Chuyện xưa xứ Quảng

Cuộc đấu trí nơi cửa sông Cu Đê

08:43, 06/12/2015 (GMT+7)

Là ranh giới của hai phường Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, sông Cu Đê đã ghi dấu một chiến công mở màn cuộc chinh phục Chiêm Thành thời vua Lê Thánh Tông năm 1471.

Theo sách Đại Việt Sử ký Toàn thư của Ngô Sĩ Liên, ngày mồng 6 tháng 11 năm Hồng Đức thứ nhất - Canh Dần (1470), vua Lê Thánh Tông xuống chiếu thân đi đánh Chiêm Thành. Chiếu có đoạn viết kể tội Chiêm Thành đã “…nương đất Cổ Lũy như hang cầy; cậy thành Chà Bàn như ổ kiến. Điên cuồng chẳng nghĩ… Đánh cướp Hóa Châu; giết quân đồn trú… Kể tầy tội ác… Mong cột đồng dựng ở Hoành Sơn…” (ý nói Chiêm Thành đem biên giới nước mình ra đến Hoành Sơn, định lấn chiếm các đất Hóa Châu và Tân Bình của Đại Việt).

Theo sách đã dẫn, trong cuộc Nam chinh này, với sách lược bình Chiêm đã sẵn, nhà vua gọi quân tinh nhuệ đến 26 vạn người chia làm 2 đạo, một đạo do các tướng tài chỉ huy, một đạo đích thân nhà vua chỉ huy. Khởi quân đi từ ngày mồng 6 tháng 11, tuy mưa gió thuận hòa nhưng phải gần 2 tháng sau, ngày mồng 2 tháng Giêng năm Hồng Đức thứ hai (1471), đại quân mới sắp vào đất giặc.

Thế là cuộc tổng tấn công bắt đầu!

Ngày mồng 6, chỉ huy Cang Viễn bắt sống tướng Chiêm là Bồng Nga Sa, người giữ cửa quan Cu Đê lúc bấy giờ. Trận mở màn thắng lợi tạo điều kiện cho đoàn quân Đại Việt tiến công như vũ bão, chiến thắng như chẻ tre.

Tháng 3, ngày mồng 1, quân ta hạ được thành Chà Bàn, bắt sống hơn 3 vạn người, chém được hơn 4 vạn thủ cấp, bắt sống được Trà Toàn (vua Chiêm) rồi đem quân về... Sau 55 ngày đêm cuộc chinh phạt thắng lợi hoàn toàn.

Tháng 5, ngày mồng 1, làm lễ mừng thắng trận ở kinh đô Thăng Long.

Tháng 6 lấy đất Chiêm Thành đặt làm thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa. Đặt chức Án Sát và 3 ty ở Quảng Nam, từ đấy quyền cai quản đất này vĩnh viễn thuộc về Đại Việt!

Chiến thắng mở màn ở cửa quan Cu Đê đã in đậm nét trong bài thơ “Hải Vân mải môn lữ thứ” (“Nghỉ lại ở cửa biển Hải Vân”, theo Tổng tập Văn học Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995) của nhà vua thi sĩ Lê Thánh Tôn, trong đó có 2 câu thực: “Di lạc phụng tham kỳ khoản tái/ Khổn thần ái quốc xảo trù biên”. Dịch nghĩa: Người Di (chỉ người Chiêm) vâng mệnh hẹn kỳ hạn nộp cửa ải/ Bề tôi yêu nước khéo trù liệu việc biên cương. Qua đó, cho thấy vị tổng tư lệnh cuộc Nam chinh này chú ý đến ý nghĩa của chiến thắng mở màn ở cửa quan Cu Đê như thế nào! Các sử gia đời sau cũng đánh giá đây là chiến thắng mở màn quan trọng, mở toang cánh cửa nam tiến của dân tộc, quả là không quá đáng!
Tuy không dùng binh lực hùng hậu mà vẫn đạt được một chiến công quyết định. Người Chiêm Thành trước đó đã ỷ lại binh hùng tướng mạnh, cậy thế núi sông hiểm trở mang tham vọng lấn chiếm Đại Việt đưa biên giới đến Hoành Sơn (như lời chiếu ở trên) sao lại dễ dàng dâng cửa quan Cu Đê, cửa ngõ vào Chiêm quốc? Câu trả lời đã có khi chúng tôi cùng Viện Khảo cổ học Việt Nam đào thám sát di chỉ tháp Chăm Xuân Dương nằm sát bờ nam cửa sông Cu Đê, nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam, đã gặp các bô lão kể lại theo truyền khẩu về những gì đã xảy ra trên đất này giữa hai quân Chiêm - Việt.

Khi hai quân Chiêm - Việt đối đầu chuẩn bị cuộc đánh nhau, người Chiêm ỷ lại mình có tài xây thành thạo tháp gạch nên nhanh chóng thách đấu với quân Đại Việt: Hai bên cùng xây tháp, bên nào xong trước, bên ấy thắng, bên thua phải rút quân đi. Quân Việt chấp nhận…

Bên bờ nam, quân Chiêm tích cực ngày đêm không nghỉ nung gạch, giã nhớt cây, đẽo đá tạc tượng… và chỉ mới mấy ngày mà dáng tháp của người Chiêm đã lồ lộ muốn hoàn thành. Bên bờ bắc chỉ nghe quân binh rập ràng hát xướng, quân Chiêm bờ nam chắc mẩm quân Việt phen này sẽ thua.

Nhưng quân Chiêm đã lầm. Hát xướng của quân Việt là tạo nhịp nhàng cho việc đẵn gỗ đốn tre, kết thành giàn chờ dựng, mặc quân Chiêm bờ nam cần cù cặm cụi xếp xây. Chờ đêm đến, đèn đuốc sáng trưng, hát hò xởi lởi, quân Việt dựng đứng các giàn cao nghệu, phất giấy, tô màu xứng hợp thành ngọn tháp. Sáng ra, quân Chiêm nhìn sang, thấy tháp quân Việt không những đã hoàn thành mà còn cao vượt thì tá hỏa, nhìn lại công trình mình thì ôi thôi, chỏm tháp mới xây dở dang. Quân Chiêm chấp nhận thua theo lời giao ước, rút đi. Quân Việt qua sông chiếm thành (?) không mất một hòn tên mũi đạn. Chuyện kể về một chiến công lừng lẫy sao mà êm ái, chỉ đấu trí thôi chứ không gươm vung giáo thọc, chẳng mất một mạng người! Phải chăng người xưa ở đây, nơi chính cửa quan Cu Đê này đã gửi lại câu chuyện để góp vào lời giải thích lịch sử?

Thật vậy, cuộc hành quân chinh phục tưởng chừng như sấm dậy đất bằng mà mở màn bằng một trận chiến êm ái như chuyện kể dân gian, chỉ nhờ vào “bề tôi yêu nước khéo trù liệu để quân địch nộp cửa ải theo kỳ hẹn” thì quả là cuộc chiến tranh nhẹ và đẹp tựa... hoa hồng!

ĐẶNG PHƯƠNG TRỨ

.