Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Trái tim tình nguyện

07:58, 14/09/2015 (GMT+7)

Chưa từng từ chối một hoạt động tình nguyện nào, thường xuyên vận động đoàn viên giúp đỡ những trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở các xã của huyện Hòa Vang…, anh Trà Thanh Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Thành Đoàn, Bí thư Đoàn khối Các cơ quan thành phố đã khẳng định rằng: “Tình nguyện” luôn được bắt đầu bằng chữ “tình”- sự tự nguyện đi theo mệnh lệnh của trái tim, sự thôi thúc của tấm lòng luôn dám thử thách mình để mang lại điều gì đó cho người dân nghèo, các hoàn cảnh bất hạnh.

Thắp tim lên…

Do điều kiện kinh tế còn khó khăn và lợi dụng địa hình rừng rộng lớn, hầu hết các hộ dân thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang đều không sử dụng nhà vệ sinh (NVS). Điều này đang dần được thay đổi khi anh Trà Thanh Quang khởi xướng và vận động tất cả các đoàn viên chi đoàn, Đoàn cơ sở trực thuộc Đoàn khối Các cơ quan thành phố đóng góp để xây dựng công trình vệ sinh phù hợp với tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới.

Với các hộ nghèo nơi đây thì công trình NVS không chỉ đơn thuần góp phần thay đổi thói quen vệ sinh mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc… trú bão. Điều ám ảnh nhất với ông Lương Vĩnh Thịnh (thôn Trung Nghĩa) là hình ảnh những ngôi nhà cấp 4 tạm bợ, vách nứa, phên tre đứng chơ vơ giữa núi non cứ run lên từng chặp theo những cơn gió rít và tốc mái xoay tròn trong cơn bão Xangsane (2006) hay Nari (2013).

Vì điều này nên đến mùa mưa, nhiều hộ dân lại phải gói ghém, dắt díu nhau đi tránh bão hoặc đào hầm trú ẩn ngay trong sân nhà. Giờ đây, những NVS được xây dựng bằng bê-tông kiên cố, sạch sẽ đã là nơi trú ẩn an toàn cho người dân thôn Trung Nghĩa.  

Men theo con đường với nhà cửa thưa thớt, một bên là các bụi tre trúc rậm rạp, một bên là hồ lớn dẫn nước vào đồng lúa, ông Trần Em, Trưởng thôn Gò Hà (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) nói: “Không ai trong thôn từng nghĩ sẽ có đèn đường chạy qua nhà mình, chưa ai tưởng tượng được rằng khi đêm xuống, mọi người trong thôn lại có thể quây quần trò chuyện, họp hành; trẻ con, thanh niên có thể hát múa tại sân nhà sinh hoạt chung của thôn… Tất cả chỉ thay đổi khi áo xanh tình nguyện về”.

Anh Đinh Ngọc Dũng, Bí thư Đoàn xã Hòa Khương cho biết, đoàn viên thanh niên thôn Gò Hà từng không thể sinh hoạt Đoàn vào ban đêm chỉ vì quãng đường hun hút tối, gần chỗ sông nước nguy hiểm. Điều này đã được khắc phục trong năm 2014 bằng hệ thống đèn đường dài 1,5km, chạy thẳng đến nhà sinh hoạt chung của thôn do anh Trà Thanh Quang lên ý tưởng, xây dựng kế hoạch và vận động các đoàn viên thuộc Đoàn khối Các cơ quan cùng thực hiện.

Đều đặn hằng năm, anh Trà Thanh Quang lại vận động và trao 300 suất quà cho các trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, khó khăn trên toàn huyện Hòa Vang. Anh Nguyễn Bá Duân, Phó Bí thư Thường trực Huyện Đoàn Hòa Vang nhận xét: “Chỉ bằng hành động, luôn nhiệt huyết, trách nhiệm và quyết tâm… anh Quang đã giúp nhiều đoàn viên nhận ra: sống chỉ có ý nghĩa khi mình dành nhiều hơn sự quan tâm đến mọi người xung quanh chứ không sống vì quyền lợi và sự an toàn cho chính bản thân mình”.

Sáng tạo trong công tác Đoàn

Nhằm tạo môi trường hấp dẫn, lành mạnh cho các đoàn viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hơn nữa tình đoàn kết, hiểu biết và gắn bó nhau hơn trong các mối quan hệ công tác cũng như hoạt động của Đoàn, Hội; để quảng bá du lịch Đà Nẵng, tạo điểm nhấn trong các hoạt động văn hóa hướng đến phục vụ người dân và du khách trong mùa du lịch biển, 2 năm nay, anh Trà Thanh Quang đã xây dựng ý tưởng, tìm nhà tài trợ và trực tiếp tổ chức Hội thi dân vũ cho các cơ sở Đoàn trực thuộc.

Tại sân chơi này, mỗi đoàn viên không chỉ được hòa mình vào những điệu dân vũ sôi động, mỗi cá nhân thêm gắn kết với tập thể mà còn thể hiện nhiệt huyết của mình trong từng vũ điệu, phát huy khả năng sáng tạo trong xây dựng kết cấu bố cục của các bài dự thi, hình thành ý tưởng dàn dựng, thay đổi đội hình…

Chỉ thị 29-CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, xây dựng đội ngũ CBCCVC đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong tình hình mới. Để các đoàn viên có thể nhớ nằm lòng những nội dung của cuộc vận động “5 xây”, “3 chống”, anh Trà Thanh Quang đã tổ chức cuộc thi sáng tác kịch bản, theo đó những kịch bản hay nhất sẽ được nhận giấy khen, phần thưởng và được hỗ trợ dàn dựng trên sân khấu.

Tương tự như vậy, để Chỉ thị 43-CT/TU trở nên gần gũi, sinh động hơn trong mắt các đoàn viên, anh Trà Thanh Quang lại tổ chức cuộc thi mang tên Người Đà Nẵng - viết về những con người bình dị đang góp phần giúp cho thành phố biển ngày một văn hóa, văn minh hơn.

Điều đồng hành trong 13 năm làm công tác Đoàn của anh Trà Thanh Quang là lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Ngươi sẽ chết mất nếu đám thanh niên sớm già của ngươi không hồi sinh” (1925). Với anh Trà Thanh Quang, công tác Đoàn là đam mê, bởi từ đây, anh và những đoàn viên khác, qua phong trào tình nguyện, qua hoạt động Đoàn, Hội sẽ cùng nhau ý thức rõ hơn sức mạnh và khí phách của thanh niên, để không là “những người vội “chết” khi mới 25 mà mãi đến 75 mới được chôn”, để mỗi trái tim tự gõ nhịp tình nguyện riêng cho mình, để tuổi vàng cống hiến thực sự có ý nghĩa...

MAI TRANG - QUỐC VINH

.