Cửa sổ tri thức

Hát bội hay hát bộ?

06:48, 03/04/2016 (GMT+7)

* Nói về tuồng, có người cho rằng đó là hát bộ, cũng có người bảo là hát bội. Theo quý báo thì cách gọi nào đúng? (Nguyễn Hoàng Nam, Thanh Khê, Đà Nẵng).

GS Hoàng Châu Ký vẫn gọi “hát bội” hơn là “hát bộ”.
GS Hoàng Châu Ký vẫn gọi “hát bội” hơn là “hát bộ”.

- Nhiều ý kiến vẫn chưa thống nhất cách gọi giữa hát bộ hay hát bội.

Tác giả Vũ Đức Sao Biển, trong bài “Hát bội Quảng Nam” in trong cuốn Quảng Nam hay cãi (NXB Trẻ, 2010) đã dẫn lời nhà nghiên cứu Vũ Khắc Khoan, cho rằng cả hai tên gọi ấy đều đúng. Theo đó, “bộ” có nghĩa là diễn xuất của nghệ sĩ đều phải phân đúng từng bộ diễn; vì vậy mới gọi là “hát bộ”, “diễn bộ”, “ra bộ”. Gọi là “hát bội” bởi trong nghệ thuật hóa trang, đào kép (khi diễn nghệ thuật này) phải đeo, phải giắt (bội) những cờ phướn, lông công, lông trĩ... lên người.

Cách giải thích trên, là dựa vào chữ bội 佩, có nghĩa là mang, đeo, giắt các đồ trang sức trên người.
Tuy nhiên, cũng có cách giải thích khác dựa vào chữ bội 倍 nghĩa là tăng thêm gấp nhiều lần.

Tự điển “Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị” của Huỳnh Tịnh Của giải thích: “bội” là “hơn”, là “bằng hai”, và hát bội là “con hát, kẻ làm nghề ca hát”.

Hát bội do chữ “bội” mà ra. Bởi lẽ xem hát bội ai cũng thấy rằng từ cách vẽ mặt, điệu bộ, lời nói... cái gì cũng làm gia bội thêm, cường điệu thêm rất nhiều.

Tác giả Phan Phụng trong bài “Hát tuồng hay hát bội” đăng trên Tạp chí Hồn Việt, giải thích về cách gọi này như sau:  

Ngày xưa, ở mỗi làng xã đều có một ngôi đình, ở đó hằng năm đều có những cuộc tế lễ để cúng thần và lễ kỳ yên để cầu quốc thái dân an. Trong chương trình tế lễ thường có các tiết mục như:  Lễ Thỉnh sinh, Thỉnh sắc, Lễ Yết tế, Lễ Dâng hương,…

Cuối cùng đến Lễ  Hoàn mãn thì phần tế lễ có thể coi như đã kết thúc, nhưng muốn cho lễ hội được thêm linh đình và cũng để giúp vui cho dân chúng, ban tổ chức thường thêm vào một tiết mục gọi là tiểu bội hoặc đại bội. Chữ “bội” ở đây có nghĩa là nhiều thêm, thêm vào như bội thu, bội phần.

Nếu là ngày nay thì tiết mục này có thể là một đêm hát cải lương Hồ Quảng hoặc ca Huế…, nhưng ngày xưa ở miền Nam chỉ có một loại hình sân khấu duy nhất, đó là hát tuồng.

Các đoàn tuồng đi biểu diễn ở các lễ hội, nếu là tiểu bội thì chỉ diễn một lớp tuồng ngắn với thời gian chừng nửa giờ như: Phước Lộc Thọ, Định Đô… Và nếu là đại bội thì phải diễn trọn một vở tuồng như: Phụng Nghi Đình, Ngũ Hổ Bình Liêu… Có khi đoàn tuồng phải biểu diễn liên tục suốt ba đêm với các vở tuồng như: Sơn Hậu, Lý Phụng Đình…

Với khuynh hướng rút gọn trong tiếng Việt, về sau những cụm từ “đi hát tiểu bội” hay “đi hát đại bội” được nói gọn là “đi hát bội”.

Tác giả Phan Phụng kết luận: “Cũng vì nạn Nam Bắc phân tranh đã chia cắt đất nước ta làm hai miền suốt 200 năm nên trong ngôn từ của hai miền Nam Bắc đã có những điều dị biệt. Người miền Bắc gọi loại hình sân khấu cổ truyền này là hát tuồng và người miền Nam gọi nó là hát bội”.

GS Hoàng Châu Ký (1921 - 2008), nhà hoạt động văn hóa, nhà văn, nhà nghiên cứu sân khấu dân gian Việt Nam, trong cuốn Sơ thảo Lịch sử Nghệ thuật Tuồng (NXB Văn Hóa, Hà Nội, 1973, tr. 55) cũng nghiêng về cách gọi đó: “Chú ý rằng Hát Bội là danh từ riêng chỉ nghệ thuật Tuồng. Ở miền Nam hiện nay nhân dân vẫn dùng như thế”.

Trong Từ điển Nghệ thuật Hát Bội Việt Nam do GS Nguyễn Lộc (con rể của GS Hoàng Châu Ký) chủ biên, (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, gần 700 trang khổ lớn 15x23cm) cũng tổng hợp đầy đủ kiến thức về ngành ca kịch hát bội, còn gọi là hát bộ, hay tuồng, hay tuồng cổ.

ĐNCT

.