Đà Nẵng cuối tuần

Ngày Sóc, ngày Vọng

16:20, 08/06/2024 (GMT+7)

* Lâu nay tôi thường nghe nói trong âm lịch có ngày Sóc và ngày Vọng nhưng thực sự chưa rõ đó là những ngày gì. Mong quý báo giải thích. (Trương Quang Thành, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Chu kỳ tròn - khuyết diễn tiến qua các kỳ Sóc, Vọng của Mặt trăng ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống con người, nhất là đời sống tâm linh. Ảnh: ST
Chu kỳ tròn - khuyết diễn tiến qua các kỳ Sóc, Vọng của Mặt trăng ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống con người, nhất là đời sống tâm linh. Ảnh: ST

- Sóc là ngày mồng Một đầu tháng âm lịch, theo từ điển Hán Việt, có 3 nét nghĩa. (1) là tên gọi ngày bắt đầu của một tháng. (2) là trước, mới. (3) là bắt đầu, khởi đầu.

Vọng là ngày Rằm (tức ngày 15) tháng âm lịch. Vọng có hai nét nghĩa. (1) là trông xa. (2) là ngày Mặt trăng mặt trời đối xứng nhau ở hai cực. Người xưa cho rằng, ngày này Mặt trời và Mặt trăng nhìn rõ nhau, thấu suốt ánh sáng nhau, soi chiếu vào mọi tâm hồn con người khiến con người trở nên sáng suốt, trong sạch, đẩy lùi được mọi đen tối làm vẩn đục cái tâm.

Trong vũ trụ, mọi sự vật, hiện tượng đều tác động và chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Mặt trời cùng với môi trường bao quanh nó liên tục truyền cái trật tự của mình tới tất cả những gì trên Trái đất. Mặt trăng - một vật thể gần Trái đất nhất - cũng gây ảnh hưởng tới Trái đất. Mọi sinh vật và cả những đồ vật vô tri vô giác đều hưởng ứng với nó và thay đổi cùng với nó. Điều đó cho thấy ảnh hưởng của chu kỳ tròn - khuyết, ngày trăng non, ngày trăng tròn trong những hoạt động của con người từ cổ xưa tới nay, nhất là trong đời sống tâm linh.

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (tapchinghiencuuphathoc.vn) trong bài viết “Lễ Sóc, Vọng trong lịch sử” giải thích rõ hơn về điều này. Theo đó, trong lịch sử, những ngày Sóc, Vọng luôn có vai trò khá quan trọng, là thời điểm tổ chức nhiều lễ lớn như Tết Nguyên đán (mồng 1 tháng Giêng), Tết Nguyên tiêu (15 tháng Giêng), Lễ Vu Lan (15-7), Tết Trung thu (15-8)...

Hằng tháng, mỗi ngày Rằm, mồng Một âm lịch, người Việt thường thắp hương nhằm thỉnh cầu các vị thần linh, tổ tiên phù hộ cho bình an, hạnh phúc, may mắn... Lịch âm được xây dựng trên cơ sở quan sát chu kỳ, vị trí Mặt trăng so với Trái đất. Trong quá trình quan sát bầu trời, người ta nhận thấy rằng chu kỳ trăng tròn, trăng khuyết cứ lặp đi lặp lại. Khi không nhìn thấy Mặt trăng, dân gian gọi là trăng non, tính là mồng Một (ngày Sóc). Ngày trăng sáng rõ nhất gọi là Rằm (ngày Vọng).

Theo quan niệm dân gian, vào những ngày Sóc, Vọng cơ thể con người thường cảm thấy khó chịu hơn bình thường. Thậm chí, những đứa trẻ được sinh ra vào hai ngày này dường như cũng phải đối diện với sự khó chịu nên thường có tính cách quật cường, mạnh mẽ hơn. Bởi vậy, ông bà ta quan niệm rằng “trai mồng Một, gái ngày Rằm” thường khó nuôi.

Tuy nhiên, cũng có quan niệm khác cho rằng Sóc, Vọng là ngày “thiên - địa - nhân” hòa hợp. Nếu thắp hương vào hai ngày này thì tổ tiên sẽ cảm nhận được tấm lòng của con cháu, các vị thần linh thổ địa sẽ lắng nghe rõ lời khấn nguyện của người trần gian.

Trang greennow.vn cho biết thêm, ngày Sóc, Vọng còn có ý nghĩa “Cát tường” tức là ngày lành tốt nhất trong tháng. Và ý này được chấp nhận chung cho cả quan niệm phương Đông ở Nho - Phật - Lão, như ngày Chúa nhật của phương Tây với Thiên Chúa giáo.

Trải qua quá trình lịch sử và ảnh hưởng của các trào lưu tôn giáo, ngày Sóc, Vọng được nhận thức ở mỗi nơi có khác ít nhiều tùy theo con người, thổ nhưỡng và tín ngưỡng chủ đạo. Nhưng việc cúng lễ ở hai ngày này giống nhau và coi như là một lễ chung cho cả hai ngày không khác. Người xưa coi ngày Sóc, Vọng là ngày tưởng nhớ tổ tiên, cúng bái ông bà, là ngày nghỉ ngơi trong lao động sản xuất và là ngày chay tịnh để sửa mình. 

ĐNCT      

.