Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

"Bông hoa" làm theo Bác

07:59, 23/12/2014 (GMT+7)

CCB Nguyễn Thị Hoài Thu (SN 1950) phải đảm nhiệm cùng lúc nhiều chức vụ khác nhau tại Chi hội 16, phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu) như: Chi hội trưởng Phụ nữ, Chi hội trưởng Chữ thập đỏ…; tham gia công tác ở Chi hội từ thiện, bảo vệ quyền lợi trẻ em, cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình và công tác trẻ em.

Với công việc nào chị cũng gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động tại địa phương, đồng thời vẹn toàn vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình.

CCB Nguyễn Thị Hoài Thu đi đầu trong phong trào thu gom và phân loại rác thải tại địa phương để gây quỹ.
CCB Nguyễn Thị Hoài Thu đi đầu trong phong trào thu gom và phân loại rác thải tại địa phương để gây quỹ.

Lúc 15 tuổi, chứng kiến quê hương bị giặc giày xéo, Hoài Thu hăng hái tham gia kháng chiến. Năm 16 tuổi, chị chính thức gia nhập quân đội. Hòa bình lập lại, người lính Cụ Hồ ngày nào cống hiến tuổi xuân ở xưởng Dược Quân khu 5.

Cũng tại đây, chị nảy sinh tình cảm và kết tóc se duyên với CCB Nguyễn Thành Ngô (SN 1944). Những tưởng bom đạn chiến trường đã lùi, đôi vợ chồng trẻ cùng nhau trải qua những tháng ngày bình yên. Vậy mà di chứng chiến tranh luôn ám ảnh. Nỗi đau chất chồng nỗi đau, hai người con đầu lòng lần lượt ra đi khi chào đời không bao lâu.

Lúc ấy, chị cứ nghĩ các con qua đời sớm là do sinh non. Rồi nhờ sự thương yêu, đùm bọc, thuốc men nhiệt tình của đồng nghiệp, vợ chồng chị vỡ òa hạnh phúc khi lần lượt đón chào cô con gái thứ ba và người con trai thứ tư. Nhưng bi kịch lại đến với vợ chồng chị khi đứa con trai út phát triển không bình thường. Lúc này, hung tin chồng và con bị ảnh hưởng chất độc da cam cũng đổ ập xuống với chị.

Nhớ lại quãng thời gian ấy, chị vẫn rưng rưng: “Có người mẹ nào mà không mong muốn con mình lớn lên mạnh khỏe như những đứa trẻ khác. Nhiều đêm liền tôi mất ngủ. Nhưng những năm tháng tham gia kháng chiến đã rèn nghị lực, cho tôi sức mạnh để vượt qua đau thương. Tôi học cách chấp nhận thực tế và tìm niềm vui trong công việc, phong trào”.

Không chỉ bị phơi nhiễm chất độc da cam, chồng chị còn bị tai biến nhẹ, mọi gánh nặng gia đình đè lên vai chị. Vậy mà những năm qua, chị vẫn thu xếp mọi chuyện trong ấm, ngoài êm và tham gia công tác xã hội.

Sau 24 năm công tác trong quân đội, chị nghỉ hưu, đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau tại địa phương. Chị chia sẻ: “Ban đầu, tôi khá chần chừ, không dám nhận vì sợ không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Khi tâm sự với chồng, anh ấy vui vẻ động viên tôi. Nghĩ đi rồi nghĩ lại, mình là CCB, là Bộ đội Cụ Hồ, được mọi người tin yêu mà không tham gia cũng áy náy. Tôi nhớ tâm nguyện của Bác trong Di chúc: “Suốt đời tôi hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Từ đó, tôi mạnh dạn nhận công tác, trước hết là giúp đỡ phong trào, sau nữa là giúp mình giải tỏa nhọc nhằn, tìm thêm niềm vui trong cuộc sống”.

Ai mới sinh, ai mới mất, gia đình nào khó khăn, gia đình nào có thương binh, liệt sĩ, chị em nào trong độ tuổi sinh đẻ…, chị đều nắm rõ, thuộc vanh vách. Khi có người qua đời ở địa phương, chị tích cực vận động mọi người với tinh thần tình làng nghĩa xóm thay phiên nhau đi chợ, nấu ăn, phụ giúp gia đình trong những ngày tang lễ.

Ở vai trò cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chị theo dõi, nắm bắt các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, tuyên truyền kiến thức, nhắc nhở chị em khám sức khỏe định kỳ, đặt vòng tránh thai và cấp thuốc miễn phí. Chị còn đôn đốc các bà mẹ đưa con em mình đi tiêm vắc-xin phòng chống sởi, quai bị… Nhiều năm nay, khu dân cư nơi chị phụ trách không có người sinh con thứ ba, không có trẻ em bỏ sót tiêm phòng hoặc suy dinh dưỡng.

Thế nhưng, nhắc đến chị, bà con lại nhớ dấu ấn phong trào thu gom và phân loại rác thải tại địa phương để gây quỹ. CCB Hoài Thu hồ hởi: “Nhiều năm qua, gia đình tôi dành riêng một góc sân sau làm nơi tập kết rác thải, phế liệu mà bà con đem đến. Dẫu biết phế liệu ở đâu thì môi trường nơi đó sẽ bị ảnh hưởng nhưng vì công việc chung, tôi luôn cố gắng sắp xếp, thu dọn gọn gàng, sạch sẽ. Hằng tháng, Chi hội Phụ nữ 16 bán phế liệu được từ 500.000 - 700.000 đồng, liên tục nhiều năm với số tiền lên đến hơn 30 triệu đồng. Số tiền trên được sử dụng vào quỹ học bổng Ước mơ xanh hằng năm, giúp đỡ người nghèo, ủng hộ biển đảo quê hương…”.

Ông Phan Xuân Ạp, Chủ tịch Hội CCB phường Hòa Thuận Đông cho biết: “Nhiều năm nay, CCB Hoài Thu luôn đóng góp tích cực cho địa phương và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, sắm nhiều “vai” nhưng “vai” nào cũng tròn, được nhân dân rất tin yêu. Đặc biệt, sáng kiến thu gom và phân loại rác thải tại địa phương gây quỹ hoạt động của CCB Hoài Thu đã trở thành phong trào, nâng cao ý thức cho người dân… Nhà nào có phế liệu đều để dành đem đến nhà CCB Hoài Thu. Thậm chí, mấy anh đi đâu xa để liên hoan, hội họp cũng luôn nhớ gom vỏ lon về cho CCB Hoài Thu”.

Có nhiều đóng góp cho cộng đồng nhưng CCB Hoài Thu lại khiêm tốn: “Tôi còn phải rèn luyện, phấn đấu hơn nữa để xứng đáng với hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, xứng đáng với vai trò, vị trí người CCB trong cuộc sống đời thường”.

KHA MIÊN

.