Cửa sổ tri thức

Kiêng kỵ trong nấu nướng, ăn uống

08:54, 14/05/2017 (GMT+7)

* Trước đây, chuyên mục Cửa sổ Tri thức trên Đà Nẵng cuối tuần có nói về các loại thực phẩm không được ăn chung với nhau vì có hại cho sức khỏe. Cho tôi hỏi, vậy các loại thực phẩm nào không được nấu với nhau? Trứng là một loại thực phẩm bổ dưỡng, nhưng tôi nghe nói không được ăn trứng với một số thực phẩm khác? (Mỹ Hạnh, Hải Châu, Đà Nẵng).

Trứng là một loại thực phẩm bổ dưỡng, nhưng nếu ăn chung với một số thực phẩm kiêng kỵ khác sẽ gây hại cho cơ thể.
Trứng là một loại thực phẩm bổ dưỡng, nhưng nếu ăn chung với một số thực phẩm kiêng kỵ khác sẽ gây hại cho cơ thể.

 - Nhiều loại thực phẩm rất giàu chất dinh dưỡng, nhưng khi nấu chung với nhau sẽ gây ra tương tác bất lợi dẫn đến tình trạng khó tiêu hóa, ngộ độc hoặc nhiễm độc lâu dài cho cơ thể.

Đông y khuyên chúng ta lưu ý những điều kiêng kỵ trong nấu nướng, ăn uống như sau:

Cua không nên nấu với quả cà dái dê. Bí đỏ không nấu với tôm. Lươn kỵ nấu với táo đỏ. Bắp kỵ nấu với ốc; còn ốc thì không nấu với mì.

Ba ba không nên nấu với rau dền, vì ba ba mang tính hàn, còn rau dền mang tính mát. Vì vậy, nếu chế biến hai thứ này thành một món ăn sẽ gây chướng bụng, đồng thời còn mắc chứng khó tiêu hóa.

Không xào chung gan với giá đỗ. Trong 100gr gan lợn có khoảng 2,5mg đồng. Giá chứa nhiều vitamin C. Nếu xào giá cùng với gan heo, trong thời gian tiêu hóa, vitamin C sẽ bị ô-xy hóa. Giá sẽ biến thành chất bã, không còn giá trị dinh dưỡng nữa.

Không nấu cà chua với khoai tây, bởi khi ăn sẽ khó tiêu, rất dễ dẫn đến đau bụng, tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa.

Không nấu thịt gà với rau kinh giới, bởi sẽ gây ra chứng đầy bụng, khó tiêu. Nếu ăn thường xuyên có thể dẫn đến chứng khó đi ngoài.

Về các loại trứng, Đông y khuyên không nên ăn cùng với một số thực phẩm như sau:

Trứng và sữa (sữa tươi/sữa đậu nành) không nên ăn cùng với nhau vì trong sữa có chứa chất lactose, trong trứng chứa rất nhiều chất protein. Nếu ăn hai loại thực phẩm này cùng với nhau thì cơ thể rất khó hấp thụ chất lactose. Hơn nữa, các chất dinh dưỡng khác lại khó được tiêu hóa.

Dùng trứng chung với óc lợn sẽ làm tăng cholesterol trong máu, dễ làm người ăn bị chứng cao huyết áp đột ngột, dẫn đến tử vong.

Không nên ăn thịt ngỗng, thịt thỏ ngay sau khi ăn trứng vì thịt thỏ, thịt ngỗng có tính hàn. Trứng cũng thuộc nhóm thực phẩm này và cả hai đều có chứa một số chất có hoạt tính sinh học, khi ăn cùng nhau sẽ xảy ra phản ứng kích thích đường tiêu hóa, gây tiêu chảy. Ngoài ra, việc ăn trứng cùng lúc với thịt rùa/thịt ba ba có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

Ăn quả hồng ngay sau khi ăn trứng là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm và viêm dạ dày ruột cấp tính. Sau khi ăn 1-2 giờ, có thể dẫn tới nôn mửa.

Không nên uống trà hoặc nước chè đặc ngay sau khi ăn trứng. Trà chứa nhiều axit tannic kết hợp với protein trong trứng làm chậm hoạt động của ruột, kéo dài thời gian lưu trữ phân trong ruột, không chỉ là nguyên nhân gây ra táo bón mà còn làm tăng nguy cơ tích trữ các chất có hại cho cơ thể và gây ra chất ung thư, tác động xấu đối với sức khỏe con người.

Không nên nấu chín trứng cùng với đường và không nên dùng đường ngay sau khi ăn trứng. Một số người còn giữ thói quen dùng nước đường thắng để lấy màu khi chế biến món thịt kho trứng. Điều này sẽ làm cho protein fructose axit amin trong trứng tiếp hợp với lysine, tạo thành chất khó hấp thu trong cơ thể.

Không nên ăn trứng với tỏi vì dễ bị đầy bụng, khó tiêu. Bởi lẽ, mỗi quả trứng trung bình 17gr chứa tới 220mg cholesterol và nhiều chất béo, chủ yếu là axít bão hòa. Do đó, nếu ăn quá nhiều trứng, cơ thể sẽ khó có khả năng đào thải hết cholesterol trong cơ thể, khiến dễ bị đầy bụng, khó tiêu.

ĐNCT

.