Chuyện xưa xứ Quảng
Ông Nghè nhị khoa tiến sĩ
Trong số 15 đại khoa tiến sĩ của đất học Quảng Nam, Phạm Tuấn là người đỗ ở tuổi lớn nhất, khi đã 47 tuổi. Trước đó ông đã đỗ hụt tiến sĩ, nên người dân Quảng Nam ưu ái tôn xưng ông là “Ông Nghè nhị khoa tiến sĩ”.
Tiến sĩ Phạm Tuấn (1852 – 1917) |
Phạm Tuấn hiệu Văn Luân, tự Hỷ Thần sinh ngày 24-11-1852 tại xã Xuân Đài, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay là xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cùng quê với Tổng đốc Hoàng Diệu). Năm 1879, ông thi đỗ Cử nhân. Năm 1885 vua Hàm Nghi tổ chức kỳ ân khoa, ông lều chõng đi thi. Vào đến thi Đình ông được trúng cách nhưng xảy ra cuộc binh biến đêm 23-5 năm Ất Dậu nên kết quả kỳ thi bị hủy. Ông đỗ hụt tiến sĩ.
Chấp nhận văn bằng cử nhân, năm 1888, ông nhậm chức Huấn đạo Quế Sơn, hai năm sau làm quyền nhiếp chính Tri huyện Hà Đông. Năm 1892 ông về kinh và giữ chức chủ sự các bộ.
Năm 1898, ông được bổ làm Giáo thọ Thăng Bình. Đường đường là thầy giáo của một phủ lớn nhưng tấm bằng tiến sĩ năm xưa cứ ám ảnh mãi nên ông gửi trường lại cho đồng nghiệp và lều chõng đi thi Hội một lần nữa. Lần này, ông đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (đỗ thứ 5 trong số 7 tiến sĩ của khoa), cùng với các ông Phạm Liệu (tiến sĩ), Phan Quang (tiến sĩ), Ngô Chuân (phó bảng), Dương Hiển Tiến (phó bảng) làm nên kỳ tích Ngũ phụng tề phi khoa Mậu Tuất 1898 của Quảng Nam.
Vì việc này mà người Quảng Nam trìu mến tôn xưng ông là “ông Nghè nhị khoa tiến sĩ”. Khi vinh quy bái tổ ông và Tiến sĩ Phan Quang được đương kim Tổng đốc Quảng Nam Đào Tấn tặng 4 câu thơ: Vận hội tuần hoàn ngũ thập niên/ Thử ban tương kế xuất danh hiền/ Trúc ba nhân khứ Hà ba tại/ Nhụy bản du truyền giáp ất tiên. Tạm dịch nghĩa: Năm mươi năm hội tuần hoàn,/ Tôi hiền liên tiếp nảy vang đất nầy/ Cụ Hà đó, cụ Trúc đi,/ Bút tiên giáp ất ghi tên bảng vàng. (Cụ Hà là Hà Ðình Nguyễn Thuật người Quảng Nam, bấy giờ đang là Thượng thư Bộ Binh. Cụ Trúc là Trúc Ðường Phạm Phú Thứ cũng người Quảng Nam, từng là Thượng thư Bộ Hộ, đã mất trước đó 6 năm).
Sau khi thi đỗ Tiến sĩ, ông được cử đi học tiếng Pháp tại trường Hậu bổ Huế rồi làm Thị giảng học sĩ tại kinh. Năm 1903, làm giám khảo tại trường thi Bình Định. Năm 1908, ông làm Đốc học Hà Tĩnh rồi được cải hàm Quan lộc Tự thiếu khanh tại triều. Năm 1913, ông về nghỉ hưu được phong hàm Hồng lô Tự khanh và qua đời ngày 14-4-1917 tại quê nhà. Mộ ông hiện nay còn ở xã Điện Quang, huyện Điện Bàn.
Trong cuộc đời làm quan của mình, Phạm Tuấn chủ yếu phục vụ trong ngành giáo dục, từ Huấn đạo, Giáo thọ, Đốc học tại Quảng Nam và Hà Tĩnh là những vùng đất học nổi tiếng nước ta thời đó. Ông cũng từng làm giám khảo nhiều kỳ thi Hương tại Trung Kỳ.
Phạm Tuấn là người giỏi thơ văn đặc biệt là viết câu đối rất nổi tiếng. Hiện còn truyền tụng một số câu đối của ông như: câu đối ở Bến Đền, ở chùa Xuân Đài, ở cổng tư thất tại Bến Đền, câu đối thờ ở chùa Bà Mụ Hội An... Trong đó, câu đối dán ở cổng tư thất nhà ông được Phan Bội Châu hết lời khen ngợi, cho là câu đối xuất sắc tiêu biểu.
Nhưng nổi tiếng nhất là câu đối ông thay mặt triều đình viết để viếng Nguyễn Thân năm 1914, vừa thể hiện tài năng vừa nói lên nỗi niềm của ông. Nguyễn Thân - theo Nguyễn Văn Xuân, Phong trào Duy Tân, NXB Đà Nẵng, 1995, trang 279, là “nhân vật nguy hiểm nhất của nước ta vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Y nhờ diệt các lực lượng Cần Vương Quảng Nam, Nghệ Tĩnh mà uy danh chấn động cho đến các đại phản quốc cỡ Hoàng Cao Khải mà cũng phải tránh ra ở Bắc làm một thứ Phó vương. Nguyễn Thân được quyền chém trước tâu sau nên y chẳng từ ai…”.
Nội dung câu đối viếng Nguyễn Thân: “Sinh như ông, tử như ông, sinh tử như ông bất/ Công cái thế, danh cái thế, công danh cái thế vô” (Sống như ông, chết như ông, sống chết như ông không (ai) có;/ Công nhất đời, danh nhất đời, công danh nhất đời (rõ) không.
Vì câu đối này mà Phạm Tuấn phải ra hầu tòa. Chuyện kể, con trai Nguyễn Thân là kỹ sư Nguyễn Hy du học ở Pháp về nước nghe thiên hạ đàm tiếu câu đối trên, Hy làm đơn kiện Phạm Tuấn đã nhục mạ cha mình. Tại tòa, ông trả lời: “Hãy xem câu đối ấy ai là người viếng, rõ ràng là triều đình phúng điếu, chớ tôi có can dự chi? Chữ thêu còn rành rành ra đó! Đi mà kiện triều đình, tôi thì dính dáng gì ở đây!” Dù rất muốn bênh vực gia đình Nguyễn Thân nhưng trước lý lẽ cứng cựa của ông, tòa cũng đành bó tay. Còn gia đình Nguyễn Thân rất hậm hực nhưng cũng phải chịu thua.
Giai thoại trên cho thấy dù làm quan phục vụ triều đình phong kiến nhưng lòng ông vẫn luôn hướng về phía nhân dân. Ông luôn dành cho các nghĩa sĩ của phong trào Cần Vương đặc biệt là Nghĩa hội Quảng Nam những tình cảm sâu đậm và căm thù bọn bán nước làm tay sai cho ngoại bang. Tuy nhiên phản ứng của một nhà nho, nhà giáo như ông luôn nhẹ nhàng song thâm trầm, sâu sắc.
LÊ BÌNH TRỊ