Công nghệ

Facebook và cái giá của sự miễn phí

14:40, 10/04/2018 (GMT+7)

Vụ bê bối “đánh cắp” dữ liệu của hàng chục triệu người dùng trên khắp thế giới của Facebook đã phần nào cho thấy cái giá của mạng xã hội miễn phí.

Biểu tượng của Facebook trên màn hình điện thoại và máy tính xách tay. Ảnh: AFP/TTXVN
Biểu tượng của Facebook trên màn hình điện thoại và máy tính xách tay. Ảnh: AFP/TTXVN

“Những thứ bạn sử dụng đấy thật sự là một sinh vật sống, nó có thể là một người hầu tận tụy nhưng cũng có thể là con buôn thứ thiệt có thể bán đứng bạn bất cứ lúc nào”.

Câu nói này được nhà báo nổi tiếng Walter Lippmann đưa ra vào năm 1959 khi nói về các chương trình truyền hình miễn phí, và giờ đây nhận định này dường như vẫn hoàn toàn đúng với phương tiện truyền thông xã hội “miễn phí”, đặc biệt là trang mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook.

Vụ bê bối “đánh cắp” dữ liệu của hàng chục triệu người dùng trên khắp thế giới mà Facebook đang hứng chịu búa rìu dư luận đã phần nào cho thấy cái giá của mạng truyền thông xã hội “miễn phí”, cũng như sự cấp bách phải có những biện pháp để kiểm soát và tăng cường bảo mật thông tin cá nhân người dùng.
       
“Vương quốc trên mạng” Facebook đang phải trải qua vụ khủng hoảng do để lộ thông tin người dùng nghiêm trọng nhất trong lịch sử công ty kể từ khi được thành lập. Vụ bê bối bị phát giác sau khi hai tờ báo lớn là New York Times (Mỹ) và The Guardian (Anh) đồng loạt đưa tin về việc thông tin của 50 triệu "Facebooker" bị công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica (CA) của Anh khai thác trái phép.

Theo đó, CA đã mua lại dữ liệu từ giáo sư Aleksandr Kogan thuộc Đại học Cambridge, người đã lấy được số dữ liệu khổng lồ này của người dùng Facebook mà họ không hề biết qua một ứng dụng khảo sát. CA đã xây dựng hồ sơ tâm lý người dùng và mạng lưới bạn bè của họ, qua đó lập nên các đoạn quảng cáo phục vụ lợi ích riêng trong những sự kiện chính trị lớn, như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hay cuộc trưng cầu ý dân về Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hồi năm 2016.

Dư luận càng phẫn nộ khi ông chủ Facebook thừa nhận con số người dùng thực tế bị khai thác dữ liệu trái phép lên tới gần 90 triệu người, và đối tượng bị lộ thông tin này có thể là bất cứ ai trong số hơn 2 tỷ người dùng của Facebook, những người đã “vô tình” cho phép nhiều phần mềm truy cập vào dữ liệu cá nhân của mình khi tham gia những ứng dụng giải trí tưởng chừng vô hại, đơn giản và khá vui vẻ của nền tảng mạng xã hội này.
       
Dù cho Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đã xin lỗi người dùng toàn cầu  nhận trách nhiệm và cam kết thay đổi chính sách để ngăn ngừa những sai sót về quản lý dữ liệu, nhưng sự thất bại của mạng xã hội lớn nhất hành tinh này trong việc bảo vệ thông tin người dùng đã khiến hàng nghìn người rủ nhau tẩy chay với chiến dịch có tên “DeleteFacebook”.

Bản thân vị tỷ phú 33 tuổi trong ngày 11-4 phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ để giải trình, trong bối cảnh công ty cũng phải đối mặt với nguy cơ các quốc gia đưa ra những biện pháp mạnh tay nhằm quản lý chặt hơn mạng xã hội này. Hậu quả để lại về mặt pháp lý chưa được làm rõ, song hậu quả kinh tế đã rất nặng nề.

Chỉ trong vài tuần sau khi vụ việc bị phanh phui, cổ phiếu của Facebook đã giảm tới 16%, khiến giá trị thị trường “bốc hơi” hơn 80 tỷ USD. Những rủi ro mà bê bối CA gây ra cũng đang khiến hàng loạt các nhà quảng cáo dần “rời bỏ” và hạn chế chi tiền trên nền tảng Facebook. Nếu cơn giận dữ của người dùng tiếp tục bị châm ngòi sau phiên điều trần, con số thiệt hại sẽ không chỉ dừng lại ở đó.
       
Hơn bao giờ hết, bê bối Cambridge Analytica đã phơi bày một sự thật "phũ phàng" rằng người dùng không phải khách hàng thực sự của Facebook mà là những “con gà đẻ trứng vàng” của “đế chế hùng mạnh” với 2,1 tỷ “tín đồ” này. Với mục tiêu cao cả "đưa chúng ta lại gần nhau hơn" và "xây dựng một cộng đồng toàn cầu", Facebook luôn tuyên truyền rằng dịch vụ của họ là “miễn phí và luôn luôn là như vậy”.

Vậy làm cách nào mà công ty này có thể thu về tới hơn 40 tỷ USD doanh thu trong năm ngoái? Câu trả lời đơn giản là nhờ quảng cáo. Người dùng sẽ không khỏi bất ngờ khi biết rằng chỉ những nút “share” (“chia sẻ”), hay “like” ("thích") tưởng chừng vô thưởng vô phạt trên Facebook, hay những bài viết trên trang cá nhân lại đồng nghĩa với việc họ đang tạo ra dữ liệu và sản xuất nội dung để các bên thứ 3 có thể dễ dàng khai thác.

Thông qua nút “like” hay “share”, mạng xã hội khổng lồ có thể đoán được gần như chính xác sở thích, thói quen, thị hiếu thời trang, gu âm nhạc hay khuynh hướng chính trị của người dùng, từ đó lưu giữ và phân tích.

Suốt nhiều giờ các "tín đồ" dán mắt vào màn hình cũng là ngần ấy thời gian Facebook lẳng lặng thu thập toàn bộ thông tin và sau đó chào mời khách quảng cáo. “Ngân hàng” dữ liệu khổng lồ này giúp Facebook xác định cái gì sẽ thu hút người dùng, từ đó đặt trước mắt người dùng những gì phù hợp với nhu cầu và mức độ quan tâm của họ.

Điều này giúp cho các nhà quảng cáo nhắm đúng khách hàng mục tiêu hiệu quả hơn so với quảng cáo trên truyền hình hay các loại báo chí truyền thống khác.

Con số lợi nhuận hiển nhiên không hề nhỏ khi mỗi ngày có tới khoảng 1,4 tỷ người dùng đăng nhập Facebook. Nói cách khác, trong kỷ nguyên số hiện nay, người dùng chính là những "lao động miễn phí" giúp Facebook khai thác và thu về lợi nhuận lớn từ các nhà quảng cáo.

Đích thân người đồng sáng lập Apple, ông Steve Wozniak, đã phát biểu rằng “Người sử dụng cung cấp mọi chi tiết về cuộc sống của họ cho Facebook, và Facebook kiếm được rất nhiều tiền quảng cáo từ các dữ liệu này.

Tất cả lợi nhuận được tạo ra là từ thông tin của người sử dụng, tuy nhiên họ không được chia bất kỳ một phần lợi nhuận nào”. Ông cũng bày tỏ lo ngại các công ty Internet như Facebook đang nắm giữ quá nhiều thông tin của người sử dụng và sử dụng các thông tin này một cách thiếu thận trọng.

Rõ ràng, việc dữ liệu cá nhân của người dùng Facebook bị xâm phạm đã diễn ra từ lâu, như lời thừa nhận của ông chủ Zukerberg rằng “vào thời điểm nào đó trong vài năm qua, người khác có thể tiếp cận thông tin công khai của bạn theo cách này”.

Những nguy cơ của việc đánh cắp hay lợi dụng và rò rỉ dữ liệu người dùng là rất lớn, bởi đây không chỉ đơn thuần là vấn đề quyền riêng tư bị xâm phạm. Trên thực tế, thông tin của người dùng là nguồn tài nguyên quý giá, dễ dàng trở thành “những miếng mồi béo bở” của tin tặc, những kẻ đánh cắp danh tính, những đối tượng lừa đảo hay các nhà phân tích dữ liệu mờ ám đang xây dựng hồ sơ tâm lý người dùng để phục vụ cho lợi ích chính trị nào đó.

Tin tặc, tội phạm hay những kẻ lừa đảo có thể sử dụng những thông tin cá nhân và kết hợp với các dữ liệu khác để lừa đảo người dùng, phát tán phần mềm độc hại trên máy tính hay điện thoại di động.
       
Bên cạnh đó, lượng dữ liệu khổng lồ mà các "Facebooker" tạo ra mỗi ngày nếu bị rò rỉ cũng đặt ra những nguy cơ đối với an ninh và sự ổn định của các quốc gia. Một tổ chức nước ngoài có thể sử dụng các thông tin đó để gây ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử hoặc định hướng và kích động sự bất mãn, bạo lực.

Việc mỗi tài khoản trên Facebook được cố tình "sắp đặt" chỉ nhận được những nội dung phù hợp với nhu cầu cá nhân sẽ khiến bản thân người dùng có xu hướng chỉ nhìn nhận, đánh giá vấn đề một cách phiến diện, thiếu đi cái nhìn khách quan.

Hậu quả sẽ còn nghiêm trọng hơn nếu những thông tin của người dùng có khuynh hướng tiêu cực bị các chính trị gia theo chủ nghĩa cực đoan lợi dụng để giành sự ủng hộ, từ đó càng khoét sâu sự chia rẽ và bất ổn trong xã hội. Do vậy, việc tìm kiếm và triển khai những biện pháp, quy định pháp lý nghiêm ngặt hơn để quản lý và đảm bảo những trang mạng xã hội đáp ứng được tiêu chuẩn bảo mật thông tin người dùng đang là một vấn đề cấp bách.
       
Hiện còn quá sớm để kết luận vụ bê bối dữ liệu sẽ đặt dấu chấm hết cho thời đại "hoàng kim" của Facebook. Trên thực tế, người dùng sẽ khó có thể từ bỏ việc sử dụng trang mạng xã hội này như một thói quen hàng ngày để cập nhật tin tức hay kết nối với mọi người.

Thậm chí, Facebook cũng đã trở thành “kế sinh nhai” của rất nhiều người kinh doanh trên mạng xã hội này. Tuy nhiên, những rắc rối mà Facebook phải đối mặt giải quyết vẫn còn ở phía trước. Ngày 11-4, CEO Mark Zuckerberg sẽ phải điều trần trước Quốc Hội Mỹ về vấn đề sử dụng và bảo vệ dữ liệu người dùng.

Facebook cũng phải chuẩn bị đối phó với một án phạt có thể lên tới nhiều tỷ USD của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ. Nhưng có lẽ cái mất lớn nhất là lòng tin của người dùng, cũng chính là thước đo lợi nhuận của Facebook.
         
Vụ bê bối của Facebook cũng được coi như "hồi chuông cảnh tỉnh", khiến các nước bắt đầu chú trọng tăng cường các biện pháp, quy định siết chặt bảo vệ dữ liệu cá nhân, như châu Âu đang chuẩn bị ban hành Quy định Bảo vệ dữ liệu tổng thể (GDPR), dự kiến có hiệu lực từ ngày 25-5 tới.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, việc liệu các nền tảng truyền thông xã hội có giải quyết được triệt để vấn đề an ninh thông tin vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Và với người dùng, có lẽ bài học sâu sắc nhất qua vụ bê bối dữ liệu lần này chính là nhận ra “không có gì là miễn phí” trong xã hội ngày nay.
                                 

Theo TTXVN 

.