Chuyện xưa xứ Quảng

Thơ xưa trên vách đình Nam Ô

08:24, 03/01/2016 (GMT+7)

Có dịp đến thăm đình làng Nam Ô, ta sẽ bắt gặp trên 2 bức tường tả hữu đối diện trong chính đường 2 bài thơ chữ Hán được viết theo bút pháp thể hành, chân phương dễ đọc nhưng nét bút không còn sắc sảo.

Đình làng Nam Ô hiện nay, quay mặt về hướng tây. Ảnh: V.T.L
Đình làng Nam Ô hiện nay, quay mặt về hướng tây. Ảnh: V.T.L

Theo cụ Sáu Cung, người đã ngoài 90 tuổi nhưng phong thái phương phi minh mẫn, một lão làng có uy tín biết chữ Hán, đây là hai bài thơ cổ của tiền nhân để lại trên vách đình làng cũ trước đó.

Năm 1965 làng Nam Ô tôn tạo ngôi đình mới trên nền đình cổ và nhờ cụ Trần Hữu Cân (Sáu Cân) người trong làng nổi tiếng là cụ đồ viết chữ Hán đẹp nhất trong vùng chép lại. Sau 50 năm, mỗi lần đình có dịp sơn phết, được thợ nề đồ đi đồ lại nên lem luốc như thế.

Cụ bảo bài bên tả đọc trước: Trác phụng hàm châu bán nguyệt hình/ Áng tiền đường lộng khởi tam tinh/ Triều lai ngũ thủy trừng thanh bạch/ Văn võ đinh tài thạnh phát minh. Và cụ giảng: Đình làng Nam Ô hồi xưa nằm ở mé nam gành đá Nam Ô còn gọi là hòn Phụng, có mõm núi nhô ra vũng Trà Sơn (vịnh Đà Nẵng) dân làng quen gọi là mũi Hạc.

Đình làng lưng dựa hướng tây mặt quay về hướng đông trên một địa trạch có phong thủy tốt đẹp, trước mặt là vũng Trà Sơn đã bị mũi Hạc nhô ra che khuất hết một nửa, êm đềm lung linh nước đầy lai láng, đêm đêm trăng rọi, sao rơi. Bên hông đình là rừng cây cổ thụ ngàn năm xào xạc vi vu.

Vịnh nước trước đình vừa là bến đậu ghe của làng vừa là chỗ cần chọn để ghé tạm của các thuyền quan binh trong thời loạn lạc đời xưa; cho thương lái ghe bầu xuôi nam ngược bắc cập bến để lấy gạo củi thực phẩm, nước ngọt trong những giếng Chàm cổ trong làng cho chuyến hải hành nhiều ngày.

Mỗi lần như thế, đình làng Nam Ô ở nơi vị trí thuận lợi sát bờ biển luôn được các vị khách hiếu kỳ thành tâm lên viếng, thắp hương cầu an cho chuyến hải hành. Trong các vị khách ấy có người tức cảnh sinh tình đã tạo tác ra bài tứ tuyệt trên, tặng làng.

Cụ Sáu Cung nói, cũng có người bảo bài thơ do cụ quận công họ Nguyễn nào đó trong một chuyến công cán thời cuối Trịnh - Nguyễn qua đây đề tặng. Xét trong ý tứ bài thơ cũng xứng là bài thơ hay có mạch “mỹ hảo” (chữ cụ dùng, có nghĩa là tốt đẹp) nên làng quyết định cho chép vào vách đình lưu hậu thế.

Các vị túc nho trong làng qua các thời kỳ đã dịch bài thơ này. Nhiều bài lắm nhưng cụ chỉ nhớ được một bài: Phượng cao ngậm ngọc nửa hình trăng/ Vịnh trước đình sao ánh ánh giăng/ Năm ngọn nước triều dâng sáng láng/ Tài trai lóe sáng thịnh võ văn.

Bản dịch quả đã thoát được cái thần của bài thơ, đáng là “mỹ hảo”! Đoạn, cụ kể tiếp, đó là bài thơ trên vách đình cũ. Đình này sau hàng trăm năm nằm sát bờ biển phía đông của làng, đã chịu nhiều đe dọa của bão sóng, rồi cũng bị sụp đổ trong bão năm Mẹo (Ất Mão 1915).

Đình mới được dựng lại trên cuộc đất mới này, lưng dựa hướng đông mặt quay về hướng tây trên nền đất cao, trước mặt là sông Nam Ô êm đềm soi bóng, Cấm Giá như bức bình phong thiên nhiên, xa xa là núi Ba Viên làm án, bắc nam có núi chầu về. Đúng là vị trí địa linh không thua gì phong thủy của ngôi đình cũ.

Khi đình dựng xong, làng cho chép lại bài thơ cổ ở đình cũ lên vách đình mới. Lúc đó cũng có một danh sĩ - có người bảo là tri phủ Thăng Bình (?) - đi ngang qua đây, ghé viếng cảnh đình, nhìn đình mới trên địa trạch phong thủy tốt đẹp, lại đọc trên vách biết được xuất xứ bài thơ xưa, bèn hứng chí phóng bút nên bài thơ phía bên hữu đình này.

Cụ đọc: Triều tây kim cuộc Vĩnh Thành trung/ Phụng ngưỡng hình dung ngũ thủy phùng/ Long hổ tương lai tương đối cách/ Đinh tài văn võ thụy chân dung.

Cụ bảo, Vĩnh Thành là tên xứ cổ của làng Nam Ô. Bài thơ rất hợp với cảnh mới này, ý tứ cũng xứng là bài thơ hay, không kém phần chúc tụng mong ước “mỹ hảo”. Rồi các cụ túc nho trong làng cũng thi nhau đưa ra nhiều bài dịch nôm. Cụ thích bài dịch này nhất vì dễ hiểu: Cuộc mới triều tây giữa Vĩnh Thành/ Phượng ngừa năm ngọn nước về quanh/ Cọp rồng sẽ lại cùng thưa thốt/ Văn võ tài trai thấy dáng hình.

Hai bài thơ trên vách đình làng Nam Ô có xuất xứ thú vị như cụ Cung cho biết, vừa nhắc nhở lại lịch sử khởi dựng đình làng vừa mô tả được phong cảnh hữu tình thơ mộng mà đậm chất “địa linh”, đây là nét độc đáo mà các đình làng trong vùng không có được.

ĐẶNG DÙNG

.