫn đến người kinh doanh vì lợi nhuận bỏ qua công tác bảo đảm ATTP, đưa thực phẩm không rõ nguồn gốc, không an toàn vào bữa ăn, dẫn tới nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Những từ "không" trên, theo khẳng định của người đứng đầu một cơ quan quản lý về ATTP, cho thấy khoảng trống cực lớn trong vấn đề bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng; mặc dù lĩnh vực này được giao cho 3 bộ: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, theo chức năng và nhiệm vụ của từng bộ.
Nhưng đó là vấn đề “cân đo đong đếm” được trong quản lý thực phẩm, còn lĩnh vực khó kiểm soát là mất ATTP đáng báo động từ ô nhiễm qua nguồn đất, nước và không khí, đến từ việc dùng hóa chất độc hại, phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ... một cách vô tội vạ và khó kiểm soát khi khai thác khoáng sản; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và làng nghề; bảo vệ thảm thực vật cho các khu nghỉ dưỡng, sân golf... Ô nhiễm từ các nguồn này đến thực phẩm là khó thấy vì không gây hậu quả tức thì mà tác động lâu dài, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe và nòi giống con người. Vấn đề này đã được nhìn nhận hay chưa? Rõ ràng là có, nhưng từ nhận thức đến hành động bảo vệ giống nòi trên lĩnh vực này vẫn chưa thực hiện một cách quyết liệt, do những nguyên nhân ở trên.
Từ đó, có ý kiến cho rằng, nếu việc thực thi chính sách, pháp luật trên lĩnh vực ATTP giống như kiểm soát nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông, thì mới tạo chuyển biến thực sự mạnh mẽ và hiệu quả. Để bảo vệ giống nòi, tại sao không làm?
3. Đó là một vài vấn đề trong bảo vệ giống nòi được nhìn nhận ở góc độ vật chất. Ở tầm cao hơn và bền vững hơn, cần quan tâm bảo vệ giống nòi người Việt ở lĩnh vực tinh thần, chính là xây dựng và thực thi văn hóa căn bản, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. Bởi giống nòi của một dân tộc, không đơn thuần tồn tại trong khái niệm vật chất, mà cả ở góc độ tinh thần. Nếu một dân tộc đánh mất giá trị văn hóa của mình, chính là đánh mất gốc rễ sâu xa của một giống nòi. Tạo nên giá trị bền vững từ cái gốc văn hóa, chính là cơ sở để xây dựng và thực thi các chính sách pháp luật đáp ứng nhu cầu thiết yếu về tinh thần và vật chất của một dân tộc nói riêng và của loài người nói chung. Khi đó, những vấn đề thiết yếu trong đời sống như bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, an sinh xã hội… hay bảo đảm thực thi quyền tự do, bình đẳng, quyền con người - trong đó có bảo vệ giống nòi… mới được quan tâm một cách căn cơ và đúng mức; mới thể hiện rõ nét văn hóa của một dân tộc.
ANH QUÂN