Người trẻ bảo vệ môi trường

.

ĐNO - Nhóm “Trạm Eco” do những người trẻ tại Đà Nẵng khởi xướng với mục tiêu tạo dựng không gian kết nối người yêu môi trường, lan tỏa lối sống xanh và nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại và xử lý rác thải.

A
Các thành viên "Trạm Eco" trong một buổi dọn rác trên bán đảo Sơn Trà. Ảnh: XUÂN SƠN

Sinh viên Nguyễn Thị Hồng Phúc (năm 4, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng) là người lập ra "Trạm Eco". Phúc cho hay, nhóm ra đời vào mùa hè năm 2020, khi những thành viên của trạm có dịp gặp nhau tại một cuộc thi tìm hiểu về biến đổi khí hậu của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP).

Chung quan điểm và nhận thức về bảo vệ môi trường, những người trẻ mong muốn tạo một điểm kết nối những người yêu môi trường tại Đà Nẵng để cùng thực hiện các hoạt động sống xanh.

“Những ngày đầu lập trạm là những ngày chúng em “lôi kéo”, chiêu mộ thêm những thành viên về đội. Đó là những người từng có những trải nghiệm về bảo vệ môi trường hoặc từng làm tình nguyện viên ở các đơn vị về môi trường”, Phúc cho biết. Hiện tại Trạm Eco có 12 thành viên cố định, tích cực tham gia khi có thời gian.

Từ talkshow trực tuyến…

Hoạt động phổ biến của "Trạm Eco" trong thời gian qua có thể kể tới chương trình “Eco Talks” ra đời trong thời điểm Covid-19 bùng phát và nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Đây là chuỗi hoạt động theo hình thức talk show trực tuyến trên nền tảng internet như phần mềm Zoom, mạng xã hội Facebook. Nhóm mất gần 3 tháng để hoàn thành số “Eco Talks” đầu tiên khi mọi tương tác, thảo luận, liên hệ, phân công công việc của các thành viên đều phải qua internet. Có người lên kế hoạch và chủ đề của mỗi buổi, người liên hệ diễn giả, người phụ trách kỹ thuật.

Từ số Eco Talks đầu tiên lên sóng và nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng, đến nay đã có 11 số Eco Talks với các chủ đề nóng về môi trường như: Sống xanh thời Covid-19, Những câu chuyện về vườn cộng đồng, Những sinh vật đô thị, Trekking và môi trường, Ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp… được lên sóng, thu hút sự quan tâm của hàng ngàn người yêu môi trường ở Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố lân cận.

Dần dần, chương trình có uy tín nhất định, thu hút nhiều diễn giả trên cả nước sẵn sàng tham gia các buổi chia sẻ trực tuyến. Đó là những người truyền cảm hứng cho cộng đồng yêu môi trường như: Long Journey - chuyên gia về bảo tồn động vật và phát triển đô thị; Huỳnh Thanh Dư - người sáng lập Meron Farm, bỏ phố về quê làm nông dân với hành trình mang thông điệp “Nông nghiệp hạnh phúc” hay Cao Minh Châu - người sáng lập tổ chức Wildhand…

Trên nền tảng Zoom, mỗi số talkshow thu hút gần 40 người tham gia, khi phát lại trên Facebook, chương trình thu hút được trung bình 200 người theo dõi/số.  

Nguyễn Hồng Nhung, thành viên "Trạm Eco" cho hay, các diễn giả đều đồng ý tham gia miễn phí để chia sẻ những câu chuyện gần gũi, kinh nghiệm, góc nhìn mới mẻ trong lĩnh vực mà họ am hiểu đến người theo dõi. Như tại số talkshow chủ đề “Ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp” có 2 HTX đến từ Kon Tum và Hải Dương đăng ký tham gia theo dõi và nhận được tư vấn, trao đổi định hướng phát triển từ các diễn giả.

…đến trải nghiệm thực tế

“Bên cạnh hoạt động tuyên truyền trực tuyến từ các talkshow thì em nghĩ nên có các chương trình thực tế để liên kết cộng đồng bảo vệ môi trường. Vì thế sau khi Đà Nẵng nới lỏng giãn cách và chuyển trạng thái phòng, chống dịch, chương trình “Clean up Sơn Trà” chính thức diễn ra”, Hồng Phúc cho biết.

Ngày 14-11 vừa qua, với sự hỗ trợ, đồng tham gia từ nhiều đơn vị, 50 bạn trẻ chia làm 5 nhóm nhỏ đi dọn dẹp rác từ bãi biển Thọ Quang đến chân núi Sơn Trà. Sau buổi dọn dẹp trên cung đường 24km, hơn 500kg rác thải được thu về, các tình nguyện viên phân loại ra thêm 50kg rác tái chế được để chuyển tới các điểm thu gom, xử lý.

Là một trong những tình nguyện viên đợt này, Nguyễn Thị Tiến (sinh viên ĐH Duy Tân) cho biết: “Em thấy hoạt động này là dịp để trải nghiệm thiên nhiên và bảo vệ môi trường sau thời gian dài mọi người giãn cách xã hội. Ai cũng mệt khi dọn lượng lớn rác trên quãng đường khá dài nhưng bù lại giúp mình biết giữ gìn môi trường xanh-sạch-đẹp”.

Bên cạnh “Clean Up Sơn Trà”, nhóm “Trạm Eco” thực hiện nhiều hoạt động hướng về môi trường như: Hành trình xanh - phối hợp cùng Greenviet và các nông trại tổ chức tham quan thực tế, giáo dục trải nghiệm về thiên nhiên ở Sơn Trà Tịnh Viên, núi Sơn Trà, Bảo tàng Đồng Đình…; Workshop hướng dẫn tái chế - phân loại rác thải; phối hợp với các vườn, hội thích trồng cây để hướng dẫn các bạn trẻ cách trồng cây, bón phân hữu cơ…

Tham gia từ những ngày đầu thành lập nhóm, Nguyễn Thị Hồng Nhung chia sẻ: “Các hoạt động về môi trường không liên quan tới ngành học của em ở trường đại học là thương mại điện tử. Tuy nhiên việc tham gia "Trạm Eco" giúp bản thân em dần hình thành những thói quen sống xanh, sống sạch. Đơn giản là thấy rác được vứt bừa bãi thì nhặt lại bỏ vào thùng…”.

Theo Nguyễn Thị Hồng Phúc, thời gian này, các thành viên của "Trạm Eco" đang cố gắng khôi phục lại các hoạt động trải nghiệm thực tế đã tạm dừng do Covid-19. Bên cạnh đó, cả nhóm ấp ủ ý định liên kết hoạt động với các nông trại hữu cơ ở Đà Nẵng để tạo sự phong phú cho các chương trình trải nghiệm; xây dựng một vườn cộng đồng ở khu dân cư hay hướng tới phân loại rác triệt để từ mỗi gia đình…

“Mọi chương trình để thành công luôn cần sự chung tay từ cộng đồng. Do đó, nhóm hy vọng mỗi người dân, mỗi tình nguyện viên khi tham gia các hoạt động sẽ trở thành một “đại sứ môi trường” trong cuộc sống của mình”, Phúc cho biết.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích