Chuyện xưa xứ Quảng
Ẩn sĩ Tùng Sơn
Ẩn sĩ yêu nước Tùng Sơn là nhân vật nổi tiếng của xứ Quảng, mộ ông tọa lạc trên đỉnh Đài Sơn - Bằng Am (xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc), nơi sẽ hình thành khu du lịch sinh thái độc đáo trong tương lai. Xung quanh nhân vật này có rất nhiều câu chuyện kỳ thú. Bài ký “Đài Sơn tăng truyện” (truyện vị tăng trên núi Đài Sơn) của cụ Lương Thúc Kỳ là một tư liệu quý góp phần “giải mã” hành trạng của ông.
Đài Sơn - Bằng Am, nơi lưu giữ huyền thoại về ẩn sĩ Tùng Sơn. |
Có tư liệu cho rằng, đó là một nhà sư tên thật là Bùi Ngọc Châu, có đạo hiệu Thiền Định, sinh năm Kỷ Mão, triều Gia Long, tại làng Bát Vọng, phủ Thừa Thiên. Thiếu thời, ông sáng dạ, khéo tay nên được bổ dụng làm quan chức tại Phủ Nội vụ, thuộc Bộ Công.
Sau đó, được vua Tự Đức cho theo phái bộ Nguyễn Thành Ý sang Versailles (Pháp) để học về động cơ đốt trong và nghiên cứu công nghệ máy móc của phương Tây. Khi về nước, ông đem hết tâm trí để canh tân và mở mang công nghệ cho đất nước nên có danh là Sáu Máy.
Tuy nhiên, bài ký “Đài Sơn tăng truyện” lại cho biết: Tùng Thạch Sơn Nhân là tăng hiệu của nhà sư già có tên thật là Bùi Châu. Ông là người tỉnh Gia Định.
Thuở nhỏ, ông thất học, chỉ chuyên tập luyện võ nghệ, sau đó đi lính biên phòng, được học hai thứ tiếng là Ai Lao (Lào) và Cao Miên (Cam-pu-chia), được tuyển dụng theo quân Pháp đến thành Ba Lê (Paris) học nghề sửa chữa máy móc, tàu thuyền và các hải đăng, rồi chuyển sang Hương Cảng. Về nước, ông được vua ban chức Vệ úy coi điều hành sáu chiếc chiến thuyền nên tục gọi tên ông là Sáu Máy.
Theo bài ký này, trong lúc về Việt Nam, ẩn sĩ Tùng Sơn có tâu xin vua sửa một số điều luật cần thiết trong vấn đề xây dựng đất nước nhưng triều đình lúc bấy giờ không chịu nghe. Trách mình lúc bình sanh chẳng góp được gì cho nước nhà, ông chọn cách xuất gia tu đạo để giải thoát cho chính mình và giúp đời.
Bài ký chép: “Vào mùa hạ năm Giáp Ngọ thuộc triều vua Thành Thái, có một ông già, trên tay cầm một cây gậy lần đến làng Hà Tân thì dừng bước. Ông trạc độ năm mươi tuổi, dung mạo siêu phàm… Ông ở lại Hà Tân được năm tháng, thấy nhân dân đau ốm quá nhiều, bèn vào rừng tìm các loại cây thuốc đem về chữa trị cho dân chúng”.
Thời gian sau đó, Tùng Sơn nghĩ rằng, hành nghề thuốc chỉ là việc cấp thời chứ không phải là “cách tế độ lâu dài được”. Ông tự sám hối để tìm ra con đường giải thoát thiết thực mới có thể đem lại hạnh phúc cho đời và nhất quyết tìm vào núi Đài Sơn tu luyện.
Thuở bấy giờ, Đài Sơn là một rừng thông rợp bóng, đá trắng trải bằng, có hang sâu thăm thẳm, có hoa tỏa ngát hương làm đường, có khe đá nước chảy trong veo, tiếng vang thoang thoảng. Mỗi khi người dân trong vùng lên Đài Sơn xin thuốc đều thấy đức Tùng Sơn ngồi tọa thiền, miệng niệm “Nam mô A di đà Phật”, tiếng âm vang trong hang núi.
Một lần, ngài cầm một con dao nhỏ, cắt một cành thông, rứt bỏ lá vỏ bên ngoài và bảo: “Người đời vì quá cố chấp nên mang nhiều oan nghiệt”. Rồi, dẫn mọi người đến sau am, chỉ vào hang đá, dặn dò: “Sau khi ta quy liễu thì đem xác ta bỏ vào trong hang ấy”.
Hiện chưa có tài liệu cụ thể về hoạt động yêu nước của ẩn sĩ Tùng Sơn trong thời gian cư trú tại Đại Lộc. Song, có thể khẳng định ông là người có tính khí cương cường, không chịu khuất phục trước cường quyền, đặc biệt có uy tín và ảnh hưởng lớn đối với nhân dân địa phương.
Điều này khiến quan lại đương thời vô cùng lo ngại và tìm mọi cách để ám hại. Tác giả bài ký “Đài Sơn tăng truyện” kể, một lần ngài xuống núi để cho thuốc, liền gặp tên Tuần phủ giả danh là người Quản sơn bảo ngài là kẻ làm loạn, xúc phạm nhiều lời lẽ thô lỗ, toan bắt ngài.
Ngài cố nhịn mà không sao nhịn nổi. Tính nóng dấy lên, ngài né mình co chân đạp tên Tuần phủ. Hai bên đánh nhau. Tên Tuần phủ không sao địch nổi, liền bỏ chạy về báo với Tòa quan rằng: Bùi Châu là kẻ phản nghịch.
Tòa quan liền phái bọn lính tập suốt đêm lên tận núi Đài Sơn vây bắt. Ngài không chút sợ hãi, ngó thẳng Tòa quan mà phân trần sự việc. Tòa quan biết mình nghe lời tên Tuần phủ là sai nên cúi đầu xin lỗi, sai quân rút lui.
Sau đó, đức Tùng Sơn quay lên núi, không muốn tiếp chuyện với người ngoài và cầu mong thoát hóa. Hằng ngày, đúng giờ Ngọ, ngài chỉ ăn một bữa chay thanh đạm bằng rau rừng mà thôi.
Ngài ngồi tu được hai năm, dung mạo đoan nghiêm, sáng suốt, không hề đau ốm gì cả. Một thời gian sau, đức Tùng Sơn tuyệt thực và an nhiên tịch diệt. Người dân địa phương nhớ lời dặn, đem thi hài ngài để vào trong hang đá sau am. Trong thạch động, theo bài ký của cụ Lương Thúc Kỳ, Thiền sư có đề một bài thơ: “Lánh trần lên cõi tiên/ Non tùng mơ bảy từng/ Trường sanh tin có thuốc/ Chẳng già tăng bạch vân”.
Lương Thúc Kỳ tự là Tử Khôi, hiệu Đài Nam, sinh năm 1873 tại làng Hà Tân, nay thuộc xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ông từng được triều đình tặng hàm Quan lộc Thiếu khanh nên được người đời gọi là Quan Lộc.
Sinh thời, cụ Quan Lộc thường hay giao du, đàm đạo với ẩn sĩ Tùng Sơn nên thiết nghĩ, những thông tin mà tác giả bài ký “Đài Sơn tăng truyện” cung cấp có độ xác thực cao, đáng để hậu thế tham khảo vậy!
VÂN TRÌNH