Đà Nẵng cuối tuần
Nguyễn Thuật và cuốn sách "có hậu"
Gần đây nhờ công bố của Trần Kinh Hòa chúng ta mới biết Nguyễn Thuật không phải là tác giả của Vãng sứ Thiên tân nhật ký mà là tác giả của Vãng Tân nhật ký. Đây là hai tập nhật ký của Sứ bộ Phạm Thận Duật sang Trung Hoa vào năm 1883.
Hai lần đi sứ của Nguyễn Thuật |
Năm 1883, Triều đình Huế lại cử một sứ bộ khác sang Trung Hoa do Phạm Thận Duật là Chánh sứ, Nguyễn Thuật làm Phó sứ cũng với mục đích là nhờ nhà Thanh giúp sức để chống lại người Pháp, nhất là sau khi Pháp đánh chiếm thành Hà Nội, triều đình phải ký Hòa ước Quý Mùi (1883). Nhưng lúc này Trung Hoa cũng không thể “tự cứu” được mình trước cuộc xâm lăng của phương Tây thì lấy đâu nguồn lực để giúp triều Nguyễn. Hai chuyến đi sứ của ta vì thế bị thất bại và đây cũng là hai lần đi sứ cuối cùng của triều đình phong kiến nước ta đến Trung Hoa. Nhiều sự kiện của chuyến đi sứ này được ghi lại trong hai cuốn Vãng sứ Thiên Tân nhật ký được cho là do Chánh sứ Phạm Thận Duật chấp bút và Vãng Tân nhật ký do Nguyễn Thuật chấp bút.
Nguyễn Thuật hiệu Hà Đình, tự Hiếu Sinh, tước An Trường tử, sinh tại làng Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình (nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình). Ông là nhân vật đặc biệt của đất Quảng, một đại thần từng làm quan suốt 8/13 đời vua triều Nguyễn, trải qua cả lục bộ ở triều, lên đến tột đỉnh danh vọng: được phong hàm Thái tử Thiếu bảo, Hiệp biện Đại học sĩ, Thượng thư Bộ Lại sung Cơ mật đại thần, Kinh Diên giảng quan, Tổng tài Quốc sử quán, Chánh nhất phẩm, Đông các điện đại học sĩ. Ông cũng là tác gia với khối lượng tác phẩm đồ sộ để lại cho hậu thế mà phần lớn đã được khắc in và lưu trữ.Vãng Tân nhật ký, một tác phẩm có hậu
Các nhà nghiên cứu như Trần Văn Giáp, Phạm Văn Thắm đều cho rằng Vãng sứ Thiên Tân nhật ký là của sứ bộ Phạm Thận Duật - Nguyễn Thuật sang Thiên Tân năm 1883, trong đó phần lớn do Phạm Thận Duật ghi. Nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng lại cho là của Nguyễn Thuật. Sở dĩ có sự “không thống nhất” như vậy vì lâu nay ở nước ta chỉ lưu hành quyển Vãng sứ Thiên Tân nhật ký (còn lưu ở Viện Hán Nôm với ký hiệu A 1471) mà không thấy Vãng Tân nhật ký.Phải đợi đến năm 1980, Vãng Tân nhật ký của Nguyễn Thuật mới được một học giả nước ngoài là Trần Kinh Hòa công bố bằng Trung văn qua một tác phẩm mới mang tên Nguyễn Thuật - Vãng Tân nhật ký, Trần Kinh Hòa biên chú (NXB Trung Văn Đại học - Hương Cảng 1980) thì dư luận mới bớt băn khoăn.
Trần Kinh Hòa cho biết Vãng Tân nhật ký được Nguyễn Thuật chép trong vòng một năm từ ngày 16-1-1883 đến 26-1-1884 theo lối biên niên. Sách không chỉ có giá trị về mặt văn chương mà cao hơn là về mặt tư liệu, giúp hiểu thêm bối cảnh bang giao Việt - Trung - Pháp trong giai đoạn lịch sử cận đại.Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân trên Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển cho biết: “Theo lời tựa của Trần Kinh Hòa và lời bạt của Nhiêu Tông Di thì bản Vãng Tân nhật ký là một bản sách chép tay thuộc sở hữu của một học giả người Pháp, P. Demiéville (Hán âm Đái Mật Vi). Năm 1966, Demiéville đã tặng bản sách này cho Nhiêu Tông Di. Năm 1976, ông Nhiêu Tông Di công bố bài khảo luận về Vãng Tân nhật ký (qua bản dịch Pháp văn của P. Demiéville) trên tập san Viễn Đông học báo (BEFEO, Tome LXIII, p.465, Travanx de Jao Tsung-yi, 1976).
Năm 1977, trong kỳ Hội nghị lần thứ 7 các nhà sử học Á châu tại Bangkok, ông Nhiêu Tông Di báo cáo bản luận văn được phát triển trên cơ sở bài khảo luận về Vãng Tân nhật ký (Anh văn), và sau đó ông đã trao bản sách chép tay Vãng Tân nhật ký cùng khảo luận của mình cho ông Trần Kinh Hòa - một chuyên gia về lịch sử Việt Nam - đề nghị thực hiện phần chú thích và khảo chứng. Năm 1980, Vãng Tân nhật ký của Nguyễn Thuật được xuất bản” (số 6/71 ngày 3-10-2008).Cho đến nay dư luận vẫn không rõ vì sao sách của Nguyễn Thuật không xuất hiện (được khắc in và lưu trữ) trong nước mà lại lọt vào tay học giả người Pháp, là P. Demiéville.
Sách Nguyễn Thuật - Vãng Tân nhật ký, Trần Kinh Hòa biên chú vốn là tập Vãng Tân nhật ký của Nguyễn Thuật có thêm phần khảo chứng và chú thích của Trần Kinh Hòa. Sách dày 104 trang chia làm 4 phần:Phần 1 và 4 là lời nói đầu của Trần Kinh Hòa và Nhiêu Tông Di. Trong lời nói đầu của mình, Trần Kinh Hòa cho biết nguồn gốc bản Vãng Tân nhật ký mà ông đang nghiên cứu (P. Demiéville - Nhiêu Tông Di - Trần Kinh Hòa)
Phần 2 nêu tổng quát bối cảnh chính trị Việt - Pháp - Hoa khi sứ bộ Phạm Thận Duật sang Trung Quốc và giới thiệu sơ lược thân thế cùng những hoạt động ngoại giao của Nguyễn Thuật.Phần 3 giới thiệu toàn văn Vãng Tân nhật ký của Nguyễn Thuật, những khảo chứng và chú thích của Trần Kinh Hòa cùng một số bút lục (từ bút đàm) và câu đối của Nguyễn Thuật.
Phát hiện của Trần Kinh Hòa đã làm cho Vãng Tân nhật ký trở thành một quyển sách “có hậu”!
LÊ THÍ