Những bữa trưa nghĩa tình

.

ĐNO - Gần 10 ngày nay, mỗi buổi trưa, anh Nguyễn Duy Đức (SN 1981, chủ quán cơm Yên Vui, thuộc Quỹ Từ thiện Bông Sen) cùng các tình nguyện viên chở những phần cơm trên xe máy, chạy khắp các tuyến đường tìm những hoàn cảnh khó khăn để phát miễn phí.

Xe chở cơm của anh Đức có bình sát khuẩn tay để bảo đảm an toàn cho mọi người trước khi nhận cơm. Ảnh: LAM PHƯƠNG
Xe chở cơm của anh Đức có bình sát khuẩn tay để bảo đảm an toàn cho mọi người trước khi nhận cơm. Ảnh: LAM PHƯƠNG

1. Từ khi thực hiện cách ly xã hội, công việc mưu sinh của những người nghèo, người bán vé số, xe ôm, bán hàng rong bị ảnh hưởng. Hiểu được những khó khăn, vất vả của người lao động thu nhập thấp, anh Đức trăn trở tìm cách giúp đỡ. Để giúp mọi người bớt một phần chi phí hàng ngày, anh Đức cùng tình nguyện viên quán cơm Yên Vui lên kế hoạch nấu và phát cơm miễn phí.

Ngày đầu tiên phát cơm miễn phí, anh Đức phát cố định tại 3 địa điểm. Tuy nhiên, thấy mọi người tập trung nhận cơm đông, không bảo đảm an toàn trong thời điểm dịch phức tạp, anh Đức cùng các tình nguyện viên bàn bạc, tìm phương án khác. “Chúng tôi đã thống nhất sử dụng xe máy để phát cơm di động. Nghĩa là, mọi người chia nhóm, chạy xe máy chở theo những phần cơm đi các tuyến đường để phát tận tay cho người khó khăn”, anh Đức nói.

Hằng ngày, từ 6 giờ sáng, căn bếp của quán cơm Yên Vui đã đỏ lửa. Các đầu bếp, tình nguyện viên luôn tay sơ chế thực phẩm, nấu thức ăn, đóng hộp. Mọi người tham gia làm bếp đều đeo găng tay, khẩu trang để bảo đảm vệ sinh, an toàn trong mùa dịch. Bà Nguyễn Thị Huyền (54 tuổi) tham gia nấu bếp từ những ngày đầu hoạt động. “Sáng nào tôi cũng cố gắng dậy sớm, đến đây phụ mọi người nấu ăn. Mùa dịch này những người xe ôm, vé số, chai bao gần như không làm ra tiền. Những bữa ăn miễn phí của quán giúp đỡ mọi người phần nào trong lúc khó khăn”, bà Huyền cho biết.

Những suất cơm miễn phí được trao tận tay cho người khó khăn. Ảnh: LAM PHƯƠNG
Những suất cơm miễn phí được trao tận tay cho người khó khăn. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Hơn 10 giờ, cơm canh nóng nổi đã sẵn sàng. Các tình nguyện viên gói những phần cơm, canh, trái cây trong túi, đặt vào thùng. Các bạn nam bưng những thùng cơm đặt lên xe máy. Trên mỗi xe, ngoài chở cơm còn kèm theo chai nước sát khuẩn. Xong xuôi, 4 nhóm tình nguyện viên chạy về 4 hướng, tỏa ra khắp thành phố. “Chúng tôi có 4 nhóm đi các khu vực: Bến xe trung tâm, xung quanh Bệnh viện Đà Nẵng, tuyến đường Trưng Nữ Vương và các tuyến đường khu vực trung tâm. Mỗi ngày, quán cơm Yên Vui phát khoảng 300 suất cơm miễn phí đến người nghèo”, anh Đức nói.

Ông Lê Trung Tân (SN 1965) có thâm niên hơn 20 năm chạy xe ôm nhưng chưa năm nào lại ế khách như năm nay. “Hơn 2 tháng nay, có những ngày tôi không chạy được cuốc xe nào cả; trong khi đó tiền nhà trọ, sinh hoạt, ăn uống cho các con vẫn phải chi hàng ngày. Nhiều bữa tôi không dám ăn, chỉ nhai đỡ bánh mỳ không. Những suất cơm miễn phí như thế này thật đáng quý đối với tôi, nhất là trong thời điểm khó khăn này”, ông Tân tâm sự.

Cầm trên tay hộp cơm nóng hổi, bà Lê Thị Lan (68 tuổi) không giấu xúc động, nói: “Nhiều ngày rồi buổi trưa tôi không có cơm ăn vì hàng quán đóng cửa hết. Tôi đi nhặt ve chai từ sáng đến tối mới về phòng trọ, thu nhập cũng không nhiều nhặng gì. Tôi nghe có nơi người ta phát cơm miễn phí nhưng mà tôi đi bộ, không có xe nên đành chịu. Cũng may gặp các cháu phát cơm “di động” nên tôi mới được nhận cơm”.

Theo anh Đức, để phát cơm đến đúng những người cần, anh Đức và các tình nguyện viên vừa đi xe vừa phải quan sát hai bên đường để tìm những người khó khăn. “Dù biết hình thức chạy xe máy phát cơm miễn phí này tốn khá nhiều thời gian, công sức. Nhưng để tránh tình trạng tụ tập đông người, bảo đảm an toàn cho mọi người, chúng tôi không ngần ngại chạy xe mỗi buổi trưa hàng chục cây số để tìm người khó khăn phát cơm. Chỉ mong những bữa cơm miễn phí của chúng tôi giúp mọi người bớt đi phần nào chi phí, gánh nặng trong giai đoạn khó khăn này”, anh Đức chia sẻ.

Người lao động nhận cơm từ thiện tại địa chi 79 Yết Kiêu. Ảnh: NGUYỄN LỄ
Người lao động nhận cơm từ thiện tại địa chỉ 79 Yết Kiêu. Ảnh: NGUYỄN LỄ

2. “Quán cơm ni đắt khách dữ hè”, ông Võ Thanh Thì, một người bán vé số vui vẻ nói, sau khi cầm trên tay phần cơm trưa nóng hổi. “Quán cơm” mà ông nói, nằm tại địa chỉ số 79 Yết Kiêu (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà).

Đó là một quán cơm đặc biệt, mỗi buổi trưa chỉ “bán” từ 150-170 suất và có giá bán 0 đồng. Chủ quán cơm đặc biệt này là cặp vợ chồng anh Võ Hồng Thuấn và chị Đặng Thị Thơ. Mỗi ngày, hai vợ chồng cùng gia đình, người thân tập trung lại chuẩn bị thức ăn và nấu nướng từ sáng. Đến 10 giờ, những phần cơm nóng hổi đã sẵn sàng.

Theo đó, một lượng cơm sẽ được phát tại chỗ cho người lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Số còn lại sẽ được giao tận tay người già neo đơn và tại một số điểm chốt chặn trên địa bàn quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn. Tại căn nhà số 79 Yết Kiêu, người đến nhận cơm rất đông. Chỉ chưa đầy 30 phút, số cơm đã hết veo trong niềm vui của người cho và người nhận. Có những người đến muộn, chưa kịp nhận được phần cơm đã chuẩn bị sẵn, chị Thơ lại bới thêm phần từ nồi cơm của gia đình.

Theo chân gia đình chị Thơ đi trao cơm cho những người già neo đơn, đi lại khó khăn, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Mai (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà). Bà Mai đau nặng từ nhiều năm nay với nhiều lần hóa trị, xạ trị. Gia đình nghèo, bản thân phải nằm một chỗ. Bà sống nhờ vào sự giúp đỡ của mọi người tại địa phương. Nhận phần cơm ngon lành trên tay, bà cho biết: “Tôi lâm bệnh đã lâu, không có nhiều tiền, ai cho gì ăn nấy. Đợt này lại được các cô chú giúp đỡ ri, chỉ biết cảm ơn và mong mọi người đều sẽ có niềm vui, giữa mùa dịch này”.

Được biết, kinh phí từ hoạt động này do hai vợ chồng chị Thơ tự vận động cá nhân và quyên góp từ bạn bè, mạnh thường quân. Bên cạnh đó, chị còn ủng hộ gạo, trứng… cho những hoàn cảnh khó khăn.

LAM PHƯƠNG - XUÂN SƠN - NGUYỄN LỄ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.