Cửa sổ tri thức
Về thành ngữ "Nam tôn nữ ti"
* Chuyên mục Cửa sổ Tri thức trả lời câu hỏi “Không để tang chồng cô, vợ cậu, chồng dì?” trên Báo Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 29-4-2018 có đoạn: “Một trong những quan niệm phong kiến lạc hậu xuất phát từ Nho giáo là trọng nam khinh nữ (“nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”), xem con gái là người ngoài tộc (“nữ nhi ngoại tộc”)”. Xin cho hỏi, thành ngữ “nam tôn nữ ti” (nam cao nữ thấp) có cùng nghĩa như thế không? (Hoàng Nam, Sơn Trà, Đà Nẵng).
- Thành ngữ “Nam tôn nữ ti” nhiều khi được gán ghép với một quan niệm xuất phát từ phong kiến lạc hậu thành “Nam tôn nữ ti, nữ nhi ngoại tộc” với nghĩa trọng nam khinh nữ. Thực ra, “nam tôn nữ ti” và “nữ nhi ngoại tộc” mang hai nét nghĩa gần như đối nghịch nhau.
Bài viết Nguồn gốc của thành ngữ “Nam tôn nữ ti” (“Trọng nam khinh nữ”) đăng trên trang Chùa Bửu Châu (ở ấp 4A, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi - TP. Hồ Chí Minh) tại địa chỉ chuabuuchau.com.vn giải thích một cách cụ thể về ngữ nghĩa của thành ngữ này.
Theo đó, chữ “tôn” (cao) và “ti” (thấp) trong câu “Nam tôn nữ ti” vốn có nguồn gốc từ đạo lý Âm Dương hòa hợp của Kinh Dịch. Hàm nghĩa của câu “Nam tôn nữ ti” là ý nói rằng nam giới có đặc tính khí chất của người nam, nữ giới có đặc tính khí chất của người nữ, điều này đã quyết định sự phân công các nhiệm vụ vai trò khác nhau của nam nữ trong gia đình, nam nữ tuân thủ nghiêm ngặt vị trí của mình, gia đình tự nhiên sẽ êm ấm thịnh vượng.
Thiên - địa, âm - dương, nam - nữ là một phương pháp “phân loại” của cổ nhân. “Nam tôn nữ ti” (xuất phát từ “Thiên tôn địa ti” khai triển diễn biến mà sinh ra) có hàm nghĩa là “nam nữ là không giống nhau”.
Nam tôn: Làm một người đàn ông – tạo vật đặc biệt của tự nhiên, nếu muốn hợp với “Đạo”, nhất thiết phải giống như Trời. Hai thuộc tính của nam tôn là: Cao vang công chính (ở địa thế trên cao, âm thanh vang rộng công bằng chính trực) và tự cường bất tức (tự mình cố gắng mạnh mẽ không nghỉ).
Nữ ti: Làm một người phụ nữ – tạo vật đặc biệt của tự nhiên, nếu muốn hợp với “Đạo”, nhất định phải giống như Đất, to lớn khiêm nhường, bao dung, lấy đức dày chở muôn vật, vô tư vô oán.
“Nam tôn nữ ti” đề xướng hòa hợp của tự nhiên, âm dương đều có an bài vị trí của mình. Vì vậy “Nam tôn nữ ti” là giảng đạo lý nam nữ nên sống hài hòa như thế nào trong hôn nhân và đời người. Một người đàn ông phẩm cách cao thượng, người phụ nữ tự nhiên sẽ tôn trọng anh ta, thuận theo anh ta. Trong gia đình, nam nhân chính trực cao thượng, nữ nhân nhã nhặn khiêm hòa, khoan dung; thì gia đình không có một lý do nào của sự bất hòa. Ở trong xã hội và gia đình như vậy, người phụ nữ cũng tự nhiên có được địa vị tương ứng và sẽ không có sự kỳ thị.
- Trong khi đó, “nữ nhi ngoại tộc” có nghĩa con gái một khi đã đi lấy chồng là thuộc về dòng họ khác (nên trong gia phả không ghi tên con gái). Nhiều người cho rằng quan niệm cổ hủ này không còn phù hợp trong xã hội hiện nay.
Tác giả Thảo Phượng trong bài viết Con gái sẽ thay con trai “nối dõi tông đường”? đăng trên trang petrotimes.vn (Báo điện tử của Hội Dầu khí Việt Nam) đã dẫn lời ông Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên của Quốc hội cho rằng tư tưởng con trai nối dõi tông đường từ lâu đã đi vào một nếp nghĩ, một thói quen thậm chí như một chuẩn mực văn hóa nhưng đến bây giờ thì không còn phù hợp.
Theo ông Chức, vấn đề này dẫn đến sự bất thường về giới. Các cụ thường hay nói con cái do trời sinh, mà trời sinh thì phải có nam, có nữ. Thế nhưng vì chỉ nghĩ đến trọng nam và rồi nam nhiều còn nữ thiếu gây ra những bất ổn trong xã hội và rồi nó dẫn tới phức tạp không chỉ trong chuyện giới nữa mà cả trong cả kinh tế, chính trị và xã hội.
Tóm lại, “nam tôn nữ ti” chuyển tải giảng đạo lý nam nữ nên sống hài hòa như thế nào trong hôn nhân và đời người, khác xa với nghĩa phân biệt giới tính như: “nữ nhi ngoại tộc”, “trọng nam khinh nữ”, “nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”,...
ĐNCT