Chuyện xưa xứ Quảng

Chuyện ông Hoàng Kỳ

10:35, 26/12/2015 (GMT+7)

Ông Hoàng Kỳ là tên dân gian gọi Hoàng tử Nguyễn Phúc Kỳ, vị Tổng trấn thứ ba của Dinh Quảng Nam. Thời ông, dinh Quảng Nam được ổn định phát triển cả về kinh tế lẫn văn hóa nhờ tài nội trị cũng như chính sách mở cửa và thân thiện với các nhà truyền giáo của ông.

Mộ Nguyễn Phúc Kỳ ở Duy Sơn, Duy Xuyên. Ảnh: L.T
Mộ Nguyễn Phúc Kỳ ở Duy Sơn, Duy Xuyên. Ảnh: L.T

Nguyễn Phúc Kỳ  (? - 1631) là con trai trưởng của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635) và Hoàng hậu Mạc Thị Giai (1578 - 1630). Ông sinh năm nào không rõ  tại dinh Trà Bát (Quảng Trị) dưới thời chúa Nguyễn Hoàng. Khi cha ông (Nguyễn Phúc Nguyên) còn làm Trấn thủ Quảng Nam, ông được ông nội là chúa Tiên Nguyễn Hoàng giao chức Chưởng cơ, chỉ huy đạo quân bảo vệ dinh trấn Thanh Chiêm. Năm 1614, khi Nguyễn Phúc Nguyên thay Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Kỳ được cử làm Trấn thủ Quảng Nam thay cha.

Vợ thứ của Nguyễn Phúc Kỳ là Bùi Thị Phượng, một phụ nữ người Duy Xuyên, rất  hiền thục, được ông hết mực sủng ái.

Vợ trưởng của Nguyễn Phúc Kỳ là con gái quan Cai cơ Mậu Lễ hầu Tống Phước Thông tên là Tống Thị Toại, một người phụ nữ cực kỳ nhan sắc. Sau này khi cha chồng chết, bà thất vọng vì Nguyễn Phúc Lan (em Nguyễn Phúc Kỳ) lên ngôi chúa chứ không phải là chồng hay con mình nên đã dùng nhan sắc và cả xảo thuật khuynh đảo cả triều đình, phủ chúa Nguyễn một phen chao đảo suýt mất. Tống Thị Toại lung lạc được rất nhiều người nhất là Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Trung và cả Trịnh Tráng. Sách Đại Nam thực lục tiền biên chép như sau:

“Trước kia, Tống Thị đã được vào hầu trong phủ Chúa. Nhờ khéo ăn khéo nói, Tống Thị thu được của cải nhiều như núi. Quan Chưởng cơ là Tôn Thất Trung tính giết đi, Tống Thị sợ, bèn nhân có cha là Tống Phước Thông đang được Trịnh Tráng tin dùng, Tống Thị bí mật gởi thư, lại đem một chuỗi bách hoa bằng trân châu, sai người tới biếu xin Trịnh Tráng cất quân. Tống Thị hứa đem gia tài giúp vào việc quân. Tráng nhận thư, liền bàn việc xâm lấn miền Nam.

Quân Trịnh vào Nam (năm 1643) nhưng không thu được thắng lợi gì... Tháng 4 năm Giáp Ngọ (1654), Tống Thị lại phạm tội một lần nữa. Nguyên trước kia, khi Tống Thị làm chuyện chẳng hay với chúa Nguyễn Phúc Lan (vốn là em chồng của mình), quan Chưởng cơ Tôn Thất Trung muốn giết đi. Tống Thị sợ quá, bèn tìm cách chiều chuộng Tôn Thất Trung, rốt cuộc, hai người tư thông với nhau. Nghe lời Tống Thị, Tôn Thất Trung tính làm chuyện phản nghịch. Cơ mưu bị bại lộ, Tôn Thất Trung bị tống giam còn Tống Thị bị giết…”.

Nguyễn Phúc Kỳ là người văn võ toàn tài. Năm 1627, ông cầm quân phối hợp cùng Nguyễn Hữu Duật và Nguyễn Phúc Vệ đánh bại cuộc tấn công lần thứ nhất của quân Trịnh vào Đàng Trong. Nhờ vậy, Nguyễn Phúc Kỳ được phong làm Thế tử, chuẩn bị để nối ngôi. Nguyễn Phúc Kỳ cũng nhiều phen chinh phạt Chiêm Thành, bảo vệ vững chắc biên giới phía Nam. Ông là vị Tổng trấn thực hiện một chế độ mở cửa rộng rãi cho Quảng Nam.

Trong sách Đông Dương, lịch sử của một cuộc gặp gỡ 1620 - 1820, Jean Pichon cho biết: “Ở Hội An diễn ra một hội chợ hàng năm kéo dài 4 tháng… Dinh trấn Quảng Nam ở cách đó 8 km về phía tây, nối liền đường thiên lý và con sông, là thủ phủ của dinh, vào niên điểm đó người ta có thể gọi là thủ phủ hoàng gia bởi vì Sãi Vương thường ở đó, một trong những người con của ngài, hoàng tử Kỳ là quan trấn thủ…”.

Nguyễn Phúc Kỳ cũng có thái độ thân thiện với các giáo sĩ phương Tây. Sách Lịch sử truyền giáo có viết: “Làm quan trấn thủ Quảng Nam ông có cảm tình với đạo, đã nhiều lần bênh vực cho các cha”. Chính nhờ thái độ thân thiện của ông, các giáo sĩ như  Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes mới có điều kiện sống nhiều năm ở Hội An và Thanh Chiêm từ đó thực hiện việc La-tinh hóa tiếng Việt để cho ra đời chữ Quốc ngữ. Nói chung Quảng Nam thời Nguyễn Phúc Kỳ rất phát triển.

Khi Bùi Thị Phượng qua đời vào ngày 14-3-1631, Nguyễn Phúc Kỳ vì quá yêu mến mà đau buồn cũng lâm bệnh qua đời sau đó 3 tháng, vào ngày 22-7-1631. Điều này được các sử gia triều Nguyễn xác nhận qua việc ông cho tạc bức tượng của bà Phượng bằng bạc và gỗ quý để thờ.

Sách Lịch sử truyền giáo của Việt Nam cũng cho biết: “…Thương tiếc suốt ngày đêm than khóc, ông cho làm một bức tượng (bà Phượng – NV) lớn bằng người thật, đầu bằng bạc, mình bằng gỗ quý để thờ. Không bao lâu sau vì buồn phiền quá ông ngã bệnh và qua đời...”. (Nguyễn Văn Xuân bị ám ảnh bởi sắc đẹp của Tống Thị  nên trong tác phẩm Kỳ nữ họ Tống đã cho rằng Nguyễn Phúc Kỳ vì ham mê sắc dục với Tống Thị nên lâm bệnh mà chết).

Sau khi qua đời, Nguyễn Phúc Kỳ được an táng ở làng Thanh Quýt (Điện Thắng, Điện Bàn). Lăng mộ của ông tồn tại hơn 350 năm tại đây. Đến sau năm 1975, do phong trào hợp tác hóa nông nghiệp nên lăng của Nguyễn Phúc Kỳ bị phá để lấy đất làm nông nghiệp.

Năm 2000 mộ Nguyễn Phúc Kỳ được con cháu Nguyễn Phước tộc Quảng Nam - Đà Nẵng cải táng về xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tọa lạc trên một ngọn đồi có cây cối rợp bóng xanh, khu mộ có diện tích gần 100m2. Trụ cổng có câu đối bằng chữ Hán: 山水有情竜達地/孝慈無限憾鍾天 (Sơn thủy hữu tình long đạt địa/ Hiếu từ vô hạn hám chung thiên). TS. Nguyễn Hoàng Thân, Giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, dịch nghĩa: Non nước hữu tình, rồng cuộn đất/ Hiếu từ khôn kể, lỗi ngang trời.

Sau mộ có văn bia bằng chữ quốc ngữ: Lăng ngài thái tử Thiếu bảo Khánh quận công Nguyễn Phúc Kỳ. Ngài tổ đời thứ nhất, đệ nhất phòng, đệ tam hệ. Viên tẩm ngày 24 tháng Sáu Tân Mùi (22-7-1631) tại Thanh Quýt, Điện Bàn, Quảng Nam. Cải táng đến xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên vào tiết Thanh Minh năm Canh Thìn (2000). Hậu duệ Nguyễn Phước, Tôn Thất đời thứ 11, 12, 13, 14 đồng phụng lập”.
Như vậy ở Duy Xuyên ngoài lăng mộ của hai Hoàng hậu Mạc Thị Giai và Đoàn Quý Phi; của hai công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Dương và Nguyễn Phúc Ngọc Liên, lại có thêm lăng mộ của hoàng tử Nguyễn Phúc Kỳ, làm thành khu lăng mộ quan trong bậc nhất của Nhà Nguyễn ở Quảng Nam.

LÊ THÍ

.