Cửa sổ tri thức
Học sĩ chê vua
* Trong bộ “Đại Việt sử thi” của bác sĩ Hồ Đắc Duy, phần nói về vua Lê Thánh Tông, tôi nhớ có hai câu “Nguyễn Bá Ký là tay học sĩ/ Chê vua không chú ý sử kinh”. Xin cho hỏi, Nguyễn Bá Ký là ai mà dám chê vua và chê vua như thế có bị làm sao không? (Lê Công Tư, Hội An, Quảng Nam).
Tượng đồng vua Lê Thánh Tông. (Nguồn Internet) |
- Trong bộ sách gồm 30 quyển kể chuyện lịch sử bằng thơ của bác sĩ Hồ Đắc Duy, ở quyển 12 có phần kể về “Lê Thánh Tông hoàng đế”, trong đó có đoạn: “Với quần thần, vua ban sắc dụ/ Thường hay dùng điển cũ, ý xưa/ Răn người bất nghĩa a dua/ Lời trong sắc dụ nghe như văn tài/ Nguyễn Bá Ký là tay học sĩ/ Chê vua không chú ý sử kinh/ Không theo lối học thực hành/ Phù hoa sáo điển thiếu phần cách tân”.
Vua Lê Thánh Tông nổi tiếng hay chữ. Thế nhưng có một triều thần là Nguyễn Bá Ký lại dám thẳng thừng chê văn thơ vị nguyên soái của Tao đàn Nhị thập bát tú này. Thời phong kiến, mắc tội khi quân như thế rất khó giữ đầu trên cổ! Thế nhưng, với cặp đôi vua tôi Lê Thánh Tông – Nguyễn Bá Ký chuyện lại khác.
Nguyễn Bá Ký người làng Vân Nội, huyện Chương Đức; nay là khu vực các huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức, Hà Nội. Năm 1448, ông đỗ Hoàng giáp, làm quan đến chức Tri chế cáo Viện Hàn lâm, rồi thăng Trực học sĩ. Đầu thời Lê Thánh Tông, ông cùng Nguyễn Trực soạn văn bia Dương lăng. Sau đó ông làm Tế tửu Quốc Tử Giám, kiêm Đại học sĩ điện Văn minh. Thơ văn ông thâm trầm, trong Toàn Việt thi lục còn sao chép một số bài đề là Quá Nhuận Hồ cựu đô (Qua đô cũ nhà Hồ).
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” (Bản kỷ thực lục, Quyển XII - Kỷ nhà Lê) chép: “Quốc Tử Giám Tế tửu kiêm Văn minh điện Đại học sĩ Nguyễn Bá Ký chết. Trước đó, Bá Ký cho rằng vua làm văn không chú ý tới kinh, sử, dâng sớ khuyên can. Vua dụ rằng: “Trẫm vừa xem hết tờ sớ, ngươi bảo là trẫm không chú ý kinh sử, lại chuộng lối học phù hoa, vô dụng, chỉ ngụ ý ở ngoài mây khói. Nếu ta ưa chuộng văn hoa, không lấy gốc kinh, sử thì còn sách nào nữa? Ta tự xét mình, xét lời ngươi nói, thì trong bốn chữ “phù hoa vô dụng” kia, thực đã gồm cả lòng trung rồi, thế mà ta lại làm văn mà biện lại, thì ta thực có lỗi. Lúc ấy, người đã kịp thời can ngăn, chẳng vì thế mà giữ ý”.
Vua Lê Thánh Tông vì quý trọng tài đức Nguyễn Bá Ký mà ban hiệu là “Vân Phong tiên sinh”. Theo sách đã dẫn, khi ông mất, vua sai Tư lễ giám quan Phạm Hổ đem sắc đến dụ rằng: “Ngươi thờ vua trung thành, giữ mình chính trực, sớm tối ở bên ta, nay được 6 năm, lúc thoi thóp rồi mà lòng trung vẫn chưa thôi!”.
“Giữ mình chính trực”, “lúc thoi thóp rồi mà lòng trung vẫn chưa thôi” là lời khen ngợi của vị vua sáng dành cho bề tôi hiền. Vua bị bề tôi chê nhưng vẫn không để bụng, bởi vua cho rằng khi bề tôi dâng sớ ghi bốn chữ “phù hoa vô dụng” là ở đó đã gồm cả lòng trung rồi.
Câu chuyện “Học sĩ chê vua” đã góp phần giải thích tại sao Lê Thánh Tông không chỉ là ông vua giỏi mà còn được tôn là vị minh quân - vua sáng nên có nhiều tôi hiền theo phò giúp. Dù Nguyễn Bá Ký có chê thế nào, Lê Thánh Tông vẫn là một trong những ông vua hay chữ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. BS Hồ Đắc Duy đã dành những điều tốt đẹp nhất trong bài viết về vua Lê Thánh Tông trong “Đại Việt sử thi”: “Lê Thánh Tông người hiền hiếm có/ Lúc làm vua uy vũ anh minh/ Giữ yên trăm họ thái bình/ Xiển dương văn hóa, luật hình sửa sang”.
ĐNCT