Sáng tác
Lấy chồng à? Chuyện nhỏ!
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Lấy chồng à? Chuyện nhỏ!
Ông bà mình đã đúc rút chán chê rồi, rằng lấy vợ xem tông lấy chồng xem giống. Nhưng bà mẹ Dao cóc cần. Bà không buồn để ý. Trong lúc nước sôi lửa bỏng thì để ý gì nữa. Không cần tông. Không cần giống. Cứ nhằm thẳng quân thù mà bắn là xong.
Thì Dao của bà đấy. Con gái rượu (cuốc lủi hay rượu Tây, hãng nào, niên đại xuất xứ thế nào chỉ bà mới biết) đã ngoài ba mươi rồi. Như ở quê là ế sưng ế sẩy rồi. Mới ngày nào còn là cục vàng giờ bỗng chốc thành bom nổ chậm.
Gái ế giờ ba bảy đường chín mười kiểu. Nhưng tựu trung lại, có ế thụ động và ế chủ động. Phân loại vậy cho dễ hiểu. Nhiều gái học liên miên, nếp nhăn ở vỏ não kín đặc, đau đáu đâm đầu đánh đu theo tiền tài sự nghiệp, khi hòm hòm mọi thứ mới ngoảnh đầu lại, nhìn xung quanh bạn bè đã tay bồng tay bế, a-lô hẹn cà-phê tán nhảm lần nào cũng thấy bạn còn bận thay bỉm con ỉa, si con đái, tứ tung nội ngoại... Lúc ấy mới nhận ra còn mỗi mình trên cao lộng gió. Cuống cuồng hốt hoảng tìm mảnh ghép còn lại đang lơ lửng đâu đó trong không gian bụi bặm ô nhiễm này. Khổ nỗi, trai cùng lứa đã gia thất yên bề. Chưa kể nhìn đâu cũng thấy toàn trai kém hơn mình. Đui què sứt mẻ. Không khuyết tật vận động thì khuyết tật trí óc. Rồi đứt gánh giữa đường, hết tập một, hay đã qua tập hai tập ba cũng có. Đành cố thủ giang sơn một cõi. Chẳng thà ở vậy nuôi thân béo mầm. Đấy là ế chủ động.
Nửa gái còn lại xếp hàng phía bên kia, thì hoặc tài hèn hoặc sắc hẹp hoặc tính hấp hoặc tổ hợp cả ba, dập dìu giữa đời mà trong mắt trai tráng có cũng như không. Thoắt ẩn thoắt hiện, sau là ẩn đâu đó, hoặc dẫu có đường tình em đi, tua đi tua lại vài đường đều không thành. Như gái nói, bạn gái nói, ba mẹ gái nói, tất cả đều dẫn lại lời của thầy của cô phán, là em có duyên âm. Người âm theo em phá. Em không yêu được người trần. Nghe ghê chứ. Người trần còn chẳng ăn ai, vướng với người âm thì ác liệt quá. Chung quy lại, các gái này đều ế, dù khát khao hay khao khát một mảnh chồng con con, một mỏi mòn nho nhỏ. Đấy là ế thụ động.
Theo thước đo phân loại trên, Dao xếp loại thứ hai.
Nhân vật nam cao to đẹp trai, kỹ sư như ai, hiền như cục đất. Nói năng từ tốn. Đi đứng khoan thai. Làm gì cũng từ từ nhưng được việc. Riêng cái tên ngược lại tất cả với những thứ trên người, trong người. Tên Nghịch. Đọc lên nghe có vẻ nghịch lỗ nhĩ. Cứ ình ịch như vác đất đóng gạch.
Nghịch là dân xây dựng. Chuyên sâu thiết kế ngoại thất.
Chịu thương chịu khó, hết giờ ở công ty, Nghịch còn nhận thêm việc làm ngoài giờ. Hoàn cảnh cả. Đời ai chẳng thích sướng, nhàn thân. Nhưng Nghịch mới đưa bố mẹ ra phố, cả nhà còn phải ở trọ. Bố mẹ Nghịch xoay xở. Nghịch cũng xoay xở. Mà đất làm nhà ở phố không đơn giản như bốc đất dưới ao xây lâu đài cho con bé hàng xóm hồi nhỏ.
Một ngày bình thường như bao ngày không có gì bất thường ở thành phố này. Gió thổi cứ thổi. Chim kêu cứ kêu. Sóng biển vỗ cứ vỗ. Người cứ thế, quay đều quay đều quay đều với công việc. Mỗi mẹ Dao không quay, đứng đực ra, khi Nghịch bước vào nhà.
Chả là mẹ Dao tính làm hòn non bộ. Thời buổi giờ cái đẹp lặn vào trong là thất sách. Đẹp phải đẹp từ trong ra ngoài. Đẹp phải phô ra, lộ ra, phơi ra dưới ánh sáng mặt trời cho tâm hồn thêm phần rực rỡ rực lửa. Nhà cửa cũng thế, dẫu là nhà Thái, nhà Ả Rập, bên ngoài kiểu Pháp bên trong kiểu Ý thời phục hưng hay Hy Lạp cổ đại, thì dứt khoát trước nhà phải có hòn non bộ. Với suối chảy róc rách, rêu xanh ướt át. Với Chí Phèo hút thuốc lào, Thị Nỡ cười nham nhở. Với cá tung tăng bơi trong tuyệt vọng, lâu lâu chết nổi bụng mà ông lão vuốt râu ngồi câu phía trên chẳng bao giờ bắt được con nào. Với cu con cưỡi trâu cười nhe răng thổi sáo. Với cây cổ thụ mọc lên, thêm mái chùa chênh vênh cong cong. Nghĩa là tất tần tật làng quê hồn cốt Việt nhét vào một chỗ. Mặc sự vô hồn, nháo nhào đưa vào để chứng tỏ mình có hồn, có gu, có thẩm mỹ, có đủ thứ có.
Vậy nên Nghịch có việc.
Năm ngày qua lại làm hòn non bộ là năm ngày Nghịch như sống trên chín tầng trời.
- Cô giao cho con toàn quyền quyết định. Non bộ non tỉnh non huyện cô không thạo gì hết, con làm sao miễn đẹp là được.
- Dạ! Nghịch nói nhỏ nhẹ.
- Nghỉ tay uống nước đi con. Người đâu mà chịu khó. Cứ từ từ rồi cũng xong thôi. Nhà cô có bốc hơi đi đâu mà phải nhanh.
- Dạ. Nghịch nhỏ nhẹ cười.
- Mà con vợ con gì chưa? Trông thế này chắc con gái chạy theo cả đoàn?
Mặt Nghịch đỏ bừng. Ngơ ngơ ngẩn ngẩn.
- Nói vậy chứ, vợ con không ẩu được con ạ. Ăn ở với nhau cả đời nó khác. Sắc nước hương trời rồi cũng bay cũng nhạt, còn lại là cái đức cái tính con ạ. Như con Dao nhà này…
Mặt Nghịch lại bừng đỏ. Ngẩn ngẩn ngơ ngơ.
Cứ vậy, mẹ Dao nhồi vào tai Nghịch như nhồi thú bông. Nghịch hết dạ dạ lại cười cười.
Dao đi làm về, cười hềnh hệch, có bao nhiêu sự vô duyên phơi ra hết thảy.
- Chiến dịch của mẹ sao rồi? Tối con có đi chơi với người ta không, để con còn xếp lịch đi bar với bọn bạn?
- Cha bố chị. Chồng cho chị chứ chồng cho tôi đấy à mà cái gì cũng cứ mẹ.
- Thì bởi, nhưng là con rể để mẹ mát mặt. Ai bảo mẹ sinh con ra xấu đau xấu đớn, thua kém thiên hạ làm gì.
- Rõ dơ chưa. Tao vứt cho mày bao nhiêu tiền vào thẩm mỹ viện mày biết không?
Đấy là trước mặt Dao. Với Nghịch, mẹ Dao vẫn xoắn lên như cao su phải lửa. Phải. Con dại cái mang. Quần quật cả đời cũng chỉ cho con cái, không lo cho nó thì lo cho ai.
Đùng cái, hôm mẹ Dao làm mâm cơm, gọi là chúc mừng và cảm ơn Nghịch vì hòn non bộ đẹp như ý đã hoàn thành. Cả nhà ăn nhậu đề huề, mẹ Dao thuyết trình no nê. Nghịch cười nhỏ nhẹ muốn mỏi miệng. Tê tê chào về thì con xe còm cõi tích cóp mới mua được đã không cánh mà bay. Bảo thế có điên không?
Điên. Phát điên đấy, nếu là người thường. Nhưng vào tay mẹ Dao thì chẳng có gì phải điên, gỡ nhẹ như lông hồng.
- Con cứ lấy xe của Dao đi tạm, không phải suy nghĩ gì cả. Dao sẽ đi xe cô. Lỗi tại cô. Để cô sẽ tính.
Chẳng hiểu sao Nghịch cũng gật, nhẹ nhàng như thể lời mẹ Dao có bùa có ngải.
Chiều chiều mẹ Dao a-lô, con đang ở đâu sang chở mẹ đi chùa được không? A-lô, con đang ở đâu chở mẹ đi nhận hàng được không? A-lô, anh đang ở đâu, qua chở em đi chợ với, mẹ lấy xe đi việc rồi. Chu choa. Nghịch giật thót, mẹ Dao xưng mẹ - con với Nghịch từ khi nào Nghịch cũng không để ý. Dao hơn Nghịch ba tuổi mà xưng em em anh anh ngọt hơn mía lùi bếp than.
Thấy mẹ Dao săn Nghịch lộ liễu quá nhiều người xúm xít bóng gió. Cứ như mẹ Dao kiếm chồng cho mình. Tính hạ giá con gái mình à? Mẹ Dao nghe cười hềnh hệch. Lời nói gió bay. Gì chứ thành phố biển này gió trời lồng lộng. Nói chán thì thôi. Chuyện vợ chồng con cái mình là chuyện lớn, chuyện cả đời. Mấy lời ong tiếng ve có là gì. Chưa kể thiên hạ giờ rảnh, ngứa miệng hay thích xé rào hé mắt nhìn qua nhà khác. Chuyện lớn phải biết đạp lên mặt dư luận mà tiến. Để mấy thứ tủn mủn ấy cản đường không đáng.
Mẹ Dao tiến thêm bước dài nữa.
- Đấy. Mẹ nói thật. Mẹ chỉ có hai con thôi. Của cải chết rồi cũng không khuân đi được. Để lại cho Dao và anh cả của nó. Hai đứa lấy nhau, trước mắt cứ qua ở căn nhà hiện mẹ đang cho thuê ở phường bên.
Được lời như cởi tấm lòng. Ừ thì cũng là vợ. Rồi sinh con. Yên bề được rồi. Bố mẹ thúc như gọi đò. Nghịch nghĩ đơn giản thế, như vốn dĩ trước giờ tính vẫn đơn giản thế.
Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà. Đàn ông phải làm ba việc lớn ấy trong đời mới gọi là thành đạt. Nghịch gật đầu là có cả ba. Hoàn thành sứ mệnh của đời trai dễ hơn ăn kẹo, ăn kẹo còn phải bóc vỏ.
Bạn bè đùa Nghịch, làm nghề thiết kế ngoại thất tưởng mắt tinh lắm, sao chọn vợ không quan tâm đến ngoại thất gì cả. Nghịch chỉ biết cười. Tắt lửa nhà ngói cũng như nhà tranh.
Cao tay hơn, không hiểu mẹ Dao thương thuyết kiểu gì, bố mẹ Nghịch đồng ý chuyển về căn nhà mẹ Dao tính cho hai người trước khi cưới. Rõ là ê mặt chưa. Có người nói bóng nói gió. Vừa vừa phải phải chứ. Cũng là cho. Cũng cách cho. Cưới xong rồi cho có phải hay không? Làm vậy khác gì bà mua con rể. Con Dao cũng đâu đẹp mặt gì. Mẹ Dao cười khì khì. Cây sắp ra trái, hái nhanh chứ để lâu lại sinh chuyện.
Đám cưới. Mẹ Dao lo từ A đến Z, cả sau Z nữa. Chú rể đón cô dâu từ nhà cô dâu về nhà… cô dâu. Ồ! Giờ mới để ý hai chữ trên sân khấu đám cưới, Nghịch – Dao. Cả hai sinh ra là để cho nhau, đến cái tên cũng hợp.
Đấy. Đã nói mà. Lấy chồng à? Chuyện nhỏ! Việc gì mà phải sốt ruột, cuống cả lên thế!
Tên khai sinh Lê Văn Thành (bút danh Văn Thành Lê), sinh năm 1986 tại Thanh Hóa, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, hiện là BTV tạp chí Văn nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu. Giải thưởng: Giải Nhì truyện ngắn Báo Phụ nữ TP.HCM, 2009; Tặng thưởng truyện ngắn hay của tạp chí Nhà Văn, 2011; Giải Nhì thơ Bút Mới lần 9, Báo Tuổi Trẻ, 2012. Đã in: 7 tập truyện Hình như là tình yêu (2008), Con gái tuổi Dần (2009), Trạm điện thoại ở thiên đường (2011), Châu lục thứ 7 ( 2014), Ông mặt trời và mùi hương của mẹ (2011), Biết tới khi nào mưa thôi rơi (2012), Không biết đâu mà lần (2014). |
VĂN THÀNH LÊ