Đà Nẵng cuối tuần

Tò he giữa phố

16:24, 31/08/2024 (GMT+7)

Tò he, một đồ chơi dân gian đã đi vào đời sống tinh thần của biết bao thế hệ người dân Việt Nam. Giữa đa dạng trò chơi công nghệ hiện nay, câu chuyện làm sao để lưu giữ và phát huy nét đẹp văn hóa này vẫn còn nhiều chuyện phải bàn. Và giữa phố xá nhộn nhịp, một chiếc bàn tò he đa màu đa dáng, xung quanh là tiếng nói, tiếng cười của lũ trẻ đã minh chứng rằng, nghệ thuật dân gian vẫn sống theo cách rất riêng.

Ông Lê Minh Thạnh góp phần gìn giữ nghề nặn tò he. Ảnh: T.A
Ông Lê Minh Thạnh góp phần gìn giữ nghề nặn tò he. Ảnh: T.A

Lục tìm điều giản dị

“Nghèo mà thành nghề”, ông Lê Minh Thạnh (48 tuổi, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) tóm tắt về nghề nặn tò he đầy thú vị của mình. Hơn ai hết, ông Thạnh hiểu từng tiểu tiết, mỗi mảnh ghép xung quanh hai chữ tò he. Nhớ lại những kỷ niệm thời niên thiếu khi mỗi ngày được ba mẹ cho tiền ăn sáng, ông Thạnh dồn lại để mua cho được con tò he bày bán trước cổng trường. Ngày đó, muốn mua được một con tò he đồng nghĩa với việc phải nhịn hai bữa ăn sáng. Do vậy, cậu bé Thạnh quyết tâm tự tìm hiểu, tập nặn ra tò he cho riêng mình. Không có nguyên liệu bột, Thạnh chỉ dùng nắm đất phù sa sông. Qua bàn tay nhỏ bé của mình, vài hình thù cong cong, dễ gãy ra đời. Như vậy cũng tạm gọi là tò he. Năm 15 tuổi là dấu mốc đầu tiên đưa Lê Minh Thạnh đến với nghề nặn tò he.

Lớn hơn vài tuổi, ông Thạnh lặn lội đi ra miền Bắc học nghề, nghiên cứu, tự pha lấy công thức. Hơn một năm dài nghĩ ngợi, đánh giá rồi ghi chép công thức, ông không thể nhớ bao nhiêu lần mang gạo và nếp đi xay. Nặn rồi bỏ, rồi lại nặn. Cuối cùng, công thức “ba gạo một nếp” được ông Thạnh tìm ra. Phải theo tỷ lệ đó thì sản phẩm tò he khi tạo hình sẽ có độ dẻo dai, ổn định nhất. Việc tăng giảm tỷ lệ nước cho hỗn hợp bột chỉ hỗ trợ thêm một phần cho vẻ đẹp của sản phẩm.

Ông Thạnh cho biết, hằng ngày, ông rong ruổi trên phố cùng chiếc xe chở đầy tò he, khi thì bán ở Đà Nẵng, lúc vào đến Tam Kỳ (Quảng Nam). Tính cách ưa xê dịch và gặp gỡ nên mọi câu chuyện bắt gặp được trên đường, ông khéo léo “thổi hồn” vào tò he. “Những năm trở lại đây, nghề nặn tò he dần đi vào ngõ cụt. Thực trạng đó xảy ra khi tâm lý người làm nghề ít muốn trao truyền, dạy nghề cho thế hệ trẻ. Song song đó, giá trị kinh tế từ sản phẩm tò he rất thấp. Gọi nghề nặn tò he là đam mê thì đúng hơn là để kiếm sống. Tôi nghĩ đó sẽ là trở ngại khiến cho nghề nặn tò he mất dần chỗ đứng. Để gieo nền móng và bảo tồn nghề, tôi đang có kế hoạch mở các lớp dạy làm tò he miễn phí cho người trẻ. Tôi sẽ trực tiếp dạy nghề, đồng thời hỗ trợ miễn phí nguồn nguyên vật liệu làm sản phẩm. Nét đẹp văn hóa này vô cùng ý nghĩa nên tôi phải cố gắng giữ lấy nghề”, ông Thạnh bày tỏ.

Chiêm nghiệm về cuộc sống hiện đại với vô số loại hình nghệ thuật phát triển và hướng đến tính mới mẻ, người đàn ông này cho rằng, nếu ai cũng đi theo cái mới thì cái cũ xưa, giá trị nền tảng sẽ dạt trôi về đâu. Dấu hỏi cho vấn đề văn hóa dân gian sẽ ra sao đang ngày càng lớn. “Với câu chuyện tò he, tôi hướng đến việc bảo lưu, đổi trả trọn đời sản phẩm tò he cho mọi khách hàng. Tôi sẽ giữ trọn đam mê và tình yêu của bản thân với tò he. Do đó, số lần đổi trả, thời gian đổi trả sẽ không giới hạn”, ông Thạnh khẳng định.

Hiểu được tâm lý trẻ nhỏ đều thích khám phá nên dù các mẫu tò he đã bị bể nát, ông Thạnh vẫn thu lại và đổi mẫu mới tinh, bắt mắt cho khách hàng từng mua. Có những cuộc điện thoại từ phụ huynh hẹn đổi trả tò he, ông sẵn sàng mang đến tận nơi. Niềm đam mê tò he đã biến thành năng lượng tích cực, tạo mối gắn bó giữa nhiều người, từ xa lạ bỗng hóa thân quen.

Khi xã hội không ngừng phát triển, chỗ đứng và nét đẹp của tò he sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Do đó, không chỉ tay nghề, độ khéo tay của người nghệ nhân phải được rèn luyện liên tục mà kể cả tinh thần cũng cần vui vẻ, phiêu cùng nghệ thuật. Có những mẫu tò he được tạo hình trong hai phút, cũng có mẫu cần đến ba tiếng đồng hồ. Là nghề làm ra sản phẩm mang tính độc bản, ông Thạnh không làm theo hình thức rập khuôn, theo mẫu cố định. Gian tò he đủ màu sắc, hình dạng, kích thước dễ dàng hút mắt người xem. Nghệ thuật nặn tò he mang nặng tính cảm xúc hơn là về khuôn mẫu. Vẫn là một nàng tiên cá nhưng mẫu này là một nàng tiên xõa mái tóc dài thì mẫu tiếp theo đã khác, cả về biểu cảm lẫn hình dáng. Đó là bí quyết giữ chân, thu hút khách hàng của ông Thạnh.

Những con tò he thu hút trẻ nhỏ. Ảnh: T.A
Những con tò he thu hút trẻ nhỏ. Ảnh: T.A

Mở lối bảo tồn nét đẹp văn hóa

Một điều thú vị của nghệ thuật nặn tò he là giúp cho người chơi phát triển trí nhớ, khả năng linh hoạt xử lý tình huống. Đôi mắt tập trung vào từng chi tiết, khối óc tính toán độ đậm nhạt của màu sắc và “vẽ” ra mẫu trong trí tưởng tượng. Sau quy trình đó, người nặn sẽ làm ra một sản phẩm tinh xảo, duy nhất. Con tò he vừa thành hình chính là tấm gương phản chiếu mọi tâm tư, tình cảm của người thợ nặn ra chúng. Mặt khác, trong suy nghĩ của người chơi tò he, cái đẹp dần chiếm chỗ của cái chưa hoàn thiện. Nhờ đó mà cách nhìn nhận cuộc sống xung quanh được cân bằng, ổn định hơn.

Cầm trên tay con tò he vừa nặn xong, ông Thạnh chia sẻ: “Dù chúng ta đang mang một năng lượng không thoải mái, ít giá trị tích cực thì khi ngồi lại bên bàn tò he, cảm xúc nghệ thuật sẽ lấn át mọi điều xung quanh. Khi làm nghề, niềm vui lại xuất hiện nên giá trị của nghệ thuật nó là như vậy. Ngày xưa chỉ mơ ước có tiền mua được con tò he bé tí. Bây giờ nhìn lại, bản thân đã làm được nghề này nên mỗi khi có điều kiện, tôi đều hướng đến việc trình diễn, giới thiệu cho mọi người biết đến nghề nặn tò he”.

Khoảng một năm trở lại đây, một số trường tiểu học, THCS ở tỉnh Quảng Nam bắt đầu tổ chức các lớp dạy và thi nặn tò he. Ông Thạnh trực tiếp phụ trách các nhóm lớp theo hình thức tập huấn, lồng ghép trò chơi dân gian vào giờ học chính khóa. Đây được xem là cách làm hiệu quả, tăng cường sự vận động của trí não học sinh, mang tính gắn kết với cộng đồng. Từ đó, từng thế hệ học sinh của các địa phương hiểu rõ hơn về một nét đẹp văn hóa dân gian đang dần mai một.

33 năm làm nghề, có những thời điểm bận công việc gia đình nên ông Thạnh tạm nghỉ. Sau đó, đôi bàn tay của ông rơi vào trạng thái đơ cứng, không thể nhào nặn tò he. Từ kinh nghiệm của bản thân, ông tâm niệm khi truyền nghề cho ai thì đều phải theo đến cùng, tránh dừng đột ngột.

Mỗi ngày trôi qua, hành trình góp phần thúc đẩy giá trị văn hóa, nghệ thuật dân gian của ông Thạnh lại có thêm những cơ hội mới. Cảm nhận nét thú vị của tò he, anh Hà Lâm Sơn, quản lý một quán cà phê tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ đã tổ chức buổi trải nghiệm tò he cho khách.

Là một người yêu thích nét mộc mạc, xưa cũ, anh Sơn cho rằng: “Trong cuộc sống hiện đại, những không gian mang chất làng quê sẽ là nơi kết nối mọi người, mọi độ tuổi. Câu chuyện tò he giữa phố của ông Thạnh có nét tương đồng với suy nghĩ của chúng tôi. Nhìn những bạn nhỏ đến đây trải nghiệm nặn tò he, bố mẹ đứng bên cùng trò chuyện, chúng tôi hiểu rằng cần sáng tạo nhiều mô hình dân dã hơn nữa. Trong thời gian đến, chúng tôi đang xây dựng thêm không gian trưng bày các nông cụ, sản phẩm làng quê. Những ngày cuối tuần là dịp các gia đình sum vầy, khám phá về văn hóa dân gian. Đây sẽ là nơi thuận tiện cho ông Thạnh giao lưu với mọi người”.

Bên chiếc bàn cắm đầy tò he, kế bên là cuộn rơm còn thoang thoảng hơi ẩm. Từng hình ảnh thân thuộc với trẻ con như siêu nhân, cá chép hóa rồng, pokémon, các loài động vật… lần lượt được ông Thạnh nặn ra. Một điều dễ thấy là không riêng trẻ nhỏ mà các bậc phụ huynh cũng bất ngờ khi kỷ niệm thời thơ ấu của bản thân lại xuất hiện giữa chốn thị thành.

Chị Lê Thu Thảo (32 tuổi, quận Hải Châu) bất ngờ khi biết giá tiền một mẫu tò he của ông Thạnh là 30.000 đồng. “Thực sự, giờ đi hết thành phố cũng không biết tìm ở đâu có một người còn làm nghề này. 20 năm trước, mua được con tò he là đem về nhà cất kỹ trong tủ, lâu lâu tôi mới mang ra chơi. Ngày xưa, con tò he như là cả gia tài của trẻ con. Nhìn người đàn ông mặc áo dài xưa, ngồi say mê nặn tò he mà tâm trạng của tôi lại có chút bồi hồi”, chị Thảo tâm sự.

Cứ như vậy, ông Lê Minh Thạnh đang đi trên hành trình tìm lại những điều xưa cũ. Mỗi ngày trôi qua, đôi tay ông vẫn miệt mài hòa trộn sắc màu cho tò he. Sợi dây vô hình gắn kết cộng đồng ngày càng dài thêm, vững chắc hơn.

 “Dù chúng ta đang mang một năng lượng không thoải mái, ít giá trị tích cực thì khi ngồi lại bên bàn tò he, cảm xúc nghệ thuật sẽ lấn át mọi điều xung quanh. Khi làm nghề, niềm vui lại xuất hiện nên giá trị của nghệ thuật nó là như vậy. Ngày xưa chỉ mơ ước có tiền mua được con tò he bé tí. Bây giờ nhìn lại, bản thân đã làm được nghề này nên mỗi khi có điều kiện, tôi đều hướng đến việc trình diễn, giới thiệu cho mọi người biết đến nghề nặn tò he”. Ông Lê Minh Thạnh (48 tuổi, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ)

TRƯỜNG AN

.