nCoV không lây truyền qua đường không khí mà lây qua đường giọt bắn hoặc tiếp xúc, tức tay chúng ta chạm phải đồ vật nước miếng người bệnh văng ra, rồi vô tình đưa vào miệng.
Ngày 4-2, bệnh nhân 28 tuổi người Trung Quốc Li Zichao (ảnh) – 1 trong 2 bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam phát hiện nhiễm nCoV, đã được xuất viện, sau 13 ngày điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN) |
2019-nCoV là chủng mới thuộc họ virus corona, gây bệnh từ cảm lạnh thông thường đến hội chứng hô hấp nguy hiểm như SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông).
Hệ số lây truyền của virus 2019-nCoV (corona) hiện nay là 1 người có thể lây cho 2 người.
nCoV lây truyền như thế nào?
Virus corona (nCoV) không lây truyền qua đường không khí mà lây qua đường giọt bắn hoặc tiếp xúc, tức tay chúng ta chạm phải đồ vật nước miếng người bệnh văng ra, rồi vô tình đưa vào miệng, hoặc bị bệnh nhân ho trúng mắt có thể lây nhiễm.
Giọt nước bọt mang virus corona có kích thước khá lớn do đó bất kỳ khẩu trang thông thường nào (không chỉ N95) đều có thể lọc được.
Tuy nhiên, khi người bị nhiễm bệnh hắt hơi ra môi trường, giọt nước bọt chứa virus có thể bắn xa 2m và lơ lửng trong không khí trước khi rơi xuống mặt đất.
Khi người bệnh ho hoặc bắn nước bọt, dịch mũi ra ngoài, người tiếp xúc trực tiếp có thể bị dính một phần nCoV và mang theo lên miệng, mũi của mình rồi dẫn đến lây nhiễm.
Một phần nCoV trong các giọt bắn cũng sẽ lưu lại trên bề mặt xung quanh như mặt bàn, ghế, tài liệu, đồ dùng, tay nắm cửa, cốc chén và người tiếp xúc với những bề mặt trên rồi đưa tay lên mũi, miệng khiến virus đi vào đường hầu họng, hô hấp cũng có thể nhiễm bệnh.
Đối với trường hợp giọt bắn trực tiếp từ người bệnh sang người tiếp xúc, khả năng lây lan phụ thuộc vào việc giọt bắn đi tới đâu.
Theo các chuyên gia y tê khoảng cách khiến giọt bắn trực tiếp ảnh hưởng đến người lành là khoảng 2m. Trên 2m hoàn toàn có thể tránh bị ảnh hưởng.
Đối với lo ngại về việc nCoV có thể lây qua mắt, theo các chuyên gia y tế, nếu trong vòng 2m, người nhiễm virus ho trúng vào mắt, virus tiếp xúc giác mạc, vẫn có thể lây nhiễm.
Còn nếu khoảng cách trên 2m, khả năng rất thấp. Tuy nhiên với loại nCoV, đến nay chưa có bằng chứng cho con đường lây truyền này.
Tương tự với việc ăn uống, khả năng lây nhiễm nCoV khi ăn các thức ăn sống, các động vật hoang dã là hoàn toàn có thể. Ngoài ra, nếu ăn ở hàng quán trong trường hợp có người bệnh gần đó ho, thở, có giọt bắn ra bên ngoài, bắn vào các vật dụng ăn uống, người lành tiếp xúc vào cũng có khả năng lây nhiễm bệnh.
Kích thước và trọng lượng của một số loại virus rất nhẹ, nó có thể lơ lửng trong không khí khi mình ho, nó có thể bị gió thổi bay từ chỗ này sang chỗ khác. Do đó khả năng lây nhiễm bệnh xa hơn, bán kính rộng lớn hơn.
Tuy nhiên, nCoV này không đủ nhẹ để bay và do đó có thể loại trừ việc lây nhiễm trong không khí. Chỉ khi nào giọt bắn tiếp xúc trực tiếp với bạn thì mới có khả năng nhiễm bệnh.
nCoV tồn tại trong môi trường như thế nào?
Đặc tính rõ nét của virus nCoV cho đến nay chưa có thông tin chính thức là ở nhiệt độ nào thì nó bị tiêu diệt. Đây là một chủng trong dòng họ virus corona, do đó có đặc tính chung của dòng này. Đó là phát triển ở nơi có nhiệt độ thấp và ẩm, thường dưới 25 độ C, chung cho cả dòng virus corona.
Sau khi ra khỏi vùng hầu họng của người mang bệnh, con virus có thể sống trong giọt bắn của người bệnh, nếu nhiệt độ thấp, sức sống của nó rất lâu đến vài giờ.
Nhưng trong môi trường vừa có nắng, vừa nhiệt độ cao, chỉ trong 3-5 phút nó có thể bị tiêu diệt, giúp khả năng lây nhiễm giảm đi nhiều.
Theo các bác sỹ Hoa Kỳ, khi rơi xuống bề mặt kim loại, virus sẽ sống ít nhất khoảng 12 giờ. Vì vậy, hãy luôn nhớ, nếu bạn tiếp xúc với bất kỳ bề mặt kim loại nào, hãy rửa tay bằng xà phòng thật kỹ.
Virus có thể vẫn hoạt động trên vải trong 6-12 giờ. Bột giặt thông thường cũng có thể diệt được virus. Đối với quần áo mùa Đông không cần/không giặt được hàng ngày, bạn có thể phơi chúng dưới ánh nắng mặt trời để diệt virus.
Các triệu chứng viêm phổi do corona virus gây ra
1. Đầu tiên virus sẽ gây viêm đường hô hấp trên, điển hình là viêm họng, vì vậy cổ họng sẽ có cảm giác đau, khô rát kéo dài từ 3 đến 4 ngày.
2. Sau đó, virus sẽ hòa lẫn vào dịch mũi và nhỏ giọt vào khí quản, xâm nhập vào phổi, gây viêm phổi. Quá trình này sẽ mất 5 đến 6 ngày.
3. Khi bị viêm phổi, các triệu chứng điển hình xuất hiện là sốt cao kèm khó thở. Lúc này, cảm giác nghẹt mũi của bạn sẽ không giống cảm cúm hay các triệu chứng viêm mũi dị ứng thông thường, bạn sẽ có cảm giác như bị nghẹt, bị chìm trong nước. Nếu xuất hiện những triệu chứng trên, hãy ngay lập tức đi khám tại các cơ sở y tế.
Thời gian ủ bệnh biến thiên từ 1-14 ngày. Ngoài ra, 14 ngày là giới hạn cuối cùng để xác định có bị lây bệnh hay không.
Những biện pháp phòng ngừa
1. Hình thức lây nhiễm virus corona phổ biến nhất là do chạm, tiếp xúc những thứ ở nơi công cộng, vì vậy hãy rửa tay thường xuyên. Virus chỉ có thể sống trên tay bạn trong 5-10 phút, nhưng trong 5-10 phút đó có rất nhiều hoạt động có thể xảy ra (bạn có thể vô tình dụi mắt hay ngoáy mũi…), những hoạt động này làm virus có thể xâm nhập vào cơ thể.
2. Ngoài việc rửa tay thường xuyên, hãy súc miệng, súc họng bằng nước súc miệng có tính sát khuẩn để loại bỏ hoặc giảm thiểu virus khi chúng vẫn còn trong cổ họng (trước khi xâm nhập xuống phổi).
3. Tránh đến nơi đông người, để giảm rủi ro phát tán, đặc biệt lưu ý khi tiếp xúc thành viên gia đình. Đeo khẩu trang thường xuyên để hạn chế nhiễm bệnh và tránh làm văng giọt bắn, chất thải qua đường hô hấp có thể đem theo lượng virus lớn ra bên ngoài.
Khẩu trang phải che kín cả mũi lẫn miệng; khi tháo khẩu trang, chỉ cầm vào dây đeo qua tai để tháo. Tránh chạm tay vào bề mặt khẩu trang khi đang đeo...
Khi mang khẩu trang tuyệt đối không sờ tay vào hoặc thậm chí chỉnh sửa khẩu trang sẽ vô tình làm cho bàn tay lây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác, sau đó truyền bệnh lại cho chính mình và những người xung quanh.
Theo Vietnam+