Chuyện xưa xứ Quảng
Gánh hát làng Phước Tích
Hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, ở xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, có gánh hát bội. Đó là gánh hát làng Phước Tích. Các cụ già làng kể rằng xưa, dân làng ai cũng mê hát bội.
Mê thì mê nhưng mấy khi được thưởng thức hát bội, một loại hình nghệ thuật hấp dẫn lúc bấy giờ? Có chăng là việc thỉnh thoảng trong làng ai có việc gì, như mừng nhà mới hay... sinh con trai chẳng hạn, mới mời ba người biết hát bội về hát cho vui. Thường, những gia đình này phải là những gia đình giàu có. Người nghèo, lấy tiền đâu ra để chi phí, đài thọ? Còn lý do sao chỉ mời vẻn vẹn có... ba người thì tương đối dễ hiểu, bởi mời cả gánh tiền đâu mà trả? Tiện nhất là mời ba người, vì theo quan niệm xưa thì số ba là chữ số may mắn, bởi nó tượng trưng cho “Phước-Lộc-Thọ”. Dĩ nhiên, trong lúc hát phải có trống đánh, đờn vang mới rôm rả. Chỉ ba người hát, nhưng dân làng gần như kéo đến đông nghịt, nam phụ lão ấu đều có. Mới biết, dân làng Phước Tích mê hát bội đến mức nào.
Thế cho nên, lúc bấy giờ, trong làng có lập một trường hát lấy tên là Trường hát Ông Bổn, do ông Tạ Bổn, người Hoa, giàu nức tiếng, bỏ tiền ra lập. Khi mời gánh hát đến biểu diễn, ông bán vé thu tiền. Các gánh hát ở Trường hát Ông Bổn đều là gánh hát ở các làng, xã khác. Còn gánh hát Phước Tích mãi sau này mới được gầy dựng. Về nguyên nhân ra đời của gánh hát, theo ông Nguyễn Văn Xưng, sinh năm 1928, sau ngày giải phóng, ông Cột, chủ tịch xã, vốn máu mê hát bội, trực tiếp gặp nghệ sĩ tuồng Nguyễn Lân, người từng theo các đoàn hát bội chuyên nghiệp đi diễn ở nhiều nơi tại Đà Lạt, Nha Trang, Bình Định, nói rõ ý định muốn lập gánh hát.
Thống nhất chủ trương xong, ông Nguyễn Lân mời những người biết hát và hát hay như các ông Nguyễn Đình Lê, Nguyễn Văn Thi, Nguyễn Văn Xưng, Trần Cần, Nguyễn Kỷ, Nguyễn Cẩm và các bà Nguyễn Thị Đào, Võ Thị Bích, Phí Thị Tâm, Võ Thị Xanh... gia nhập. Như vậy, “biên chế” đầu tiên của gánh hát gồm 12 người, cả nam lẫn nữ. Ông Nguyễn Lân và Nguyễn Văn Xưng, những hạt nhân đầu tiên của gánh hát, đứng ra luyện tập. Các vở tuồng hồi ấy là “Ngọc Lan”, “Ngọn lửa Hồng Sơn”, “Ngũ hổ bình Liêu”, “Hoa rừng đẫm máu”... Đặc biệt, để hỗ trợ làng Phước Tích lập gánh hát, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) đã cử nghệ nhân Tư Bửu, một nghệ sĩ tuồng nổi tiếng, về dạy tuồng cho anh chị em diễn viên trong hai tháng ròng. Mà chỉ dạy riết một vở là vở “Trần Bình Trọng”.
Tập nhuần nhuyễn xong, gánh hát bắt đầu biểu diễn. Thôi thì trên địa bàn huyện Tiên Phước, không đâu không in dấu chân của anh chị em diễn viên, từ Tiên Lộc đến Tiên Cảnh, Tiên Lập, Tiên Lãnh, Tiên Mỹ, Tiên Cẩm... Một đôi lần, họ đi hát ở Trà My, Chu Lai. Đó là vào giữa những năm 1980, thời kỳ tạm gọi là vàng son của gánh hát làng Phước Tích. Cũng trong khoảng thời gian này, để thu hút khán giả, ông Nguyễn Lân phải mời thêm vài diễn viên ở ngoài như ông Tú ở Hội An, ông Lục ở An Hải (Đà Nẵng), bà Thông ở Tam Kỳ... Hơn thế nữa, ông còn lặn lội vào tận Nha Trang mời bà Sáu Chân, vợ chồng ông Thao ở Bình Định.
Thường thì hát bội nói riêng và các hình thức nghệ thuật diễn xướng khác nói chung, để thu hút khán giả, đôi lúc các ông bầu gánh phải “đổi mới”, mời các diễn viên nổi tiếng các nơi về biểu diễn, góp phần đảm bảo doanh thu cho gánh hát. Thông thường, họ đến biểu diễn chừng mươi ngày, nửa tháng rồi về. Nếu cần, phải mời lại. Trong suốt hơn mười năm tồn tại, gánh hát làng Phước Tích gần như đi hát quanh năm. Đi đến đâu, anh chị em diễn viên cũng được tiếp đón ân cần, đãi đằng chu đáo. Có nhiều nơi hợp đồng chỉ hát 3 đêm nhưng sau hát đến... 8 đêm liền. Nguyên nhân vì bà con xem đông quá. Vé bán được. Tính ra có lãi. Thế là họ yêu cầu hát tiếp.
Hồi ấy, gánh hát nào cũng có “võ”, tức có vở tuồng ruột của mình, vở mà mình diễn hay nhất, đạt nhất, khán giả tán thưởng nhất. Gánh hát làng Phước Tích cũng vậy. Trong đó, vở diễn hay nhất của gánh hát là vở “Tiêu Anh Phụng loạn trào”. Có lần diễn vở này tại địa bàn xã nhà Tiên Lộc, đến đoạn thái tử Minh Châu viết tờ để vợ, thấy ông Nguyễn Văn Xưng, kép chính, thủ vai thái tử Minh Châu đạt quá, một ông khán giả mê hát bội tên là Khuê cầm mấy chục đồng tiền, một số tiền không nhỏ lúc bấy giờ, lên thưởng. Ngoài ông Xưng thì bà Nguyễn Thị Đào, đào chính, đóng cũng rất có hồn. Vai nổi nhất của bà là Thoại Khanh trong vở “Thoại Khanh - Châu Tuấn”, rồi vai Trịnh Nương trong vở “Hồ Mạnh Quế ly thê”. Vai anh hề đã có ông Trần Cần... Nói chung, các diễn viên trong gánh hát đều diễn hết mình. Ai cũng có thế mạnh riêng. Tiền thưởng, dĩ nhiên được gom lại và chia cho tất cả anh chị em diễn viên. Có thể nói, trong những năm lưu diễn, gánh hát Phước Tích đã từng bước tạo tiếng tăm, được nhiều người mến mộ. Cho nên, gánh hát được xem như của huyện, lấy tên chung là Đoàn tuồng Tiên Phước. Nhưng, với bà con trong làng, họ gọi bằng tên dân dã là gánh hát Phước Tích.
Đáng tiếc, gánh hát Phước Tích không tồn tại lâu. Nguyên năm 1992, khi ông bầu gánh Nguyễn Lân mất đi thì không còn ai có đủ khả năng, nhiệt tình để thay thế. Anh chị em nghệ sĩ ai nấy trở về với đồng ruộng. Và, kể từ bấy giờ, người dân làng Phước Tích không còn dịp để thưởng thức những vở tuồng độc đáo do những diễn viên… nông dân thứ thiệt, gần gũi với làng xóm thủ vai, dõng dạc khoác lên bộ trang phục của vua, chúa sặc sỡ, cất cao giọng hát quen thuộc “Như ta đây…” đầy ngạo nghễ.
Gánh hát Phước Tích giờ chỉ còn là ký ức đẹp đẽ của một thời quá vãng mà thôi.
PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT