Cửa sổ tri thức

Thẻ nhà báo và Thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam

15:06, 19/06/2018 (GMT+7)

* Sự khác biệt giữa Thẻ nhà báo và Thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam? (Hồ Văn Nam, Sơn Trà, Đà Nẵng)

Thẻ nhà báo do Nước CHXHCN Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông đại diện) cấp, Thẻ hội viên do Hội Nhà báo Việt Nam cấp. Ảnh: V.T.L
Thẻ nhà báo do Nước CHXHCN Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông đại diện) cấp, Thẻ hội viên do Hội Nhà báo Việt Nam cấp. Ảnh: V.T.L

- Giữa hai loại thẻ này có nhiều điểm khác biệt. Trong khi Thẻ Hội viên (Member Card) Hội Nhà báo Việt Nam đơn thuần chỉ là một thẻ chứng nhận là hội viên của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp (như các hội: Nông dân, Làm vườn, Nhà văn...) do Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cấp, thì Thẻ nhà báo (Press Card) do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp và là loại thẻ duy nhất được pháp luật công nhận trong hoạt động báo chí.

Theo quy định của Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam và các văn bản liên quan, “Công dân Việt Nam tán thành tôn chỉ, mục đích của Hội, tự nguyện xin vào Hội, chấp hành Ðiều lệ Hội và có đủ các điều kiện và tiêu chuẩn sau có thể trở thành hội viên Hội Nhà báo Việt Nam”.

Điểm mới về điều kiện kết nạp hội viên mới sau Đại hội IX Hội Nhà báo Việt Nam là “Đối với các đồng chí Tổng Biên tập, Phó Tổng biên tập báo, tạp chí hoặc Giám đốc, Phó Giám đốc Đài PT-TH mới được đề bạt, bổ nhiệm hoặc từ cơ quan khác chuyển đến, chưa đủ thời gian làm báo theo quy định nhưng có nhu cầu kết nạp, thuộc trường hợp đặc biệt, các cấp Hội làm hồ sơ đề nghị Ban Thường vụ xem xét, quyết định”.

Ban Công tác Hội Nhà báo Việt Nam lưu ý: “Đối với các phóng viên Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện không có thẻ nhà báo hoặc không phải là phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh biệt phái thì không xét kết nạp, cơ quan đài TT quận, huyện không phải là cơ quan báo chí được Bộ Thông tin-Truyền thông cấp phép”.

Theo quy định tại Luật Báo chí 2016 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017), nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp Thẻ nhà báo. Người được cấp Thẻ nhà báo về cơ bản phải là người tham gia vào bộ máy sản xuất tin, bài nhưng cũng phải đáp ứng một số điều kiện khác, trong đó có công tác liên tục 2 năm ở một cơ quan (Luật Báo chí 1999 quy định phải là 3 năm).

Căn cứ vào Điều 26 Luật Báo chí 2016, đối tượng được cấp thẻ Nhà báo gồm: Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, tổng biên tập, phó tổng biên tập cơ quan báo chí, thông tấn; trưởng phòng (ban), phó trưởng phòng (ban) nghiệp vụ báo chí của cơ quan báo chí, thông tấn; phóng viên, biên tập viên của cơ quan báo chí, thông tấn; người quay phim, đạo diễn chương trình phát thanh, truyền hình (trừ phim truyện) của các đơn vị được cấp giấy phép hoạt động báo chí trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình và sản xuất phim tài liệu của Nhà nước; phóng viên, biên tập viên, người phụ trách công tác phóng viên, biên tập ở đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và tương đương; người đã được cấp thẻ nhà báo nhưng được điều chuyển sang làm công việc khác vẫn tiếp tục có tác phẩm báo chí được sử dụng, được cơ quan báo chí xác nhận.

Theo luật mới sửa đổi này, khi nhà báo tác nghiệp, chỉ cần xuất trình Thẻ nhà báo là khỏi cần Giấy giới thiệu. Theo đó, “khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình Thẻ nhà báo”, những cơ sở/đơn vị có “động tác” gây khó khăn nhằm cản trở nhà báo tiếp cận thông tin hoặc gây khó cho nhà báo tác nghiệp sẽ không thể đạt mục đích.

Thực tiễn hoạt động báo chí, nhiều phóng viên, nhà báo đã bị cản trở, gây khó khăn khi đi làm việc tại một số cơ sở. Điển hình, khi nhà báo đến làm việc, nhất là về vấn đề tiêu cực, các cơ sở thường đòi hỏi nhà báo phải có Giấy giới thiệu, còn nếu phóng viên đã có Giấy giới thiệu thì yêu cầu phải có Thẻ nhà báo (!)

Đặc biệt, cách đây chưa lâu, tại Thông tư 01/2014/CA của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao đã đưa vào quy định nhà báo đến dự phiên tòa phải có cả Thẻ nhà báo và Giấy giới thiệu. Quy định này đã gây dư luận không đồng tình từ báo giới và dư luận xã hội.

Thực tế không chỉ Tòa án mới có quy định như thế, mà ngay cả một số phường/xã, khi nhà báo muốn làm việc với lãnh đạo phường/xã thường bị yêu cầu quay trở lại cơ quan xin Giấy giới thiệu. Nay, điều này sẽ không còn nữa bởi quy định luật rất rõ ràng.

Điểm c, Khoản 2, Điều 25, Luật Báo chí 2016 quy định: Nhà báo “được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình Thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật”.

.